Đẩy nhanh tiến độ các dự án ổn định dân cư vùng thường xuyên bị ngập lụt
(QT) - Quảng Trị là một tỉnh thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra. Theo số liệu điều tra, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 3 vạn hộ dân thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố hàng năm thường xuyên bị ngập lụt. Để giúp người dân giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra, UBND tỉnh đã có chủ trương xây dựng Dự án thí điểm bố trí ổn định dân cư tránh lũ tại chỗ ở hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và di dời một bộ phận dân cư ra khỏi vùng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở xã Húc Nghì, Tà Long (Đakrông).
| | |
| Để tránh những hậu quả xấu nhất cho bà con ở những khu vực này, từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 193/2006/QĐ-TTg phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, vùng xung yếu... | |
| | |
Dự án thí điểm bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại chỗ thường xuyên bị ngập lụt thuộc hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng tập trung vào các xã rốn lũ và trọng điểm. Huyện Triệu Phong có các xã Triệu Thành, Triệu Thượng, Triệu Long và Triệu Giang với số hộ bị ngập thường xuyên là 4.805 hộ (trong đó trên 2000 hộ bị ngập từ 1-2m). Huyện Hải Lăng có 2 xã Hải Hòa, Hải Thành và các điểm trũng thuộc các xã Hải Quế, Hải Thọ, Hải Trường, Hải Chánh, Hải Tân với tổng số hộ là 3.156 hộ nằm trong vùng quy hoạch của dự án. Các hạng mục chính của dự án bao gồm tôn nền nhà chung, nâng cấp nhà, xây dựng phòng tránh lũ, lụt đối với các hộ có mức ngập lụt từ 1m trở lên. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ phương tiện đi lại và dụng cụ dự trữ nước trong mùa mưa lũ… Dự án di dân khỏi vùng lũ ống, lũ quét được triển khai đối với 109 hộ dân tại xã Húc Nghì và 79 hộ từ các thôn bản thuộc xã Tà Long, Tà Rụt, huyện Đakrông. Trong đó, 109 hộ thôn Húc Nghì được bố trí tập trung và 79 hộ dân thuộc hai xã Tà Long và Tà Rụt sắp xếp, bố trí xen ghép tại thôn, xã đang sinh sống. Các hộ dân trong vùng quy hoạch dự án được hỗ trợ 35m 2 nhà ở và một số vật dụng cần thiết để ổn định cuộc sống. Dự án này có tính cấp thiết, nhất là sau những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 9 gây lũ ống, lũ quét, cuốn hết nhà cửa và tài sản của các hộ dân nơi đây. Dự án được đầu tư đồng bộ, hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm tạo điều kiện để người dân định cư bền vững và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và giữ vững tình tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Dự án được xây dựng tại xã Húc Nghì, huyện Đakrông với diện tích trên 192 ha. Diện tích vùng quy hoạch dự án chủ yếu là sắp xếp, bố trí lại dân cư và phát triển sản xuất, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và mạng lưới hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ, kỹ thuật thi công đơn giản nên không ảnh hưởng lớn đến môi trường, sinh thái. Sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo thành một điểm dân cư có cảnh quan kiến trúc xanh-sạch-đẹp với hệ thống đường giao thông nối liền trung tâm xã thuận tiện cho việc thông thương, giao lưu buôn bán và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Mới đây, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các Sở, ngành liên quan để nghe báo cáo tiến độ triển khai các dự án nói trên. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình hình tiến độ triển khai các dự án nhìn chung chậm so với kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, dự án ổn định dân cư vùng lũ huyện Hải Lăng, Triệu Phong phải hoàn thiện và giao nộp sản phẩm cuối cùng vào tháng 6/2010 nhưng đến tại thời điểm tháng 3/2010, một số hạng mục như địa điểm tái định cư, xây dựng quy hoạch mặt bằng... vẫn chưa hoàn thành. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án ít, vốn quy hoạch xây dựng dự án không được bố trí. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ; Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ban ngành liên quan khác cần sớm xem xét thẩm định dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét và sạt lở ở xã Húc Nghì, để trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo về tiến độ triển khai các dự án, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính đã đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành và đơn vị thi công trong việc triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình UBND tỉnh phê duyệt dự án di dân khẩn cấp tại xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Về dự án ổn định dân cư vùng lũ huyện Hải Lăng và Triệu Phong, mục tiêu, địa điểm dự án không thay đổi. Tuy nhiên cần bổ sung một số hạng mục theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính cũng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị cần triển khai thực hiện các dự án theo đúng tiến độ đề ra, nhằm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho người dân sinh sống trong các vùng thường xuyên bị ngập lũ. Trong những năm qua, bão lũ liên tục đe doạ các vùng nông thôn ở Việt Nam, gây thiệt hại lớn về người và của. Riêng trận bão lũ số 9 vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã có gần 200 người chết, thiệt hại ước tính hơn 14 ngàn tỷ đồng. Điều đáng nói là những nơi xảy ra thiên tai lại chủ yếu tập trung ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để tránh những hậu quả xấu nhất cho bà con ở những khu vực này, từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 193/2006/QĐ-TTg phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, vùng xung yếu... Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Trị cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đảm bảo ổn định đất ở, đất sản xuất và tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó có dự án thí điểm bố trí ổn định dân cư tránh lũ tại chỗ ở hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và di dời một bộ phận dân cư ra khỏi vùng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở xã Húc Nghì, Tà Long (Đakrông). Đây là Dự án có ý nghĩa xã hội đặc biệt quan trọng, không những giúp người dân giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra mà còn tạo dựng cuộc sống lâu dài, ổn định. Tuy nhiên, để Dự án đạt hiệu quả cao, quá trình triển khai dự án cần thực hiện lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới và một số chương trình, dự án khác đang được triển khai để huy động nguồn vốn. Đồng thời chọn các công trình thiết yếu phục vụ cho tránh lũ và sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo mục tiêu dự án. Bên cạnh, các cơ quan chức năng và địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm ổn định cuộc sống của người dân trước mùa mưa bão năm nay. Phan Hoài Hương