Nâng cao năng lực quản lý chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa cấp huyện
(QT) - Từ trước đến nay, thị trường nông thôn ở Quảng Trị thường ít được quản lý chặt chẽ, nhất là thị trường bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, do đó các chợ nông thôn đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hàng giả, hàng nhái bày bán đầy rẫy khắp các vùng nông thôn và người dân đang hàng ngày tiêu dùng loại hàng này với giá rẻ nhưng hoàn toàn không tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Củng cố và nâng cao năng lực quản ...

Nâng cao năng lực quản lý chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa cấp huyện

(QT) - Từ trước đến nay, thị trường nông thôn ở Quảng Trị thường ít được quản lý chặt chẽ, nhất là thị trường bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, do đó các chợ nông thôn đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hàng giả, hàng nhái bày bán đầy rẫy khắp các vùng nông thôn và người dân đang hàng ngày tiêu dùng loại hàng này với giá rẻ nhưng hoàn toàn không tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Củng cố và nâng cao năng lực quản lý về chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa cấp huyện là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng (NTD), đảm bảo công bằng trong mua bán và thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt. Hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường nông thôn Dạo quanh một vòng các chợ nông thôn vào thời gian cuối năm, thấy tiểu thương chuẩn bị lượng hàng khá nhiều để phục vụ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt hàng sản xuất trong nước có thương hiệu thì các chợ quê cũng bày bán rất nhiều mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng giày dép, mỹ phẩm, áo quần, thực phẩm đã qua chế biến... Do cuộc sống của người dân ở nông thôn còn khó khăn nên yếu tố chất lượng chưa phải là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn hàng hóa tiêu dùng mà yếu tố giá cả được họ quan tâm hơn cả. Nắm bắt được tâm lý thích giá rẻ nên hầu hết các tiểu thương ở chợ hoặc các điểm bán lẻ vùng nông thôn đều tập trung bán các mặt hàng giá rẻ để khuyến khích NTD mua sắm với đủ các loại hàng.

Tăng cường đưa hàng Việt đảm bảo chất lượng về nông thôn là cách tốt nhất để bảo vệ người tiêu dùng

Chợ Do là một trong những chợ khá lớn ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh, hầu hết các mặt hàng công nghiệp ở đây đều có hàng giả, hàng nhái như các loại hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, áo quần, túi xách... mang nhãn hiệu của những hãng lớn như Nike, Gucci, Channel, Hermes, Louis, Burberry... nhưng giá rẻ và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chị Lê Thị Khánh Hằng ở thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh mua một hộp kem trang điểm mang nhãn hiệu Lancome tại Chợ Do giá 40.000 đồng. Với mức giá như vậy thì cũng đủ khẳng định đó là hàng giả kém chất lượng, bởi mỹ phẩm Lancome là sản phẩm nổi tiếng có xuất xứ từ Pháp và có giá rất cao khi bán ở thị trường Việt Nam (mỗi hộp kem giá từ 1 triệu đồng trở lên). Hiện nay chưa có một đánh giá cụ thể nào về tỷ lệ hàng giả, hàng nhái ở thị trường nông thôn nhưng theo cảm quan là có thể chiếm tỷ lệ rất cao, trong khi đó, thông tin về hàng thật, hàng giả... đến với NTD vùng nông thôn rất ít. Mặc dù cơ quan chức năng đã tổ chức ra quân kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ở thị trường nông thôn nhưng do lực lượng mỏng và không tổ chức thường xuyên, xử phạt chưa nghiêm nên sau kiểm tra, tình hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đâu lại vào đó. Nâng cao năng lực quản lý chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa cấp huyện Nâng cao năng lực quản lý chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa cấp huyện là một trong hai nội dung của Quyết định 2294/QĐ- UBND tỉnh vừa ban hành ngày 27/10/2014 nhằm góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận về sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, năng lực, trách nhiệm và hiệu lực quản lý nhà nước về quản lý chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa của UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện), UBND các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) được tập huấn nghiệp vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, kỹ năng phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, mã số, mã vạch, hàng hết hạn sử dụng... nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người SXKD chân chính và NTD, đảm bảo công bằng xã hội. UBND cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Xây dựng kế hoạch hoạt động quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD, các hộ KD ở các chợ, trung tâm thương mại và NTD trên địa bàn; thực hiện thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn; xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa và nhãn hàng hóa theo thẩm quyền; giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; chỉ đạo UBND cấp xã trực thuộc thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình và công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ). UBND cấp huyện căn cứ vào điều kiện từng địa phương, có trách nhiệm nâng cao năng lực quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cụ thể là đào tạo nghiệp vụ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong 2 năm 2015 và 2016 triển khai công tác đào tạo nghiệp vụ kỹ năng kiểm tra chất lượng hàng hóa thông qua nhận biết nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch... cho cán bộ phụ trách KHCN cấp huyện, một số xã, thị trấn và ban quản lý chợ. Từ năm 2016- 2018, hoàn thiện cơ bản về nghiệp vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch... cho cán bộ phụ trách KHCN cấp xã, ban quản lý chợ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa từ 2015- 2016: xây dựng và triển khai kế hoạch phổ biến, tuyên truyền các Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Bảo vệ quyền lợi NTD nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ người quản lý, người SXKD đến NTD; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, quy định của pháp luật về chất lượng và nhãn hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng theo định kỳ và thường xuyên, liên tục trong năm. Thu hút sự tham gia đông đảo của toàn thể lực lượng xã hội để vận động, nâng cao nhận thức về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Vận động, đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở SXKD hàng hóa cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa trong KD. UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa cho các cơ sở SXKD nhỏ lẻ; các hộ KD tại các chợ; NTD trên địa bàn quản lý. Kiểm tra, giám sát hoạt động của các ban quản lý chợ, hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn trong việc thực hiện nội quy về bảo vệ quyền lợi NTD; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn quản lý. Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh trên địa bàn quản lý. Xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các vi phạm về bảo vệ NTD của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ kinh doanh theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn quản lý. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa với UBND cấp huyện. Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại có trách nhiệm ban hành nội quy chợ và trình UBND cấp huyện phê duyệt. Tăng cường giám sát, quản lý việc tuân thủ pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong KD. Trong điều kiện mức sống của người dân chưa được nâng cao thì việc nâng cao năng lực quản lý chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa cấp huyện để quản lý tốt thị trường nông thôn, chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giúp cho người dân mua hàng thật đúng giá, phù hợp với mức sống là giải pháp tốt nhất để đảm bảo tính công bằng và bảo vệ người tiêu dùng và góp phần vận động, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt đảm bảo chất lượng của người dân trong tỉnh. Bài, ảnh: TRẦN ANH THƯ