(QT) - Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII (diễn ra từ ngày 5-12/5/2018) là bàn về công tác cán bộ, cụ thể là thảo luận Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ của nước ta trong tình hình mới. Từ trước đến nay, công tác cán bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi đây là “cái gốc của mọi công việc, sự nghiệp cách mạng thành công hay thất bại phần lớn là do cán bộ quyết định”. Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ được coi là khâu quan trọng nhất, quyết định các khâu còn lại của công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ là nhận xét của cấp có thẩm quyền về ưu, khuyết điểm đối với cán bộ tại thời điểm hiện tại.
Đánh giá cán bộ thực chất là tìm hiểu, đánh giá về nhân cách, phẩm chất và năng lực của cán bộ để có cơ sở quy hoạch, đề bạt, luân chuyển. Sở dĩ nói đây là khâu quan trọng nhất bởi đánh giá cán bộ đúng sẽ là cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đúng cán bộ. Ngược lại, đánh giá cán bộ không đúng sẽ không có cơ sở để nâng cao chất lượng công tác cán bộ; không thể quy hoạch đúng; không chọn được đúng người đi luân chuyển kéo theo việc không thể bố trí đúng cán bộ. Bố trí, sử dụng cán bộ không đúng sẽ dẫn tới mất đoàn kết, bè phái, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống…
Quan trọng là thế nhưng nhiều năm qua đây vẫn là khâu khó và yếu nhất. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cũng nêu tình trạng: “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ”. Thực tế cho thấy hiện đang có một khoảng cách rất lớn giữa đánh giá và phẩm chất, năng lực thực sự của cán bộ. Việc đánh giá chưa phản ánh thực chất dẫn đến cán bộ có năng lực, có phẩm chất nhiều khi bị bỏ sót, ngược lại có những trường hợp năng lực hạn chế nhưng có tham vọng, thậm chí có sai phạm lại có cơ hội “trèo cao, chui sâu”. Việc một số cán bộ chủ chốt ở các địa phương, đơn vị bị cách chức, kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật thời gian qua cho thấy việc đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch, bổ nhiệm có vấn đề.
Làm sao để đánh giá cán bộ đúng thực chất là một đòi hỏi bức thiết hiện nay. Trước hết, để thực hiện tốt công tác cán bộ, một trong những yêu cầu quan trọng là các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này cần được áp dụng ngay ở khâu đầu tiên của công tác cán bộ, đó là đánh giá cán bộ. Ở khâu này, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chính là cơ sở khách quan, khoa học cho việc lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện đúng chính sách cán bộ. Nguyên tắc này có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy được nguồn lực cán bộ, góp phần giữ vững đoàn kết nội bộ. Từng cán bộ phát triển tốt sẽ tạo nên sức mạnh tập thể thực sự bền vững. Nguyên tắc dân chủ trong khâu đánh giá cán bộ, nếu thực hiện tốt sẽ đưa ra được những đánh giá cán bộ theo quan điểm phát triển, dự báo được khả năng, triển vọng, xu hướng phát triển của cán bộ, góp phần phát hiện cán bộ trẻ tài năng đưa vào quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng để trở thành nguồn cán bộ lãnh đạo kế cận trong tương lai. Đồng thời giúp các cấp lãnh đạo thấy được những chỗ còn thiếu sót trong chủ trương, đường lối, chính sách, trong công tác lãnh đạo, quản lý tổ chức, để từ đó có biện pháp điều chỉnh, hoàn thiện các công việc này ngày một tốt hơn. Việc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong khâu đánh giá cán bộ hạn chế được những đánh giá theo ý chí chủ quan, cảm tính, không phân biệt được người có thành tích nổi trội với người yếu kém, đánh đồng người làm tốt với người làm không tốt. Những năm qua, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác đánh giá cán bộ nhìn chung được các tổ chức đảng thực thi chặt chẽ, nghiêm túc, dân chủ bàn bạc và quyết định theo đa số. Tuy vậy, cũng cần thấy rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, trong đó có khâu đánh giá cán bộ ở nhiều nơi bị buông lỏng, thậm chí vi phạm, nhất là biểu hiện “dân chủ hình thức”. Qua một số vụ việc gần đây như bổ nhiệm người nhà, “thăng tiến thần tốc”, bổ nhiệm, luân chuyển “chui”… cho thấy, có khâu, bước, quyết định liên quan đến cán bộ tuy được thông qua tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, đúng quy trình nhưng thực chất tập thể đã bị vô hiệu hóa, mất sức chiến đấu, hoặc chỉ là “bình phong” để hợp thức hóa quyết định của cấp trên, người có chức, quyền. Thực tế đó đòi hỏi cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, nhất là ở khâu đánh giá cán bộ. Theo đó, trên cơ sở nhận thức đúng, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm mọi vấn đề liên quan đến cán bộ, công tác cán bộ đều được dân chủ bàn bạc, công khai, quyết định theo đa số.
Quyết tâm đổi mới công tác đánh giá cán bộ đã được xác định rõ trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, đó là: Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp; quy định lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành định kỳ hoặc đột xuất... Tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên là chương trình hành động của tập thể và cá nhân; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Vì vậy, để đánh giá cán bộ đúng thực chất, cần xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng lượng hóa tối đa, xác định cụ thể công việc, các giải pháp sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Chính trị đã chính thức ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đồng thời có những định hướng về xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với đội ngũ cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Một số địa phương trong cả nước cũng đã nỗ lực xây dựng, ban hành quy định và bộ tiêu chí đánh giá cán bộ nhằm đạt mục tiêu đánh giá đúng thực chất, trong đó có Quảng Trị. Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Quy chế đánh giá cán bộ thuộc Ban Thường vụ quản lý (kèm Bộ tiêu chí đánh giá theo hướng lượng hóa), cho thấy việc đánh giá cán bộ đã đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Kết quả bước đầu cho thấy việc đánh giá sát hơn, giảm dần được bệnh thành tích, hình thức. Điều này có tác dụng gắn trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo.
Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là điều rất khó bởi trong thực tế, có một bộ phận cán bộ nghĩ khác, nói khác, làm lại càng khác hay thậm chí không làm. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể làm được. Việc ký ban hành các quy định về đánh giá cán bộ cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc chấn chỉnh công tác đánh giá cán bộ - khâu từng được coi là yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ. Nhưng trên hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự đánh giá đúng năng lực, phẩm chất đạo đức của bản thân để từ đó khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm mà phấn đấu vươn lên trong công việc, có những đóng góp thực chất cho đơn vị mình công tác và góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh. Không nên biết được nhược điểm bản thân nhưng vẫn bằng cách này, cách khác để tìm cách vào những vị trí mà mình không có khả năng đảm đương, từ đó kéo lùi sự phát triển của cả một bộ máy.
Nhiều kỳ vọng về công tác cán bộ được đặt ra, không chỉ từ Hội nghị Trung ương 7 lần này. Hy vọng với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, công tác đánh giá cán bộ sẽ được tiến hành một cách dân chủ, thực chất, đúng người, đúng việc hơn để xây dựng một đội ngũ cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hoài Nam