Phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của toàn xã hội
(QT) - Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Nhưng sau mỗi vụ cháy, nổ cho thấy trách nhiệm phòng chống cháy nổ rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, trong đó một trong những yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người dân. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Trị, trong 10 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 402 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương ...

Phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của toàn xã hội

(QT) - Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Nhưng sau mỗi vụ cháy, nổ cho thấy trách nhiệm phòng chống cháy nổ rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, trong đó một trong những yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người dân. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Trị, trong 10 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 402 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 12 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 23 tỷ đồng.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy
Điển hình như vụ cháy xảy ra vào ngày 3/3/2006 tại nhà bà Nguyễn Thị Thanh Xuân ở khu phố 8, phường 5, thành phố Đông Hà, thiệt hại tài sản trên 500 triệu đồng, nguyên nhân vụ cháy do chập điện; vụ cháy vào ngày 14/8/2012 xảy ra tại xưởng cắt xén giấy thuộc Công ty TNHH MTV OCHID Phú Quý ở cụm công nghiệp Đông Lễ, thành phố Đông Hà với tổng thiệt hại tài sản ước tính trên 8 tỷđồng, nguyên nhân do sự cố kỹ thuật; vụ cháy mương cáp xuất tuyến Quảng Trị của Trạm 110KV Đông Lương, thành phố Đông Hà làm thiệt hại về tài sản trên 500 triệu đồng; vào ngày 4/4/2012 xảy ra cháy tại nhà máy xay xát chế biến gạo chất lượng cao Hoành Huệ, ở Ba Bến, phường 2, thị xã Quảng Trị, gây thiệt hại trên 500 triệu đồng, nguyên nhân do vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy; vụ cháy ô tô mang biển kiểm soát 43C-033.03 do ông Hồ Hoàng Lợi điều khiển qua địa phận thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, gây thiệt hại trên 600 triệu đồng, nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ... Qua các vụ cháy trên cho thấy việc thiếu ý thức cảnh giác trong phòng cháy của các cá nhân và tổ chức liên quan. Để công tác phòng cháy chữa cháy được thực hiện tốt trong toàn xã hội, hàng năm, các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tích cực triển khai các kế hoạch, biện pháp nhằm đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Trong đó “Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động- Phòng chống cháy nổ” được tổ chức với nhiều khẩu hiệu sinh động, tác động trực tiếp đến mọi tầng lớp nhân dân. Trên thực tế, những vụ cháy, nổ trong những năm qua đã giảm đi, như năm 2012 đến năm 2013 từ 26 vụ giảm xuống còn 21 vụ, người bị thương cũng giảm xuống còn 1 người, không có người bị chết, thiệt hại về tài sản cũng giảm xuống đáng kể nhưng chưa phải đã ngăn chặn được triệt để. Rất nhiều vụ cháy xảy ra có nguyên nhân do ý thức của con người, cụ thể là do công tác phòng cháy chữa cháy tại một số huyện, thị xã, thành phố chưa thật sự được quan tâm đúng mức; nhiều nơi phó mặc công tác này cho lực lượng phòng cháy chữa cháy. Việc đầu tư các trang thiết bị chữa cháy chỉ là để đối phó với các đoàn kiểm tra hơn là để phòng cháy; lực lượng bảo vệ và nhân viên có nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy tại chỗ chưa được chú trọng. Do vậy, mỗi khi có cháy, nổ, các lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi thì đã muộn hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy để công tác phòng cháy chữa cháy thực sự có hiệu quả, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy, làm cho nhân dân nhận thức được nguy cơ, nguyên nhân gây cháy và tác hại do cháy gây ra, để từ đó đề cao ý thức phòng ngừa và thấy được lợi ích của việc đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy; hướng dẫn các biện pháp, giải pháp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy; biểu dương, khen thưởng kịp thời gương người tốt, việc tốt trong phong trào quần chúng phòng cháy chữa cháy; phê bình và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, trong đó lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phát huy vai trò nòng cốt tham mưu cho các cấp, các ngành các biện pháp phòng chống chữa cháy phù hợp, đúng quy định pháp luật. Cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải thường xuyên luyện tập sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn các thiết bị hiện đại sẵn sàng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhà nước cần có các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe và xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Đồng thời cũng cần chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan rà soát, sắp xếp, bố trí, quy hoạch hợp lý các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ như các trạm xăng dầu; các cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu dễ nổ, dễ cháy… Công tác phòng cháy chữa cháy có hiệu quả hay không trước hết phải xuất phát từ ý thức của mỗi công dân. Nếu công tác này được quan tâm đúng mức, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy thường xuyên được kiểm tra duy tu, bảo dưỡng, thay thế thường xuyên; từ cán bộ cho đến người dân thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn hoặc được cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy thì chắc chắn các vụ cháy, nổ sẽ được phát hiện và dập tắt kịp thời, không gây ra những thiệt hại lớn về tài sản. Bài, ảnh: KIM HUỆ