Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Xây dựng
(QT) - Ngày 3/4/2014, Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh làm việc với Sở Xây dựng để nghe báo cáo về đề án “Quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân tỉnh đến năm 2030”. Các cơ quan, đơn vị liên quan dự buổi làm việc. Hiện trạng nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh xảy ra một số bất cập như: Số lượng các nghĩa trang nhân dân khá lớn nhưng phân bổ không đều, chưa được đầu tư đúng nên ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc quản lý quỹ đất nghĩa trang của các địa phương còn lỏng lẻo, xây dựng không theo quy hoạch, kế hoạch.
 |
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi làm việc |
Trước thực trạng này, quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân đến năm 2030 đảm bảo tính bền vững, hiện đại, tạo môi trường tâm linh kết hợp sinh thái. Theo quy hoạch, công nghệ hỏa táng hiện đại đáp ứng khử 100% các vi sinh vật có hại, chặn đứng sự lây lan, truyền nhiễm bệnh tật. Không ô nhiễm môi trường do các chất hữu cơ bị đốt cháy hoàn toàn. Với hình thức lưu cốt sau hỏa táng sẽ cho phép tiết kiệm tối đa quỹ đất, tiết kiệm kinh tế. Quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chú trọng khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu từ nghĩa trang đến khu dân cư, trường học, công sở, bệnh viện... Đối với vùng đồng bằng, nghĩa trang hung táng là 1.500m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải và 500m khi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Vùng trung du, miền núi: đối với nghĩa trang hung táng là 2.000m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải và 500m khi có hệ thống thu gom và xử lý nướ c thải. Từ nay đến năm 2020, vẫn sử dụng hình thức mai táng bằng sử dụng quách hoặc huyệt mộ bêtông, đồng thời tuyên truyền để người dân tiếp cận với các phương pháp mai táng hiện đại như hỏa táng. Sau năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng đài hỏa táng và nhà tang lễ tại thành phố Đông Hà. Đối với các xã, đầu tư xây dựng các nghĩa trang theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới 9 nghĩa trang nhân dân và đầu tư mở rộng 11 nghĩa trang nhân dân tại các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 191 tỷ đồng (gồm vốn trung ương, địa phương, xã hội hóa), trong đó giai đoạn 2013 - 2020 là 141 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2020 là 50 tỷ đồng. Tại buổi làm việc, đại diện Sở Xây dựng đã giải trình đầy đủ, cụ thể các chất vấn của đoàn, tạo được đồng tình cao. Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh đánh giá cao tính khả thi của đề án. Đề án này đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn. Góp phần xây dựng các đô thị xanh sạch, đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đô thị phát triển bền vững. Đồng chí yêu cầu quy hoạch phải đảm bảo quy hoạch chung, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội từng địa phương, hài hòa truyền thống, hướng đến văn minh, hiện đại, bền vững. Tin, ảnh: M.T