Gã Don Quixote của nhạc Việt
TT - Trí Minh là cái tên đang được nhiều người nhắc đến trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại VN, đặc biệt ở dòng nhạc “ngỗ ngược”: nhạc điện tử.

Gã Don Quixote của nhạc Việt

TT - Trí Minh là cái tên đang được nhiều người nhắc đến trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại VN, đặc biệt ở dòng nhạc “ngỗ ngược”: nhạc điện tử.

Nhạc sĩ, DJ Trí Minh - Ảnh: Trọng Tùng
Là con trai nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ đàn tỳ bà Thanh Hương, em trai ca sĩ Thanh Lam, được học nhạc bài bản từ nhỏ nhưng Trí Minh lại đi theo nhạc điện tử - dòng nhạc xa lạ với đa số người Việt. Sau khi biểu diễn cùng các nghệ sĩ tên tuổi quốc tế trên sân khấu âm nhạc thử nghiệm và tại nhiều CLB nhạc điện tử hàng đầu châu Âu, vào năm 2008 anh khởi xướng và tự tổ chức Liên hoan nhạc điện tử quốc tế Hà Nội (Hanoi sound stuff - HSS) - chương trình âm nhạc điện tử mang quy mô quốc tế đầu tiên được tổ chức tại VN. Từ đó, chương trình được tổ chức đều đặn mỗi năm.

Từ jazz đến nhạc điện tử

Tiến sĩ Almuth Meyer-Zollitsch - viện trưởng Viện Goethe tại VN: “Trí Minh đã góp phần thúc đẩy việc giao lưu văn hóa giữa VN với quốc tế. Tôi tin rằng tuy còn nhiều khó khăn lúc ban đầu, nhưng HSS và Trí Minh sẽ thành công. Chúng tôi rất vui mừng vì có một liên hoan âm nhạc sáng tạo và chất lượng cao như HSS”.

Trí Minh bắt đầu với âm nhạc bằng jazz. Anh “theo chân” nghệ sĩ Quyền Văn Minh để được chơi thứ nhạc mình thích ở bất cứ nơi đâu, ở quán nhạc jazz nổi tiếng của Quyền Văn Minh trên phố Lương Văn Can, Hà Nội hay đôi khi chỉ là một tiệm phở bình dân nhân dịp khai trương vào lúc sáng sớm. Với anh, biểu diễn cho hai người hay 15.000 người, ở đâu cũng phải đặt tính chuyên nghiệp và chất lượng của nghề lên trên.

Từ jazz, Trí Minh bắt đầu làm quen với nhạc điện tử để rồi mê đắm những âm thanh tạo thành âm nhạc mà nhiều người bảo thủ gọi là dòng nhạc ngỗ ngược. Có lẽ bởi nó quá khác với những chuẩn mực thanh âm vốn được định ra từ bao đời trong âm nhạc, mà nghiêng nhiều hơn về phía những âm thanh bình dị của cuộc sống đời thường, như tiếng ồn đặc trưng của phố xá hay tiếng còi xe, tiếng rao của những người bán hàng rong...

Nhạc điện tử không dễ nghe. Nhưng với những nghệ sĩ đã đam mê, những tiếng động trong cuộc sống thường nhật được thu âm, biến hóa theo cách ngẫu hứng với họ là thứ âm thanh - âm nhạc tuyệt vời nhất. Họ tin rằng nhạc điện tử rồi sẽ quyến rũ được người nghe Việt.

Nói về dòng nhạc mình đang chơi - một thể nghiệm có thể trở thành một xu hướng hoặc cũng có thể bị lãng quên, Trí Minh chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng âm nhạc luôn luôn thay đổi, dòng nhạc mình theo đuổi có thể có khó khăn nhưng không vì vậy mà mình nản chí. Phải nói thật lòng, công chúng VN luôn kêu rằng không có gì mới, nhưng khi có cơ hội tiếp cận với cái mới, người ta lại thờ ơ và ở khía cạnh nào đó là e ngại. Mình sẽ phải chấp nhận và chiến đấu tiếp”.

Hằng ngày Trí Minh duy trì một cuộc sống thường nhật và nuôi sống niềm đam mê không dễ dàng của mình với công việc tổ chức các chương trình, làm nhạc quảng cáo, sáng chiều đi đón con trai và đi chơi cùng với con khi có thời gian rảnh.

Gian nan tìm công chúng

Sinh trưởng trong một gia đình âm nhạc truyền thống, nghe đàn tỳ bà (của mẹ), nghe nhạc chính luận (của bố), nhạc pop (của chị); có lẽ cái “nền” ấy đã khiến các tác phẩm âm nhạc của Trí Minh có sự ảnh hưởng đa chiều mà trong đó âm nhạc dân gian và nhạc pop là một phần không thể tách rời. Thế nên nghe nhạc của Trí Minh, không khó để nhận ra anh đã mix (trộn lẫn) tài tình những nét nhạc dân gian.

Không dừng lại ở việc tìm kiếm đam mê cho cá nhân mình khi theo đuổi dòng nhạc điện tử, Trí Minh có tham vọng muốn bạn bè thế giới thấy các nhạc sĩ chơi nhạc điện tử VN chơi ra sao và muốn các nghệ sĩ Việt có thêm cơ hội gặp những tài năng của thế giới, HSS vì vậy đã ra đời cách đây bốn năm. Năm ngoái, HSS quy tụ hơn 80 nghệ sĩ từ khắp thế giới và VN trình diễn. Thế nhưng nhìn lượng khán giả thưa thớt mới thấy cảm thông cho các nghệ sĩ mở đường đang vất vả đi tìm công chúng.

Trí Minh bảo: “Tôi rất buồn nhưng không tuyệt vọng!”. Anh bộc bạch: “Tổ chức một liên hoan quốc tế cho dòng nhạc điện tử không xa lạ với thế giới. Tại sao các bạn trẻ VN yêu nhạc lại phải đi sau người ta. Thật vô lý”. Người ta hay nói những người tiên phong phải chịu sự cô đơn... Như cách Trí Minh nỗ lực, bạn bè bảo anh đang... đánh nhau với cối xay gió. Dù vậy, gã Don Quixote của nhạc Việt vẫn không thể dứt khỏi đam mê nhạc điện tử của chính mình.

Liên hoan nhạc điện tử quốc tế Hà Nội lần 4 (HSS) sẽ diễn ra vào ngày 15 và 16-4 tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Chương trình gồm hai đêm diễn của các nhóm nhạc đến từ Pháp, Đức, Thái Lan, Malaysia, Áo, Na Uy như Silvouplay, Timeart Ensemble, Coma, Space 360, Horn, Raysoo và các nghệ sĩ VN như Hà Okio, Lương Huệ Trinh, Tuan Kruise, Trí Minh.

Phát triển phong cách của các kỳ HSS trước, năm nay liên hoan tiếp tục thử nghiệm các loại hình nghệ thuật đa phương tiện, kết hợp thị giác và âm nhạc, tạo mối liên kết giữa âm thanh và hình ảnh để tạo nên những buổi diễn đầy tính bất ngờ. Ngoài ra, khán giả sẽ có thêm những trải nghiệm ấn tượng qua sự góp mặt của những bộ phim thuộc tổ chức phim ngắn quốc tế Future Shorts.

CÁT KHUÊ