(QT) - Xác định nhãn hiệu là yếu tố có vị trí quan trọng trong việc khẳng định chỗ đứng của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này được quan tâm hơn khi nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn từ nhu cầu bức thiết của thị trường mà có ý thức hơn về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm của mình và tỉnh cũng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và dịch vụ.
![]() |
Sản phẩm của cây hồ tiêu Quảng Trị đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý |
Cùng với những sản phẩm đã được sản xuất lâu năm, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các cơ sở sản xuất đã sản xuất thêm các sản phẩm mới. Khi sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận cũng là lúc người sản xuất bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Công ty cổ phần Hương Hoàng, ở Khu công nghiệp Quán Ngang sau khi sản xuất thành công tấm lợp phibrô- ximăng được thị trường chấp nhận đã đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình. Kể từ ngày 5/1/2018, tấm lợp mang nhãn hiệu “VINAPRO Tấm Lợp Chất Lượng Cao 1 HH” được bảo hộ trên toàn quốc. Người tiêu dùng tín nhiệm sản phẩm tấm lợp phibrô-ximăng của Công ty Hương Hoàng sẽ dựa vào nhãn hiệu này để lựa chọn.
Có thể thấy, số lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh được đăng ký nhãn hiệu ngày càng nhiều. Trong 5 năm (từ 2014- 2018), toàn tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công 82 văn bằng nhãn hiệu, trong đó 20 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, còn lại là nhãn hiệu hàng hóa thông thường. Chỉ tính riêng trong năm 2017 có 26 văn bằng nhãn hiệu và 9 tháng năm 2018 có 21 văn bằng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của tỉnh được bảo hộ trên toàn quốc. Việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ là quyền lợi của mỗi cá nhân và tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, muốn bảo vệ thương hiệu của sản phẩm thì phải thực hiện đăng ký nhãn hiệu. Do đó, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để được bảo hộ có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất. Đây là một trong những phương tiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị sản phẩm địa phương, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Lê Dinh, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Đăng ký nhãn hiệu là cần thiết để tránh trường hợp tranh chấp và cũng là một trong những cách quảng bá sản phẩm hữu hiệu nhất. Sở Khoa học và Công nghệ sẵn sàng hỗ trợ, giúp các đơn vị, cá nhân đăng ký nhãn hiệu theo chính sách khuyến khích của tỉnh”.
Để khuyến khích việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn, Sở Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định 227/QĐ-SKHCN ngày 3/8/2018 về việc ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2025. Theo đó, đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tỉnh hỗ trợ mức 20 triệu đồng/ văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích; 50 triệu đồng/nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trong nước; 3 triệu đồng/văn bằng đối với mỗi nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp và tối đa không quá 3 loại/năm/doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; 20 triệu đồng/văn bằng đối với mỗi nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đăng ký ở nước ngoài. Mặc dù mức hỗ trợ không lớn nhưng có ý nghĩa thúc đẩy sự quan tâm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chú trọng đến việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm và dịch vụ của mình.
Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn cụ thể các thủ tục, quy trình hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp muốn đăng ký nhãn hiệu. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ (trong đó xác định rõ đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ); bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có chứng thực); hợp đồng, thanh lý hợp đồng và hóa đơn tài chính thể hiện chi phí cấp văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp đề nghị được hỗ trợ. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh mục hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ thông báo cho doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trong thời hạn 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành thẩm định hồ sơ, xác minh thực tế, quyết định mức hỗ trợ, làm thủ tục chuyển cấp kinh phí và báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh.
Đăng ký để được bảo hộ sản phẩm, đó là điều cần thiết mà các đơn vị, địa phương đã nhận thức được trong cơ chế thị trường đang phát triển hiện nay. Tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho việc đăng ký này. Vì vậy, các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nhanh chóng đăng ký sở hữu công nghiệp để tạo dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm không chỉ được bảo hộ mà còn là điều kiện tốt nhất cho việc quảng bá, thương mại hóa sản phẩm của mình trong thị trường sôi động hiện nay.
Trần Anh Minh