Đổi thay nơi làng quê giới tuyến năm xưa
(QT) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đông đảo khách tham quan đã đến với Vĩnh Linh, dừng chân ghé lại thăm làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, nơi có Vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương - sông Bến Hải một thời mang nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất non sông. 43 năm kể từ ngày quê hương được giải phóng, mảnh đất này đang hồi sinh, hứa hẹn cuộc sống mới đổi thay từng ngày…

Đổi thay nơi làng quê giới tuyến năm xưa

(QT) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đông đảo khách tham quan đã đến với Vĩnh Linh, dừng chân ghé lại thăm làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, nơi có Vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương - sông Bến Hải một thời mang nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất non sông. 43 năm kể từ ngày quê hương được giải phóng, mảnh đất này đang hồi sinh, hứa hẹn cuộc sống mới đổi thay từng ngày…

Làng Hiền Lương hôm nay

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Đất nước cắt chia, thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành nằm bên bờ Bắc giới tuyến gánh chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn địch. Ròng rã những năm chiến tranh ác liệt, quân và dân Hiền Lương kiên cường bám trụ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ ngọn cờ giới tuyến và lập nên nhiều chiến công vang dội. Chiến tranh kết thúc, cũng như bao làng quê khác ở Vĩnh Linh, thôn Hiền Lương phải bắt tay xây dựng lại cơ đồ từ hoang tàn đổ nát. Bằng ý chí nội lực và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, mảnh đất này đang từng ngày hồi sinh. Đặc biệt, từ năm 2001 - 2002, thôn Hiền Lương được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ để xây dựng mô hình làng mới theo mô hình làng Samuel Undong. Trên cơ sở đó, hình thành các mục tiêu quốc gia về phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay, trên mảnh đất một thời đạn bom khốc liệt đã có những đổi thay vượt bậc.

Thôn Hiền Lương đất không rộng, người không đông, diện tích tự nhiên chỉ có 110 ha. Toàn thôn có 177 hộ gia đình với 638 nhân khẩu. Để phát triển kinh tế mang tính hiệu quả và bền vững, những năm qua, tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, các ngành, cấp ủy, ban điều hành thôn Hiền Lương đã chỉ đạo nhân dân chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa cây, đa con và phù hợp với tình hình địa phương. Theo đó, nông nghiệp vẫn là nền kinh tế chủ đạo của thôn, chiếm 50% cơ cấu kinh tế. Người dân đã mạnh dạn trong cách nghĩ cách làm, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao như mô hình trồng nấm, làm miến, nuôi tôm thẻ chân trắng… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh tiếp tục duy trì và phát triển nghề làm bún, bánh, chính quyền địa phương còn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong thôn phát triển các ngành nghề CN-TTCN theo hướng đa dạng, phù hợp với nhu cầu của thị trường như làm mộc, nề, xay xát. Động viên nhân dân tham gia xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người ở thôn Hiền Lương đạt 25 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn hiện có 98% hộ gia đình xây dựng được nhà ở kiên cố; 100% hộ gia đình có xe máy, các phương tiện nghe nhìn và các tư liệu sản xuất. Tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm 30%, hộ nghèo 5,5%, hộ cận nghèo chỉ còn 2,9% theo tiêu chí mới.

Phong trào xây dựng NTM được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân đã tích cực đóng góp tiền của, ngày công, vật liệu để xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng của địa phương như làm đường giao thông, thủy lợi, công trình văn hóa, trường học... Đến nay, 100% đường làng ngõ xóm ở thôn Hiền Lương đã được bê tông hóa. Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở huyện Vĩnh Linh lắp đặt hệ thống điện đường chiếu sáng trên các trục đường giao thông trong thôn dài hơn 4km. Qua đó đã làm thay đổi diện mạo quê hương và cuộc sống người dân, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn.

Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa tiếp tục được phát huy. Năm 2017, Hiền Lương được công nhận là làng 3 năm liền đạt làng văn hóa cấp huyện; 3 năm liền là làng không có người sinh con thứ 3 trở lên; 100% con em trong độ tuổi được đến trường; công tác chăm lo gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng thường xuyên được quan tâm…

Bước ra từ chiến tranh khốc liệt, người dân Hiền Lương đã rèn luyện bản tính kiên trì, nỗ lực để xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, văn minh.

Anh Khoa