Về hát bên đồng đội
(QT) - Tách mình ra khỏi những bộn bề của cuộc sống, năm nào các thành viên Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” (Hà Nội) cũng xách cây đàn, mang theo điệu múa, lời hát đến với đồng đội ở đất thiêng Quảng Trị. Hành trình của họ luôn bền bỉ và sâu nặng ân tình mặc thời gian thấm thoắt thoi đưa.

Về hát bên đồng đội

(QT) - Tách mình ra khỏi những bộn bề của cuộc sống, năm nào các thành viên Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” (Hà Nội) cũng xách cây đàn, mang theo điệu múa, lời hát đến với đồng đội ở đất thiêng Quảng Trị. Hành trình của họ luôn bền bỉ và sâu nặng ân tình mặc thời gian thấm thoắt thoi đưa.

Cứ vào dịp 27/7, các thành viên Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” lại lên những chuyến xe đến với đồng đội ở đất thiêng Quảng Trị
Tiết trời Quảng Trị dường như dịu hơn khi thời gian gần về cuối tháng 7. Trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa, giữa bảng lảng khói sương, 34 thành viên Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” đi khắp các phần mộ, thành kính thắp hương cho liệt sĩ. Họ khẽ cất tiếng hát: “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn... Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu... Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc Lào, ấm chè chốt, hồn nhiên vui cười, bạn bè, đồng đội, người thân, ôm nhau nước mắt chan hòa” (Bài hát: “Về đây đồng đội ơi!” - Tác giả: Trương Quý Hải). Bao giờ cũng vậy, trước giờ biểu diễn ở nghĩa trang, thành viên Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” đều thắp nén hương, cất tiếng hát mời các liệt sĩ về hội ngộ. Tối ấy, họ không chỉ biểu diễn phục vụ đồng bào, đồng đội huyện Hướng Hóa mà còn hướng trái tim yêu thương đến những người đã nằm xuống. Vốn là lính văn công, các nghệ sĩ ở cái tuổi xế chiều hiểu sức mạnh của tiếng hát, tiếng đàn trong thời chiến cũng như giữa hòa bình. Âm nhạc khiến con người ta xích gần nhau hơn, thêm yêu đời và lòng luôn “phơi phới dậy tương lai”. Bước xuống sân khấu sau hoạt cảnh “Cả nước lên đường”, bà Nguyễn Thị Hiền và các diễn viên khác trong Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” vẫn rưng rức xúc cảm. Dẫu tập luyện đến thuộc nằm lòng song mỗi khi diễn đoạn vẫy tay tạm biệt người thân để xách ba lô lên đường, không chỉ các nghệ sĩ luống tuổi như bà Hiền mà ngay nhiều bạn trẻ trong đoàn vẫn bồi hồi, xao xuyến. Năm 16 tuổi, cô học trò Trường Nghệ thuật Quân đội Nguyễn Thị Hiền cùng bạn bè ra trận theo tiếng gọi non sông. Ngày lên đường, họ nắm tay nhau, thể hiện quyết tâm “tiếng hát át tiếng bom”. Vừa vỗ tay theo nhịp bài hát “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”, bà Hiền vừa kể: “Ngày ấy, sân khấu của chúng tôi ở tít giữa rừng sâu, bên cạnh những hố bom vừa lấp, trong hầm hào, công sự... Nhiều hôm chúng tôi đứng bên đường hát, múa giữa lúc các chiến sĩ hành quân ra trận. Trùng trùng đoàn quân đi qua nhưng chẳng mấy ai dừng lại xem trọn điệu múa, nghe hết bài hát. Vậy mà, anh nào cũng cười như mùa thu tỏa nắng, nhìn chúng tôi với ánh mắt tràn ngập yêu thương. Sau đó ít lâu, chúng tôi xót xa nghe tin, nhiều đồng chí tham gia hành quân ngày hôm ấy đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ...”. Từ thực tế trải nghiệm, những người lính văn công như bà Hiền luôn đau đáu ước mong chiến tranh sớm kết thúc để đồng đội được một lần thỏa sức xem văn công biểu diễn. Bản thân bà Hiền tự nhủ, ngày hòa bình, sẽ tiếp tục mang tiếng hát, điệu múa đi đến các miền quê dành tặng đồng đội dẫu còn sống hay đã khuất. Tâm nguyện của bà Nguyễn Thị Hiền đồng điệu với chồng mình là ông Phạm Đình Đạt, một cán bộ từng công tác tại Đoàn Văn công Binh chủng Không quân. Chẳng ngại vất vả, ông bà miệt mài vận động sự tham gia của nhiều đồng chí, đồng đội cùng thời. Ý tưởng ấy nhận được sự hưởng ứng cao. Năm 2004, Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” được thành lập. Buổi đầu, căn nhà cấp bốn ở số 7, ngách 11/17, đường Tô Ngọc Vân trở thành địa điểm tập luyện của đoàn. Khoảng sân nhỏ được trưng dụng làm sân khấu, nơi thai nghén nhiều tiết mục ca múa, hoạt cảnh đặc sắc. Vào những hôm đông thành viên, mọi người phải ăn cơm vừng, xôi bắp để dành tiền góp lại thuê nơi tập luyện. Đến giờ, bà Hiền, ông Đạt và các thành viên Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” không thể nhớ hết số lần đặt chân đến miền đất lửa. Hơn 10 năm qua, cứ mỗi dịp lễ lớn hay hễ nhận được lời mời từ các cơ quan, đơn vị của tỉnh Quảng Trị là họ lại xách cây đàn, khoác ba lô lên đường. Con cháu hỏi về hành trình, ai cũng bảo: “Bố mẹ… về thăm quê”. Nói như cho qua vậy mà thật, không biết từ bao giờ Quảng Trị đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Ở đó, người thân chính là những đồng đội còn sống và đã ngã xuống ở lứa tuổi đôi mươi. Ông Phạm Đình Đạt chia sẻ: “Có những chuyến đi quân số của chúng tôi lên đến cả trăm người. Ai cũng mong xe lao nhanh hơn để sớm đến với Quảng Trị, hát cho đồng bào, đồng đội. Nhiều anh em là thương binh nặng nhưng có mặt đầy đủ trong các chuyến lưu diễn. Cũng như mọi người, họ dành dụm tiền, góp dăm ba triệu để trang trải chi phí đi đường”. Những buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” cũng giản dị như chính con người họ. Không yêu cầu sân khấu rực rỡ ánh đèn hay được trang trí một cách cầu kỳ, các thành viên trong đoàn có thể biểu diễn chỉ với ngọn đèn đủ để thấy gương mặt, ở tiền sảnh một trung tâm học tập cộng đồng cũ hay giữa hàng hàng mộ liệt sĩ… Điều đặc biệt là các buổi diễn của đoàn luôn đông nghẹt khán giả. Bà Nguyễn Thị Hiền vẫn nhớ như in lần hát ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Bấy giờ, chuyến đi của đoàn không được công bố rộng rãi vì anh chị em nuôi ý định hát riêng cho đồng đội đã hi sinh. Không ngờ, tiếng hát, tiếng đàn lại níu chân những đoàn khách đến viếng liệt sĩ. Cả trăm người quây quần quanh các cựu chiến binh, không kìm được nước mắt khi nghe những nhạc phẩm: “Đồng đội ơi”, “Đất nước”, “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”… Lần biểu diễn dưới cơn mưa đêm Thành Cổ, các nghệ sĩ không ngờ người dân lại kiên trì mặc áo mưa theo dõi đến khi kết thúc chương trình. Nhiều cựu chiến binh xúc động lên sân khấu, ôm hôn và khẩn khoản bày tỏ sự cảm phục tinh thần của các nghệ sĩ. Ở một số chuyến lưu diễn, tiết mục cuối cùng đã khép lại nhưng khán giả nhất quyết không về. Các thành viên trong đoàn phải nối dài chương trình đến khi đồng hồ báo hiệu bước sang ngày mới. Hơn 10 năm đem tiếng hát đến đất lửa, tình cảm giữa các thành viên Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” và người dân Quảng Trị ngày càng sâu đậm. Trong chuyến về xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong biểu diễn, vì quân số đông nên đoàn chia ra, về nhà một số hộ dân ở nhờ. Đến giờ ăn, các gia đình lân cận vạch hàng rào sang để mời các nghệ sĩ, cựu chiến binh qua dùng bữa. Họ nhẹ nhàng nói: “Mời các cô, các chú sang ăn cơm cùng gia đình. Ông bà bảo cháu phải mời bằng được các cô, các chú sang dùng bữa thì mới chịu ăn”. Lần lên huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông biểu diễn, các thành viên trong đoàn nhận được những búp măng rừng, quả thơm, chai mật… do đồng bào Vân Kiều, Pa Kô gửi tặng. Cách thể hiện tình cảm chân chất, mộc mạc ấy khiến ai cũng cảm động. Biết đồng bào vùng cao còn nghèo, mỗi lần “hành quân” vào Quảng Trị, các thành viên Đoàn Nghệ thuật Cựu chiến binh “Đồng đội ơi” lại đi vận động áo quần, sách vở, lương thực… để làm quà tặng bà con. Thế hệ những người lính văn công xưa như bà Hiền, ông Đạt đều đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng chưa bao giờ họ nghĩ đến chuyện dừng chân. Hàng năm, các nghệ sĩ tâm huyết lại leo lên những chuyến xe ngập tràn tiếng hát để đến với đồng đội ở đất thiêng Quảng Trị. Điều khiến họ an lòng nhất là hành trình nghĩa tình của mình đã và đang có sự tiếp lửa từ rất nhiều bạn trẻ là con em cựu chiến binh, học sinh, sinh viên. Lớp đầu bạc và lớp tóc xanh cùng kề vai, khe khẽ hát: “Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc Lào, ấm chè chốt, hồn nhiên vui cười, bạn bè, đồng đội, người thân, ôm nhau nước mắt chan hòa”… Bài, ảnh: QUANG HIỆP