Từ học nghề đến thành công: Người trẻ cần được tiếp sức. Bài 1: Người trẻ với khát vọng giỏi nghề
QTO - “Liệu học nghề có giúp em thành công?”, “Em nên học nghề gì để không thất nghiệp?”, đó là một loạt câu hỏi được người em họ của tôi đặt ra khi đứng trước ngưỡng cửa nghề nghiệp. Những câu hỏi đó, chỉ có em mới trả lời được, bởi muốn thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp, tự thân mỗi người phải biết định hướng nghề nghiệp cho mình ngay lúc còn trẻ. Tôi chỉ muốn kể cho em nghe câu chuyện những người trẻ với khát khao sống bằng nghề và cống hiến cho quê hương bằng chính sức trẻ, nhiệt huyết và tay nghề của mình.

Từ học nghề đến thành công: Người trẻ cần được tiếp sức. Bài 1: Người trẻ với khát vọng giỏi nghề

“Liệu học nghề có giúp em thành công?”, “Em nên học nghề gì để không thất nghiệp?”, đó là một loạt câu hỏi được người em họ của tôi đặt ra khi đứng trước ngưỡng cửa nghề nghiệp. Những câu hỏi đó, chỉ có em mới trả lời được, bởi muốn thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp, tự thân mỗi người phải biết định hướng nghề nghiệp cho mình ngay lúc còn trẻ. Tôi chỉ muốn kể cho em nghe câu chuyện những người trẻ với khát khao sống bằng nghề và cống hiến cho quê hương bằng chính sức trẻ, nhiệt huyết và tay nghề của mình.

Khi đam mê chỉ lối…

Từ học nghề đến thành công: Người trẻ cần được tiếp sức. Bài 1: Người trẻ với khát vọng giỏi nghề

Kỹ năng từ việc học nghề giúp anh Mai Xuân Hai thành thạo và tự tin thực hiện công việc của mình - Ảnh: NVCC

Tóm tắt lý do đến với nghề kỹ thuật điện, anh Mai Xuân Hai (sinh năm 1991) ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh chỉ nói vỏn vẹn hai từ “đam mê”. Anh Hai cho biết, anh bắt đầu với việc học nghề từ rất sớm, khi mới tốt nghiệp THCS.

Chàng trai 16 tuổi khi ấy đã chững chạc tham khảo nhiều ý kiến và lựa chọn việc học nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, khi đó còn mang tên là Trường Trung cấp nghề. Được sự dìu dắt và giúp đỡ của thầy cô, anh luôn khát khao tìm tòi, học hỏi, ấp ủ tình yêu với hai cực âm dương, với dây đồng, bút thử điện và ước mơ một ngày sẽ khởi nghiệp với nghề.

Đến năm 2017, vợ chồng anh quyết định mở một cơ sở điện, nước nhỏ chuyên phục vụ nhu cầu khách hàng trong huyện. Sau khi được nhiều người biết đến, năm 2019, anh tiếp tục chuyển mặt bằng lên Quốc lộ 1 để mở rộng dịch vụ cung cấp, lắp đặt, sửa chữa các vật tư điện nước, máy nóng lạnh, thiết bị vệ sinh, đèn trang trí.

Cửa hàng của anh hiện được đầu tư một số vốn khá lớn, cung cấp sỉ và lẻ thiết bị cho các hộ gia đình, công trình và trường học ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Ngoài làm nghề, anh Hai còn truyền dạy nghề cho các em học sinh trên địa bàn các xã lân cận, tạo việc làm cho 7 - 8 học viên, mỗi em có thể kiếm được từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Xuất phát từ hoàn cảnh có người bố bị liệt toàn thân sau tai nạn, người con trai hiếu thảo Lê Văn Hóa (sinh năm 1994), ở xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong khi ấy chỉ mới lớp 8 đã tự mình mày mò, tìm tòi, đi thu gom phế liệu để “trình làng” xe lăn điện đa năng hỗ trợ sinh hoạt của người khuyết tật trong sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm.

Để đạt mục tiêu hoàn thiện sản phẩm của mình và tình yêu với môn vật lý - kỹ thuật, anh Hóa đã quyết định theo học Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Nhờ sự chỉ dạy nghề bài bản của thầy cô đã chắp cánh cho anh đưa các sản phẩm của mình đi xa hơn và được nhiều người biết đến hơn.

Sản phẩm của anh Hóa được đánh giá có những ưu điểm vượt trội hơn so với các sản phẩm cùng loại, cùng ý tưởng như: hỗ trợ di chuyển bằng động cơ điện, tự động chuyển đổi thành giường nằm, ghế ngồi thông qua nút bấm điều khiển.

Năm 2018, tại chương trình “Thương vụ bạc tỉ”, anh Hóa đã từng kêu gọi được đầu tư từ các shark với 1 tỉ đồng để lấy 34% cổ phần trong công ty non trẻ của anh. Dự án “Sản xuất xe lăn điện đa năng hỗ trợ người già và người khuyết tật” của anh đã đoạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021, mỗi năm cho ra thị trường trung bình 50 sản phẩm, giá từ 8 - 14 triệu đồng/chiếc. Anh Hóa cũng được vinh danh Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị năm 2021.

Đây chỉ là hai trong số nhiều người trẻ thành công từ việc không đi theo số đông, lựa chọn học nghề để thạo nghề, có việc làm, theo đuổi sự nghiệp sớm. Trong khi rất nhiều cử nhân ra trường loay hoay tìm kiếm việc làm thì những nhân lực có tay nghề cao lại đang được rất nhiều doanh nghiệp săn đón, mời gọi hay tự mình làm chủ.

Điều này chứng minh rằng, đại học không còn là con đường duy nhất để vào đời của giới trẻ và trong bối cảnh “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay, xu hướng học nghề ngày càng được nhiều phụ huynh và học sinh tin tưởng lựa chọn.

Chuyện ngành “hot”, nghề xu hướng

Lựa chọn được đường đi của mình, thế nhưng nhiều bạn trẻ vẫn còn rất mông lung trong việc học nghề gì để phù hợp với nhu cầu và xu hướng xã hội. Trong xu thế khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì nhiều học sinh, sinh viên quyết định dấn thân với những nghề mới, nghề “khát” nhân lực và giàu tiềm năng để chủ động đón đầu thị trường lao động.

Từ học nghề đến thành công: Người trẻ cần được tiếp sức. Bài 1: Người trẻ với khát vọng giỏi nghề

Anh Lê Văn Hóa nhận thưởng tại Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị năm 2021” - Ảnh: NVCC

Em Lê Thị Ngọc Hà (19 tuổi), ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh hiện đang theo học ngành Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị cho hay: “Em lựa chọn nghề này vì dân số thế giới ngày càng già hóa, điều dưỡng là một ngành được coi trọng và rất thiếu nhân lực. Sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ làm việc ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe, bệnh viện trong nước, mà còn có cơ hội làm việc ở các nước phát triển với môi trường hiện đại và mức lương cao”.

Từ khi được nâng cấp từ Trường Trung cấp Y tế vào năm 2015 đến nay, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đã đào tạo nghề cho nhiều sinh viên Việt Nam và nước bạn Lào bậc cao đẳng các ngành điều dưỡng, dược và bậc trung cấp ngành điều dưỡng, y sĩ, dược. Trường cũng đã trình lên Bộ LĐ-TB&XH đề án bổ sung danh mục đào tạo các mã ngành mới: Cao đẳng hộ sinh và cao đẳng phục hồi chức năng.

Tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, khi được hỏi về lý do theo học nghề công nghệ ô tô, em Trần Ngọc Minh (17 tuổi), trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Với tỉ lệ sử dụng ô tô ngày càng tăng như hiện nay thì kỹ thuật ô tô là một trong những lựa chọn hợp lý để học nghề. Tại đây, chúng em không chỉ được học những kiến thức về điện, kỹ thuật máy, ô tô, mà còn được các thầy cập nhật liên tục những kiến thức mới về mẫu mã, công nghệ mới”.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Minh cho biết, sau khi tốt nghiệp em sẽ đi ra các thành phố lớn để trau dồi thêm kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm làm việc rồi sau đó trở về quê hương mở một gara sửa chữa ô tô do mình làm chủ.

Việc dạy nghề cho học sinh theo mô hình 9+ ở các địa phương cũng được quan tâm, chú trọng. Theo thầy giáo Nguyễn Đức Thành hiện đang giảng dạy lớp trung cấp CNTT tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Linh, việc dạy nghề CNTT cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS một mặt giúp các em tiết kiệm thời gian, tiếp cận nghề sớm.

Mặt khác, học sinh vừa có cơ hội hoàn thiện bằng cấp, vừa được chú trọng kỹ năng thực hành, nâng cao tay nghề. Do đó, nếu chăm chỉ, nhiều em có thể đi làm ngay sau khi hoàn thành chương trình. Thầy Thành cũng chia sẻ thêm, CNTT là một ngành học rộng nên học sinh có nhiều lựa chọn việc làm như nhân viên tin học văn phòng, làm việc cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, hay mở cửa hàng sửa chữa máy tính, thiết bị điện tử…

Nhận thấy nhu cầu học nghề của học sinh, sinh viên ngày càng lớn, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã mở rộng các khoa, ngành tuyển sinh để đa dạng hóa nghề nghiệp, nhằm bắt kịp xu thế phát triển của xã hội, đáp ứng nhu cầu của người học và tạo nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp và xã hội.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị Lê Thiên Vinh cho biết: “Với bề dày hoạt động cũng như nguồn lực hiện có được kế thừa từ hai trường tiền thân, đến nay Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị đã được Bộ LĐ,TB&XH cấp phép đào tạo 9 ngành ở trình độ cao đẳng, 16 ngành trình độ trung cấp và 22 ngành nghề trình độ sơ cấp. Lãnh đạo nhà trường cũng đã tranh thủ sự đồng thuận về chủ trương và hỗ trợ mọi mặt của UBND tỉnh, các cấp chính quyền và sở, ngành để chủ động lập và hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép bổ sung đào tạo các ngành mới, trong đó ưu tiên một số ngành nghề liên quan đến du lịch – dịch vụ, logistic, điện lạnh, nông nghiệp hữu cơ...”.

Theo số liệu từ Sở LĐ,TB&XH, tính đến ngày 30/11/2022, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đạt 9.460 người, trong đó trình độ cao đẳng 316 người, trung cấp 1.356 người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 7.788 người. Trên 83% người học, sau tốt nghiệp có việc làm; có trường, có nghề đạt tỉ lệ trên 90%.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết: “Để đạt được mục tiêu trung và dài hạn, nâng cao năng lực của hệ thống GDNN, sở tiếp tục tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, chú trọng đội ngũ kỹ thuật, tạo bước chuyển biến rõ nét về chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Quay trở lại câu hỏi của em và nhiều bạn trẻ đang băn khoăn, một điểm chung giữa các nhân vật trong những câu chuyện mà tôi quan sát được, đó là đam mê, là khát vọng và được đào tạo nghề bài bản. Để lĩnh hội, cập nhật những kiến thức, kỹ năng nghề hiện đại, tiên tiến nhất, thanh niên thời nay cần phải được đào tạo, GDNN một cách khoa học, có hệ thống.

Tuy nhiên, nếu được sự giúp sức, chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội để giải quyết các vấn đề về việc làm, vốn, chính sách thì chuyện lành nghề hay thành công bằng nghề sẽ không còn là khao khát mà nằm trong khả năng của thế hệ tương lai.

Thu Thảo

Bài 2: Hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp

Thu Thảo