Không nên ngược đãi người thân
(QT) - Buổi tối hôm đó, anh Tâm đang hóng mát trước sân đột nhiên chạy xuống bếp nơi chị Hường đang rửa chén vừa nói nhỏ vào tai, vừa kéo tay vợ đứng dậy đi theo mình: “Em ơi, lên đây mà xem, thật không thể tin nổi!”. Tò mò, chị Hường cùng chồng nhìn qua khe cửa sổ phía bên cạnh nhà hàng xóm và chứng kiến một cảnh mà anh chị lâu nay chưa hề thấy. Bà M. hai tay chống nạnh, hất mặt ra phía ngoài sân khi thấy ông chồng gầy yếu xuất hiện, bà cố nói nhỏ để những người hàng xóm không ai nghe được: ...

Không nên ngược đãi người thân

(QT) - Buổi tối hôm đó, anh Tâm đang hóng mát trước sân đột nhiên chạy xuống bếp nơi chị Hường đang rửa chén vừa nói nhỏ vào tai, vừa kéo tay vợ đứng dậy đi theo mình: “Em ơi, lên đây mà xem, thật không thể tin nổi!”. Tò mò, chị Hường cùng chồng nhìn qua khe cửa sổ phía bên cạnh nhà hàng xóm và chứng kiến một cảnh mà anh chị lâu nay chưa hề thấy. Bà M. hai tay chống nạnh, hất mặt ra phía ngoài sân khi thấy ông chồng gầy yếu xuất hiện, bà cố nói nhỏ để những người hàng xóm không ai nghe được: “Đi đâu đến giờ mới về, chắc là uống rượu nữa chứ gì? Bây đập ông ta chết cho tao, chừa cái tội nhậu với nhẹt, nói mãi mà không nghe”. Hai người con trai của ông bà có vóc dáng khỏe mạnh, khuôn mặt tuấn tú, đều là người có học thức, thường ngày ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người xung quanh nhưng chỉ mới nghe mẹ nói thế là lao ra sân, túm cổ áo, lấy sợi xích to tướng cột chân và tay người bố lại khi ông chưa kịp dựng chiếc xe máy. Chưa hết, hai anh em đấm đá túi bụi vào ngực, vào người bố mình. Nhưng thật lạ, ông N. không hề rên la mà chỉ nhắm mắt chịu trận.

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Suốt đêm đó, vợ chồng anh Tâm, chị Hường không hề chợp mắt bởi cảnh tượng của gia đình hàng xóm cứ ám ảnh mãi. Thế mà đã có lúc, anh chị thường tâm sự với nhau rằng sau này phải nuôi các con khôn lớn, ngoan ngoãn và học hành thành đạt như nhà bên cạnh! Ngày hôm sau có người đến thu tiền điện, nhờ chị Hường qua gọi nhà hàng xóm để họ thu luôn thể. Biết bà M. và các con vừa đi khỏi nhà, chị Hường dẫn người thu ngân vừa đi, vừa gọi: “Bác N. ơi! Bác có ở nhà không? Có người đến thu tiền điện bác ạ!”. Mãi sau chị mới nghe giọng trả lời thều thào của ông hàng xóm: “Có, cô vào đây giúp tôi với. Lấy giùm tôi cái ví trên tủ ấy”. Chị Hường lấy ví cho ông, ông run run mở ví, đếm mãi mớ tiền lẻ mới đủ 70 nghìn đồng để trả cho chị thu ngân. Ông buồn rầu nói: “Đây là số tiền vợ đưa cho ăn sáng hơn một tháng nay tôi dành dụm được. Bà ấy đi làm không để tiền ở nhà, trả hết rồi là bà không cho tôi đồng nào nữa!”. Đột nhiên, ông nổi cơn ho dữ dội và nôn ra ít máu. Chị Hường hốt hoảng: “Bác có sao không, cháu đưa bác đi bệnh viện nhé!”, “Không. Biết tôi mà đi viện khám thế nào rồi cũng bị mấy đứa con đánh nữa. Hôm qua, tôi đi ăn giỗ nhà bà con, vợ dặn là không được uống bia, rượu nhưng lâu ngày không gặp, anh em chú bác chúc nhau vài ly. Tôi biết thế nào về nhà là chịu “trận” nhưng lại sợ mất lòng bà con nên liều uống một ít”. “Cháu thấy bác đi nhậu về có làm ảnh hưởng đến ai đâu mà sao vợ con lại đối xử với bác tàn nhẫn thế? Bác phải đấu tranh chứ, suốt đời bác phải chịu cảnh ghẻ lạnh của vợ con sao?”. Bỏ qua câu hỏi của chị, ông hàng xóm nhìn lên đồng hồ treo trên tường rồi tỏ vẻ lo lắng: “Thôi, đến giờ rồi, các cô về nấu cơm trưa đi, tui cũng phải bắc nồi cơm không thì lại về bị ăn đòn nữa!”. Tìm hiểu, chị Hường mới hay, nhiều năm nay bà M. xem thường chồng vì nghĩ ông là gánh nặng của gia đình. Ông N. nghỉ mất sức đã gần 20 năm nay, mọi việc đại sự trong gia đình là do bà M. quyết định. Vì thế vai trò, tiếng nói của vợ có giá trị hơn ông, đặc biệt với hai người con trai. Thỉnh thoảng thấy buồn, ông gặp bạn bè làm vài ly cho khuây khỏa. Ông chưa bao giờ về nhà trong tình trạng quá xay xỉn và gây ồn ào trong nhà. Nhưng cứ ngửi thấy mùi bia rượu, không cần biết là ít hay nhiều, ông đều phải chịu những trận đánh không nương tay của các con. Có điều, do chịu đựng nỗi đau về thể xác và tinh thần quá lâu rồi nên với ông đã trở thành thói quen, ông không muốn mọi người biết hoàn cảnh gia đình mình như thế, sợ bị cười chê. Nhiều lần chứng kiến ông N. bị ngược đãi, chị Hường luôn động viên và khuyên ông nên báo với các ban ngành, đoàn thể khu phố nơi ông cư trú về sự việc trên. Tuy nhiên, ông một mực từ chối, vì sợ nếu mọi người biết thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín, công việc của vợ và các con ông. Chị Hường nghĩ, dù sống với nhau chỉ một ngày cũng nên duyên vợ chồng, là người truyền đạt kiến thức và cách sống làm người cho học sinh sao bà M. có thể đối xử với người chồng bao năm tháng vất vả, vui buồn có nhau như thế? Còn các con của ông nữa, dù bố mình có thế nào chăng nữa thì đó cũng là người đã sinh thành, nuôi dưỡng mình khôn lớn. Hơn nữa, họ đều là những người có học thức, sao lại đối xử với ông hơn cả người dưng như thế? Càng nghĩ, chị càng thấy bức xúc và quyết tâm giúp ông N. thoát khỏi tình cảnh trên. Có lẽ, chị cũng cần nói rõ quan điểm của mình cho vợ và các con ông biết để họ ý thức được việc làm của mình không những trái pháp luật mà còn trái đạo lý làm người. NGỌC TRANG