Tác động tích cực từ cơ chế chính sách KH& CN trong nông nghiệp
(QT) - Trong những năm qua, nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Quảng Trị đạt được những thành tựu quan trọng mà động lực của sự phát triển đó là nhờ thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách, trong đó có chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN). Hàng loạt các chương trình KH&CN được triển khai tại địa bàn nông thôn miền núi của tỉnh mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn theo chiều hướng tích cực. Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, yếu tố KH&CN ...

Tác động tích cực từ cơ chế chính sách KH& CN trong nông nghiệp

(QT) - Trong những năm qua, nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Quảng Trị đạt được những thành tựu quan trọng mà động lực của sự phát triển đó là nhờ thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách, trong đó có chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN). Hàng loạt các chương trình KH&CN được triển khai tại địa bàn nông thôn miền núi của tỉnh mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn theo chiều hướng tích cực. Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, yếu tố KH&CN ngày càng mang lại tỷ lệ đóng góp lớn trong sự thành công của sản xuất nông nghiệp, trong đó phải kể đến các yếu tố giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, các phương thức canh tác, phòng chống dịch bệnh, công nghệ thông tin... Việc ứng dụng các giống cây con mới vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra cho tỉnh một bộ giống cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết và đất đai. Bộ giống cây, con này liên tục được bổ sung và thay thế để không ngừng nâng cao chất lượng giống đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng cao, phát huy lợi thế về đất đai, lao động và giải quyết tốt các vấn đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả; ứng dụng các quy trình thâm canh mới, phòng chống các loại dịch hại trên cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đến nay, tỉnh đã chủ động được nguồn giống tại chỗ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó hiệu quả nhất là hệ thống sản xuất giống lúa, giống gia súc, gia cầm và giống thủy sản, góp phần nâng cao chất lượng giống phục vụ sản xuất lúa đại trà đạt năng suất cao.

Nông dân ứng dụng nhiều biện pháp KHKT trong trồng tiêu

Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ứng dụng tiến bộ KH&CN là một trong những động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện từ những tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, phương thức canh tác đến ứng dụng máy móc vào sản xuất... Nhờ các chính sách đầu tư đúng cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có đầu tư KH&CN đã đưa tỉnh từ một địa phương thiếu lương thực trở thành đảm bảo an ninh lương thực với năng suất lúa ổn định ở mức cao, từ 52- 55 tạ/ha, sản lượng lương thực đến năm 2014 đạt gần 27 vạn tấn. Trong tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn như cao su, sắn, hồ tiêu, cà phê... Ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý từ năm 2006 đến nay, tỉnh triển khai 10 dự án KH&CN thuộc Chương trình nông thôn miền núi giúp các địa phương tiếp cận, làm chủ và phát triển các công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài các dự án ứng dụng tiến bộ về giống cây trồng, công nghệ sinh học cũng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị. Các dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học và ứng dụng để xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp tại tỉnh Quảng Trị”, “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh từnguồn than bùn sẵn có ở địa phương ở quy mô công nghiệp phục vụ phát triển cây cao su vùng gò đồi, vùng núi tỉnh Quảng Trị”, Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi... đã giúp người dân tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học chế biến phế phẩm phụ sinh học thành phân hữu cơ; tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản để sản xuất các loại phân bón hữu cơ vi sinh, sản xuất các chế phẩm và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, phục vụ phát triển trồng trọt; sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chương trình đầu tư triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp tại tỉnh Quảng Trị” xây dựng được mô hình trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc cùng với hệ thống thu gom xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas. Dự án ứng dụng đồng bộ các giải pháp về công nghệ, thiết bị, lai tạo giống, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y; công nghệ chuồng kín, công nghệ phun thuốc sát trùng tự động; đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân cho mô hình chính, mô hình vệ tinh và cán bộ khuyến nông, nông dân tiếp thu và làm chủ được các công nghệ, từ đó có thể nhân rộng mô hình. Với lợi thế vùng cát ven biển khá lớn, những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản ở tỉnh phát triển mạnh. Trong nuôi trồng thủy sản, việc ứng dụng KH&CN tạo ra môi trường nuôi trong lành, con giống chất lượng cao, sạch bệnh là những yếu tố tạo nên giá trị lợi nhuận cao nên nông dân tuân thủ rất nghiêm ngặt. Dự án “Xây dựng mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng vụ thu đông trên vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Trị” đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để xây dựng được mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng vụ thu đông trên vùng đất cát ven biển của tỉnh đưa lại hiệu quả cao. Trong điều kiện năng lượng ngày càng khan hiếm, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời tại các xã khó khăn vùng nông thôn có “Làng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ” do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng Quảng Trị thực hiện là một thử nghiệm hay mà thành công của nó bên cạnh đối tượng nghiên cứu là phục vụ người dân các xã khó khăn vùng nông thôn, một số trường học, trạm xá trên địa bàn tỉnh còn có thể nhân rộng ra cho mọi hộ dân và các tổ chức có nhu cầu. Không chỉ đưa các giống cây con mới, kỹ thuật, công nghệ tiến bộ vào sản xuất, chính sách KH&CN của tỉnh còn đầu tư đưa công nghệ thông tin vào nông thôn như dự án “Xây dựng mô hình cung cấp thông tin KH&CN về nông thôn và miền núi tỉnh Quảng Trị” phục vụ nâng cao trình độ, kiến thức sản xuất, kinh doanh cho nông dân, kết nối thị trường hàng hóa nhằm tăng sức cạnh tranh hàng hóa nông sản của tỉnh. Các dự án của chương trình đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp có tính đại diện cho từng địa bàn và lĩnh vực, từ đó tạo được sức lan tỏa nhân rộng hình thành nghề sản xuất, mở rộng diện tích, tạo sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân như nghề trồng hoa, nghề trồng nấm... Việc áp dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn mang đến cho nông dân cơ hội làm giàu. Tuy nhiên trên thực tế, có lúc, có nơi, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí thấp, người dân còn ỷ lại trông chờ nhà nước mà chưa mạnh dạn đầu tư, trong khi nguồn lực của nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Tình trạng phát triển sản xuất nông nghiệp manh mún cũng là một trở ngại đáng kể cho việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp tham gia để tạo nguồn lực đầu tư và tạo sự liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất... Để chính sách KHCN thực sự có tác động tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới cần chú trọng công tác điều tra, khảo sát, lựa chọn đúng địa điểm, hộ dân tham gia và nội dung ứng dụng phù hợp để tăng khả năng thành công của các mô hình. Sự kết hợp hài hoà, lồng ghép các chương trình, dự án và sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị triển khai và địa phương hưởng thụ cũng là một trong những giải pháp để việc ứng dụng KH&CN đạt hiệu quả cao nhất. Một yếu tố nữa quyết định sự thành công của việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp là người dân hưởng ứng tích cực, mạnh dạn đầu tư; đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học tâm huyết và được hưởng những chính sách động viên, khích lệ thỏa đáng để họ yên tâm nghiên cứu, chuyển giao... Có như vậy thì những chính sách KH&CN thực sự là động lực thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển một cách bền vững. Bài, ảnh: VÕ THÁI HÒA