(QT) - Vừa qua, Công ty TNHH Quốc Dung (trụ sở tại phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị) và Công ty TNHH MTV Tường Quân (địa chỉ xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) đã gửi đơn khiếu nại đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị thể hiện thái độ không đồng tình với một số nội dung của Bản án phúc thẩm số 03, ngày 27/1/2015 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh và Quyết định cưỡng chế bàn giao tài sản số 03, ngày 12/2/2015 cùng với Thông báo về việc cưỡng chế bàn giao tài sản số 02, ngày 12/2/2015 của Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Hướng Hóa. Vì sao bản án phúc thẩm của TAND tỉnh và các văn bản của cơ quan THA dân sự huyện Hướng Hóa không được các bên có liên quan đồng tình? Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết vào năm 2010 Trung tâm bán đấu giá tài sản của tỉnh tổ chức bán đấu giá Nhà máy chế biến cà phê tươi tại thôn Cợp, Hướng Phùng, Hướng Hóa. Công ty Tường Quân đứng ra mua nhưng không có tiền nên mượn của bà Nguyễn Thị Thảo, chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân Đình Tàu 11 tỉ đồng để mua tài sản này. Để nhận được số tiền trên, Công ty Tường Quân và DN Đình Tàu đã ký với nhau hợp đồng vay vốn số 01, ngày 15/9/2010 và Hợp đồng đặt cọc ngày 13/3/2013. Mặc dù tài sản đã được làm thủ tục đặc cọc, mua bán với DN Đình Tàu nhưng bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Tường Quân lại làm thủ tục mua bán đất và nhà máy chế biến cà phê với Công ty Quốc Dung. Ngày 17/4/2013 Công ty Tường Quân xuất hóa đơn cho Công ty Quốc Dung và Công ty Quốc Dung đã trả đủ 26 tỉ đồng trên hợp đồng cho Tường Quân, Công ty Quốc Dung mang giấy tờ này về Đông Hà và giữa 2 công ty tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (SDĐ) và tài sản gắn liền trên đất. Hợp đồng này được Phòng Công chứng nhà nước tỉnh Quảng Trị công chứng vào ngày 18/4/2013. Cùng ngày, Công ty Quốc Dung đã nộp hồ sơ vào Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên- Môi trường để làm thủ tục chuyển nhượng quyền SDĐ và tài sản gắn liền trên đất nhưng đến nay Công ty Tường Quân vẫn không chịu bàn giao cho Quốc Dung như hợp đồng đã ký. Trước đó, Công ty Tường Quân còn đứng ra thế chấp để vay của chi nhánh Ngân hàng Công thương ở thị trấn Lao Bảo 5 tỉ đồng. Điều đó cho thấy Công ty Tường Quân mua tài sản có giá trị lớn nhưng lại không bỏ ra đồng vốn tự có nào mà xoay bên này, vay mượn bên kia để có được một khoản tiền lớn. Do chỉ có một tài sản mà giao dịch, thế chấp với nhiều đối tác nên đã dẫn tới việc tranh chấp tài sản. Tòa án huyện Hướng Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 24/9/2014 và tuyên: chấp nhận yêu cầu của bị đơn và người có nghĩa vụ liên quan, tuyên bố hợp đồng mua bán đất và nhà máy chế biến cà phê tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa giữa Công ty Quốc Dung và Công ty Tường Quân lập ngày 16/4/2013 bị vô hiệu toàn bộ. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa lập ngày 17/4/2013 giữa Công ty Quốc Dung với Công ty Tường Quân vô hiệu toàn bộ. Buộc Công ty Tường Quân hoàn lại cho Công ty Quốc Dung số tiền đã nhận 26 tỉ đồng. Không thỏa mãn với phán quyết này, Công ty Quốc Dung đã có đơn kháng cáo. Ngày 6/10/2014, Viện KSND huyện Hướng Hóa cũng có Quyết định kháng nghị số 02, kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng tuyên bố hợp đồng ngày 16, 17/4/2013 giữa Công ty Quốc Dung với Công ty Tường Quân vô hiệu, không giải quyết hậu quả pháp lý, bác yêu cầu của bà Thảo về việc yêu cầu Công ty Tường Quân chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất như thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc ngày 13/3/2013. Sau khi nhận được đơn kháng cáo và kháng nghị, TAND tỉnh đã mở phiên tòa phúc thẩm để giải quyết vụ việc trên. Phán quyết của Tòa án nhân dân tỉnh có đảm bảo tính pháp lý? Ngày 27/1/2015, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 12/2014 về tranh chấp “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất” do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2014 của TAND huyện Hướng Hóa bị kháng cáo, kháng nghị. Nguyên đơn là Công ty Quốc Dung, bị đơn Công ty Tường Quân, người có nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Thảo, chủ doanh nghiệp tư nhân Đình Tàu. Một trong những nội dung chính của bản án phúc thẩm là: bác kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH Quốc Dung và Công ty TNHH MTV Tường Quân; kháng nghị của Viện KSND huyện Hướng Hóa. Giữ nguyên bản án sơ thẩm. Công ty Quốc Dung không đồng tình với nội dung bản án phúc thẩm 03 của TAND tỉnh ở các khía cạnh sau đây: Bản án tuyên “ Buộc Công ty Tường Quân bàn giao các tài sản gồm: Nhà xưởng, nhà làm việc, nhà cấp 4, nhà chứa vỏ trấu, nhà bảo vệ, nhà xe, nhà bếp, trạm cân ô tô và các tài sản khác như tường rào, cổng chính cổng phụ, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống máy móc thiết bị chế biến cà phê và quyền sử dụng đất 9.494 m2 đất của Công ty TNHH MTV Tường Quân theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BI 824810 của UBND tỉnh Quảng Trị cho bà Nguyễn Thị Thảo, chủ doanh nghiệp tư nhân Đình Tàu. Công ty TNHH MTV Tường Quân và bà Nguyễn Thị Thảo, chủ doanh nghiệp tư nhân Đình Tàu chịu trách nhiệm hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật”. Lý lẽ mà Công ty Quốc Dung nêu ra là trong quá trình giải quyết vụ án không có đương sự nào trong vụ án này có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết Công ty Tường Quân bàn giao tài sản cho DN Đình Tàu, vì sao Tòa án lại tuyên buộc bàn giao tài sản như vậy, trong lúc quy định của pháp luật là Tòa án chỉ thụ lý và giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn yêu cầu và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Công ty Quốc Dung cho rằng việc Tòa án tuyên như vậy làm ảnh hưởng đến khả năng Công ty Tường Quân hoàn trả lại 26 tỉ đồng cho Công ty Quốc Dung. Mặt khác, phía Công ty Tường Quân cũng không đồng tình với phán quyết của Tòa án vì cho rằng: Tại điều 4, điều 5, Hợp đồng đặt cọc nêu rõ: Nếu bên mua từ chối giao kết, thực hiện nghĩa vụ dân sự thì mất tiền đặt cọc. Nếu bên bán từ chối giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự thì phải trả lại tiền đặt cọc và chịu phạt bằng 30% giá trị tiền đặt cọc. Như vậy nếu căn cứ vào hợp đồng đặt cọc mà Tòa án 2 cấp của tỉnh công nhận và buộc Công ty Tường Quân phải thực hiện thì không đúng với cam kết, bởi nếu vi phạm thì có thể trả lại tiền đặt cọc và chịu phạt 30% tiền đặt cọc, tại sao bản án không đề cập tới vấn đề này mà bắt Công ty Tường Quân phải thực hiện hợp đồng mua bán. Trong Hợp đồng đặt cọc tại điểm cuối điều 2 cũng nêu rõ: Số tiền còn lại 2.500.000.000đ (hai tỉ, năm trăm triệu đồng) vào ngày 25/12/2015 bên mua sẽ thanh toán hết cho bên bán để hoàn thành thủ tục mua bán theo quy định của pháp luật. Thời hạn cuối để hoàn thành hợp đồng là vào ngày 25/12/2015 tại sao Tòa lại phán quyết buộc phải thực hiện hợp đồng ngay (sau khi bản án có hiệu lực 27/1/2015) như vậy có đảm bảo tính pháp lý không? Trả lời chất vấn này, một cán bộ Tòa án cho rằng căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy Công ty Tường Quân đang vỡ nợ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Mặt khác DN Đình Tàu là đơn vị đầu tiên cho mượn tiền để Công ty Tường Quân có được Nhà máy chế biến cà phê ở thôn Cợp nên phải bảo vệ quyền lợi cho DN Đình Tàu. Đồng chí Phạm Đức Châu, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nêu ý kiến: Trong xét xử án dân sự cần quan tâm bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan. Công ty Tường Quân nợ của DN Đình Tàu 11 tỉ, nhưng lại nợ với Công ty Quốc Dung đến 26 tỉ đồng. Tại sao không chọn giải pháp khác có lợi cho Công ty Tường Quân để họ tiếp tục sản xuất, có điều kiện trả nợ mà phải giao tài sản ngay? Việc tuyên như vậy là đẩy Công ty Tường Quân vào tình thế khó khăn trong việc duy trì sản xuất, tìm kiếm các nguồn vốn để thực hiện hợp đồng. Về vấn đề tẩu tán cũng chỉ mang tính chất suy đoán, nếu có thì phải thực hiện biện pháp bảo vệ. Đồng chí Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Viện KSND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy trong vòng 1 tuần có ý kiến vấn đề này báo cáo cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh được biết để đoàn gửi báo cáo giám sát lên Tòa án, Viện KSND tối cao… (còn nữa) NHÓM PHÓNG VIÊN NỘI CHÍNH