Không nằm giường ghép!
(QT) - Tuần qua, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác khám chữa bệnh toàn quốc. Tại hội nghị này đã phát đi tín hiệu tích cực, có 13 bệnh viện trực thuộc Trung ương cam kết không để bệnh nhân nằm giường ghép, tiếp đến lần lượt 38 bệnh viện Trung ương sẽ đăng ký để đạt tiêu chí không nằm giường ghép từ ngày 27/2, sau đó là các ngày 19/5 và 2/9/2015… Từ nhiều năm nay, nguời bệnh luôn cảm thấy bức xúc trước tình trạng quá tải ở các bệnh viện, không chỉ tuyến trung ương mà còn ở bệnh viện ...

Không nằm giường ghép!

(QT) - Tuần qua, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác khám chữa bệnh toàn quốc. Tại hội nghị này đã phát đi tín hiệu tích cực, có 13 bệnh viện trực thuộc Trung ương cam kết không để bệnh nhân nằm giường ghép, tiếp đến lần lượt 38 bệnh viện Trung ương sẽ đăng ký để đạt tiêu chí không nằm giường ghép từ ngày 27/2, sau đó là các ngày 19/5 và 2/9/2015… Từ nhiều năm nay, nguời bệnh luôn cảm thấy bức xúc trước tình trạng quá tải ở các bệnh viện, không chỉ tuyến trung ương mà còn ở bệnh viện tuyến tỉnh, tình trạng 2-3 người bệnh phải nằm một giường diễn ra khá phổ biến. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng không ít lần các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về tình trạng quá tải ở Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đông Hà. Do tình trạng quá tải mà người bệnh luôn cảm thấy lo sợ khi nghĩ tới việc đau ốm phải nằm ở bệnh viện. Ai cũng biết đến bệnh viện là chuyện bất đắc dĩ. Không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống chỉ tính từng ngày, phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người thầy thuốc và các phương tiện kỹ thuật y tế. Vậy mà khi đến bệnh viện họ không có chỗ nằm cho đàng hoàng, tử tế để yên tâm chữa bệnh. Tình trạng nằm ghép gây ra nhiều bất tiện trong ăn, ngủ, sinh hoạt, chữa bệnh và có nguy cơ lây nhiễm những bệnh truyền nhiễm khác. Nhiều người còn nhớ đầu năm 2014, tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), khi xảy ra dịch sởi, tình trạng nằm ghép dẫn đến lây nhiễm sởi chéo, khiến 120 bệnh nhi mắc sởi tử vong. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện đáng lo ngại đến nỗi chỉ riêng ở Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) mặc dù đã kê thêm 600 giường nhưng bệnh nhân luôn phải nằm ghép. Bệnh viện có 1.623 giường nhưng số bệnh nhân điều trị trung bình hàng ngày 2.500 người. Chỉ một buổi sáng, bệnh viện này đã đón tiếp hơn 3.000 người từ nhiều địa phương khác tới khám chữa bệnh, có người phải đi từ 2 giờ sáng, có người phải đi từ buổi chiều hôm trước. Khi đã tới được bệnh viện rồi họ phải chờ nhiều giờ đồng hồ mới tới lượt khám. Về điều trị nội trú ở Bệnh viện Chợ Rẫy, những người nằm trong phòng được xem là may mắn, còn hàng trăm người phải nằm la liệt ở các hành lang. Ở Bệnh viện Ung bướu, mức độ quá tải còn cao hơn, trung bình mỗi giường bệnh ở đây có 3 người, thậm chí là 4 người nằm điều trị. Như thế làm sao đảm bảo được chất lượng điều trị? Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tình cảnh cũng không mấy sáng sủa, có vị lãnh đạo một ngành ở Trung ương, khi đến bệnh viện này phải thốt lên: “Ai bước vô đây thì về nuốt cơm không nổi. Nhiều người chờ cả tuần để xạ trị, nằm vật vạ la liệt…Trải miếng nilon trên nền nhà để duỗi chân cho thẳng cũng không có chỗ”. Thực tế đau lòng đó tồn tại quá nhiều năm chưa được lãnh đạo ngành chủ quản và những người có trách nhiệm quan tâm đúng mức nên cứ để kéo dài, mặc cho dư luận, người dân ca thán. Tình trạng quá tải có nguyên nhân từ việc đầu tư của nhà nước cho ngành y tế còn hạn chế, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị thiếu thốn, không đồng bộ, hiện đại. Nhiều bệnh viện xây dựng cách đây 40-50 năm, thậm chí hơn 100 năm, không được mở mang, xây dựng thêm trong lúc nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Một nguyên nhân khác là nguồn nhân lực của ngành Y cũng còn hạn chế, còn thiếu nhiều bác sĩ nên áp lực công việc rất cao, trong lúc người dân luôn mong muốn được khám chữa bệnh tuyến trên, nơi có thầy thuốc giỏi, phương tiện hiện đại nên đã gây nên tình trạng quá tải… Vấn đề quá tải ở các bệnh viện không phải là không giải quyết được. Chúng ta không phải thiếu tiền nên không thể xây dựng, mở mang thêm các cơ sở điều trị. Cứ nhìn ngành giáo dục sẽ thấy, nhiều năm trước, cũng đứng trước tình trạng thiếu thốn trầm trọng về cơ sở vật chất trường học nhưng nhờ có đề án, sự đầu tư của nhà nước, sự quan tâm của cả xã hội nên đến nay đã xây dựng hàng trăm ngàn ngôi trường cao tầng, kiên cố, khang trang, học sinh không phải học ca 2, ca 3, cơ bản xóa tình trạng tranh, tre, nứa, lá. Nhà nước cũng đã đứng ra vay vốn để thực hiện cải cách, đổi mới giáo dục, biên soạn sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, mua sắm các trang thiết bị. Vậy thì cớ sao ngành y tế- ngành liên quan trực tiếp đến sinh mạng quý giá của con người lại không làm được? Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có sự thiếu chủ động, quyết tâm của ngành này, chưa xây dựng được các đề án, hoặc có đề án nhưng chưa quyết liệt trong việc xin Nhà nước đầu tư, có tư tưởng chủ quan, ỷ lại. Có vị lãnh đạo ngành Y tế khi được hỏi bao giờ thì khắc phục được tình trạng quá tải, đã trả lời rằng vấn đề ấy “phải hỏi nhà nước”, “thiếu giường bệnh phải hỏi nhà nước”. Tại sao phải hỏi nhà nước? Trách nhiệm của ngành ở đâu? Có thể việc xin vốn đầu tư là rất khó khăn, phải qua nhiều cửa, nhưng không phải vì thế mà lơ là trước nỗi đau của người bệnh. Nếu thực sự quan tâm đến tính mạng con người thì sẽ có cách làm hiệu quả. Hãy nhìn quá trình vận động để xây dựng Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ thấy nếu có quyết tâm cao, vì người bệnh, sẽ làm được những điều khó khăn nhất. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng được xây dựng với quy mô 500 giường, tổng kinh phí là 1.500 tỉ đồng, trong đó nhà nước chỉ đầu tư hơn 300 tỉ đồng, còn lại là huy động nguồn vốn từ xã hội hóa. Thời gian gần đây, ngành Y tế trong cả nước cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm quá tải cho các bệnh viện với việc đầu tư, mở rộng các bệnh viện có nhiều bệnh nhân, xây dựng thêm các bệnh viện vệ tinh như khởi công xây dựng Bệnh viện Việt- Đức cơ sở 2, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 với quy mô 2.000 giường, tổng kinh phí đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, được xây dựng ở tỉnh Hà Nam. Một bệnh viện Nhi đồng quy mô lớn cũng được xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh, với 1.000 giường bệnh, kinh phí đầu tư 4.476 tỉ đồng... Bên cạnh đó, ngành Y tế triển khai thực hiện đề án cử bác sĩ, chuyên gia giỏi tập huấn, nâng cao tay nghề cho tuyến cơ sở. Một số bệnh viện kê thêm giường, mở rộng cơ sở điều trị để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân…Đó là những việc làm cần thiết. Việc chống quá tải, không để bệnh nhân nằm ghép ở các bệnh viện là việc làm cấp bách, cần được sự quan tâm ủng hộ của cả xã hội. Tại Thông báo số 62/TB-VPCP, ngày 27/2/2012, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Y tế phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để từng bước giảm quá tải bệnh viện, tiến tới không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép trong các cơ sở khám chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh chỉ có thể nâng cao khi người bệnh cảm thấy an tâm mỗi lần đến bệnh viện điều trị. Mong rằng các bệnh viện không chỉ đăng ký giảm tải mà phải có quyết tâm thực sự. Việc giảm tải phải thực chất, chứ không chạy theo phong trào, thành tích. Đăng ký rồi không thực hiện, hoặc rút bớt thời gian điều trị, đưa bệnh nhân về nhà sớm, hoặc phải thuê phòng nằm ở bên ngoài, còn bên trong thì dành cho bệnh nhân mới đến. Bản thân các bệnh viện và ngành y tế các tỉnh, thành phố cũng phải nỗ lực chống quá tải, không để bệnh nhân nằm ghép với các phương án, giải pháp phù hợp, có như thế mới nâng cao chất lượng điều trị, người bệnh mới cảm thấy an tâm, bớt lo lắng khi đến bệnh viện. PHƯỚC AN