Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi trong đời sống hôm nay
(QT) - Vừa qua, Sở VH-TT&DL phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Tục chơi Bài chòi của người Việt” tại Quảng Trị nhằm hoàn thiện hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để tìm hiểu rõ hơn về loại hình văn hóa dân gian độc đáo này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn đồng chí NGUYỄN HỮU THẮNG, TUV, Giám đốc Sở VH-TT& DL tỉnh Quảng Trị. - Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết lý do vì sao Bài chòi được đề cử lên UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?
.jpg) |
- Trong số những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, diễn xướng dân gian ở các nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Bài chòi là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian sinh động, bởi trong đó có sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất, ứng tác... Đặc biệt khả năng trình diễn của anh Hiệu/người hô trong hội chơi Bài chòi thể hiện tính đại chúng, hồn nhiên nhưng rất hấp dẫn người chơi và người xem. Đó chính là một trong những điểm mạnh, điểm đặc sắc mà không phải loại hình trình diễn nào cũng có được. Ở Việt Nam, Bài chòi được hình thành và tồn tại qua nhiều thế kỷ, phổ biến từ Quảng Bình đến Ninh Thuận. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Bài chòi là một trong số ít những loại dân ca vùng Đông Dương được nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp gốc Ba Lan G.L. Bouvier quan tâm đến. Điều đó càng chứng tỏ rằng, giá trị nghệ thuật của Bài chòi dân gian được các học giả trong và ngoài nước quan tâm. Do nhận thức được vai trò, vị trí cũng như những giá trị đích thực của nghệ thuật Bài chòi dân gian, những năm gần đây một số địa phương có Bài chòi đã có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Từ năm 2012, Bộ VH-TT&DL đã đưa Bài chòi vào danh sách lập hồ sơ đề cử Quốc gia trong giai đoạn 2012-2016 trình UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. - Sự khác biệt giữa Bài chòi ở Quảng Trị và các tỉnh miền Trung là gì, thưa đồng chí? Và việc bảo tồn nghệ thuật Bài chòi dân gian tại Quảng Trị được thực hiện như thế nào trong thời gian qua? - Tại hầu hết các làng Việt cổ trên địa bàn Quảng Trị từ xa xưa đã tồn tại một hình thức giải trí vào dịp tết, đó là đánh Bài tới. Bài tới là một hoạt động giải trí chủ yếu giành cho phụ nữ ở độ tuổi trung niên trở lên, ngồi đánh trên các sạp chiếu và chỉ mang tính chất nhỏ lẻ trong từng gia đình. Về sau, cách thức đánh Bài tới tại một số làng quê đã phát triển lên một bước mới về quy mô và cách thức, các làng đã cho dựng chòi phía trước sân đình, tổ chức “hội Bài chòi” trong các dịp xuân về để mọi lứa tuổi trong làng đều có thể tham gia. Từ đây, Bài chòi thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng và được dân gian gọi là Hội Bài chòi.
.jpg) |
Các nghệ nhân đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Tục chơi Bài chòi của người Việt” - Ảnh: TT |
Bài chòi ở Quảng Trị có những nét tương đồng của hội chơi Bài chòi được phổ biến ở miền Trung như: thời gian tổ chức chơi vào dịp Tết Nguyên đán, địa điểm tại sân đình làng hoặc một bãi đất rộng trung tâm của làng, chòi thường làm 11 cái (10 chòi quân và 1 chòi cái) hoặc 7 cái (6 chòi quân và 1 chòi cái). Ngoài ra, sự khác biệt giữa hội chơi Bài chòi Bắc miền Trung từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, đặc biệt tại Quảng Trị rất phong phú, đa dạng, có nơi 11 chòi, có nơi 7 chòi…và chia 2 phe. Cách anh Hiệu hô con bài ngắn gọn và súc tích, khi hò bài thai thường sử dụng dân ca vùng đó như hò giã gạo, hò đập bắp, hò mái nhì, mái đẩy, hò ru con thậm chí có cả hò, vè hoặc sử dụng những câu chuyện cổ như Phạm Công- Cúc Hoa, Lưu Bình- Dương Lễ, Tống Trân- Cúc Hoa…và tài ứng khẩu của anh Hiệu khi bắt con bài. Tuy vậy, nội dung thể hiện cho những câu ca dù có sử dụng theo làn điệu nào đều ca ngợi về tình yêu lứa đôi, sự thủy chung, đạo hiếu làm người… mang tính giáo dục cao, rất có ý nghĩa cho các thế hệ con cháu. Quân bài để chơi cũng không hoàn toàn giống nhau về tên gọi và hình ảnh. Trang phục của anh Hiệu và người chạy Bài chòi được mặc theo truyền thống của văn hóa người Việt như áo dài khăn đóng hoặc quần áo bà ba nâu, đen. Bên cạnh đó cách thức tổ chức hội Bài chòi tại một số cộng đồng làng hiện nay đã có nhiều thay đổi, các câu hò thai không còn được anh Hiệu ứng khẩu mà chỉ hô trực tiếp các con bài được đánh, cách thức và vật liệu dựng chòi không còn mang tính truyền thống mà được thay vào đó các vật liệu hiện đại, chòi chỉ sử dụng trong hội chơi, sau đó thì tháo bỏ, năm sau làm lại chòi mới. - Để chuẩn bị xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đề cử UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở VH-TT&DL đã có những giải pháp, kế hoạch hành động nào để bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh? -Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở VH- TT&DL đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tiến hành nhiều đợt điều tra, nghiên cứu, kiểm kê bước đầu về di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật chơi Bài chòi miền Trung” trên địa bàn một số làng, xã của tỉnh Quảng Trị như: làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang và làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh; làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong. Tại làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, sau ngày giải phóng đến nay mặc dù hội Bài chòi không được khôi phục trở lại nhưng cách thức tổ chức Bài chòi vẫn còn in đậm trong ký ức của một số người già. Bên cạnh đó, Sở VH-TT& DL đã cử chuyên viên tham dự các chương trình Hội thảo, tập huấn di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi do Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức; tổ chức tọa đàm về Nghệ thuật chơi Bài chòi Quảng Trị. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa 23/11/2014, Sở VH-TT&DL phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Di sản Văn hóa Quảng Trị tổ chức phục dựng nghệ thuật chơi Bài chòi miền Trung trên đất Quảng Trị tại làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong- nơi lưu dấu đậm nét về không gian nghệ thuật chơi Bài chòi trên đất Quảng Trị. Quá trình điền dã, nghiên cứu và phục dựng giúp cho mọi người nâng cao hơn nhận thức về diện mạo “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung” để có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, góp phần vào việc hoàn thiện hồ sơ đề cử Quốc gia trong giai đoạn 2012-2016 trình UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong thời gian tới, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tục chơi Bài chòi, Sở VH - TT &DL sẽ có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở tiếp tục duy trì, phát triển để Bài chòi thực sự trở thành một hoạt động văn hóa bổ ích trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc; có kế hoạch sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu khoa học về nghệ thuật Bài chòi của Quảng Trị; tổ chức để các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cách chơi Bài chòi cho thế hệ trẻ… - Xin cảm ơn đồng chí! THANH TRÚC (thực hiện)