(QT) - Báo Quảng Trị số 4159, ra ngày 6/3/2014 ở mục Tòa soạn với bạn đọc có đăng đơn phản ánh của ông Ngô Chiến Vũ, địa chỉ ở khu phố 1, phường 5, thành phố Đông Hà với nội dung tố cáo ông Nguyễn Văn Đàn, Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà có những hành vi sai trái trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp lao động sơ thẩm giữa nguyên đơn là ông Ngô Chiến Vũ và bị đơn là Công ty Cổ phần In- Phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Trị. Sau khi báo phát hành, ngày 7/4/2014, Báo Quảng Trị đã nhận được Kết luận số 01/KL-TC của Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà về giải quyết tố cáo do bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Chánh án ký, nội dung như sau: Sau khi xem xét đơn tố cáo, ý kiến giải trình của người bị tố cáo, các tài liệu, chứng cứ thu thập trong giai đoạn giải quyết đơn tố cáo và hồ sơ vụ án lao động thụ lý số 19/2013/TLST-LĐ ngày 12/8/2013, thấy rằng: 1. Nội dung tố cáo: Đơn khởi kiện nộp ngày 21/5/2013, Thẩm phán đã 3 lần yêu cầu sửa đổi bổ sung nhưng thực chất không sửa đổi gì, Thẩm phán cố tình dây dưa không chịu thụ lý vụ án, việc xem xét, giải quyết đơn khởi kiện trong 3 tháng. Việc kéo dài này có dấu hiệu cố ý vi phạm. Qua xem xét thấy: Ngày 22/5/2013, ông Ngô Chiến Vũ nộp đơn khởi kiện (đơn ghi ngày 21/5/2013) tại Tòa án với nội dung: "Yêu cầu Tòa án buộc Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần In PHS&TBTH Quảng Trị thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 27/QĐ ngày 10/4/2013 của Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong quá trình giải quyết vụ án nếu ông Vũ rút một phần đơn khởi kiện hoặc Toà án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì đề nghị Tòa án buộc Công ty Cổ phần In PHS&TBTH Quảng Trị thanh toán đầy đủ tiền trợ cấp được nhận là 141.166.500 đồng". Ngày 24/5/2013, lãnh đạo Tòa án thành phố Đông Hà phân công Thẩm phán Nguyễn Văn Đàn giải quyết đơn khởi kiện vụ án tranh chấp lao động của ông Ngô Chiến Vũ nói trên. Tuy nhiên, nội dung đơn khởi kiện của ông Vũ có 2 yêu cầu có tính chất loại trừ lẫn nhau, không thể vừa yêu cầu hủy bỏ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, vừa được yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền trợ cấp do chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, đơn khởi kiện của ông Vũ không rõ ràng và không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 169 Bộ luật tố tụng dân sự về yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện quy định: Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 2, Điều 164 của Luật này thì Tòa án thông báo cho người khởi kiện biết để họ sửa đổi, bổ sung. Do đó, Thẩm phán Tòa án đã mời ông Vũ đến làm việc để xác định lại yêu cầu khởi kiện và cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ. Mặc dù đã được giải thích, hướng dẫn nhưng ông Vũ vẫn không bổ sung đơn khởi kiện và không cung cấp thêm được tài liệu, chứng cứ gì. Ngày 15/7/2013, Tòa án ban hành thông báo yêu cầu ông Vũ sửa đổi, bổ sung đơn kiện. Ngày 6/8/2013, ông Ngô Chiến Vũ sửa đổi đơn khởi kiện (đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ghi ngày 1/8/2013, gửi đến Tòa án ngày 6/8/2013). Ngày 12/8/2013, Tòa án thụ lý vụ án trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn (06/8/2013) là đúng quy định Bộ luật tố tụng dân sự. 2. Nội dung tố cáo: Trước khi thụ lý vụ án Thẩm phán đã liên hệ với bị đơn, nhận nhiều giấy tờ tài liệu do bị đơn cung cấp, việc liên hệ này là không minh bạch. Xem xét thấy rằng: Đơn khởi kiện ngày 21/5/2013 của ông Ngô Chiến Vũ vừa có nội dung khởi kiện Quyết định số 27/QĐ ngày 10/4/2013 của Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa có nội dung kiện biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 15/2/2011, do đó Tòa án không thể xác định được đối tượng khởi kiện. Để xác định chính xác quan hệ tranh chấp, Thẩm phán mời Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị đến làm việc. Tại buổi làm việc Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị trình bày ý kiến và đưa ra các tài liệu liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động của ông Vũ. Việc người bị kiện đến Tòa án trình bày ý kiến, giao nộp các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho ý kiến của mình là không trái với quy định. Việc Thẩm phán làm việc với đương sự nói chung, bị đơn nói riêng không phải là hành vi không minh bạch. 3. Nội dung tố cáo: Thẩm phán Nguyễn Văn Đàn đã dựng kịch bản “đối chất” triệu tập đích danh ông Ngô Chiến Vũ mặc dù ông Vũ đã ủy quyền người khác tham gia tố tụng nhưng Thẩm phán cố tình gài bẫy ông Vũ nếu triệu tập 2 lần mà nguyên đơn không đến thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án là hành vi thiếu nhân cách, kém đạo đức của Thẩm phán. Xét thấy, tại phiên hòa giải ngày 18/10/2013, nhiều nội dung phía bị đơn là Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị đưa ra như: Quá trình xử lý kỷ luật, ông Ngô Chiến Vũ biết rõ và đã nhận Quyết định xử lý kỷ luật lao động, mỗi tháng ông Vũ tự nguyện nộp 1.000.000 đồng, nộp trong 14 tháng, ông Vũ đã ký nhận tiền trợ cấp chấm dứt hợp đồng lao động và sau đó đã tự nguyện nộp đủ tiền đền bù vật chất cho công ty với số tiền 95.000.000 đồng. Người đại diện theo ủy quyền của ông Ngô Chiến Vũ là Luật sư Lê Văn Hiến trả lời không rõ ràng các vấn đề mà bị đơn nêu ra, không xác định được chữ viết, chữ ký của ông Vũ trong các hóa đơn, chứng từ, tài liệu do bị đơn xuất trình. Ngày 19/10/2013, bị đơn là Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị nộp văn bản yêu cầu Tòa án triệu tập ông Ngô Chiến Vũ, nguyên đơn trong vụ án đến Tòa án đối chất để làm rõ các nội dung trong vụ án. Mặc dù ông Ngô Chiến Vũ đã ủy quyền cho Luật sư Lê Văn Hiến tham gia tố tụng nhưng đương sự vẫn có quyền tự mình tham gia tố tụng. Tòa án cũng có quyền triệu tập đương sự đích thân tham gia tố tụng khi xét thấy cần thiết. Nguyên đơn có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Việc Tòa án căn cứ vào Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự ban hành quyết định đối chất và triệu tập ông Ngô Chiến Vũ, ông Lê Văn Hiến là người đại diện theo ủy quyền của ông Vũ, đại diện Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị đến Tòa án để đối chất là đúng pháp luật. Do đó, không có căn cứ kết luận việc triệu tập ông Ngô Chiến Vũ đến đối chất là hành vi thiếu nhân cách, kém đạo đức của Thẩm phán. 4. Nội dung tố cáo: Thẩm phán Nguyễn Văn Đàn vận động ông Ngô Chiến Vũ rút đơn khởi kiện và hứa sẽ trao đổi với lãnh đạo công ty thanh toán đầy đủ tiền trợ cấp cho ông Vũ là hành vi lừa dối, không trung thực. Xét thấy rằng, trong quá trình giải quyết vụ án, phía Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị đã thông tin cho Tòa án biết: Sau khi ông Ngô Chiến Vũ có quyết định nghỉ chế độ, lãnh đạo công ty xét thấy hoàn cảnh gia đình ông Vũ còn khó khăn nên đã trao đổi với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ban điều hành công ty cũng đã thống nhất việc xem xét hỗ trợ một phần vật chất cho ông Vũ nhưng chưa được thực hiện. Tại phiên đối chất, Giám đốc công ty cũng đề cập: Nếu ông Vũ thấy được việc làm sai trái của mình và tự nguyện rút đơn, thể hiện thái độ thiện chí thì lãnh đạo công ty sẽ đề nghị Hội đồng quản trị xem xét hỗ trợ một phần khó khăn sau khi giải quyết nghỉ chế độ cho ông Vũ. Để giảm bớt căng thẳng giữa các đương sự, Thẩm phán Nguyễn Văn Đàn đã nhắc lại thông tin trên để ông Vũ cân nhắc, lựa chọn nên không có căn cứ kết luận Thẩm phán có hành vi lừa dối, không trung thực. 5. Nội dung tố cáo: Thẩm phán Nguyễn Văn Đàn cố tình ban hành quyết định tố tụng trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ngô Chiến Vũ: Kiểm tra hồ sơ vụ án thấy rằng, tại đơn khởi kiện vụ án tranh chấp lao động ngày 21/5/2013, ông Ngô Chiến Vũ yêu cầu Tòa án hủy Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và buộc Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị thanh toán đầy đủ trợ cấp chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 10/8/2013, ông Vũ sửa đơn khởi kiện yêu cầu Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị thanh toán đầy đủ tiền trợ cấp chấm dứt hợp đồng lao động. Trên cơ sở đó, ngày 12/8/2013, Tòa án đã thụ lý vụ án lao động về tranh chấp “Yêu cầu chi trả tiền trợ cấp thôi việc”. Ngày 21/10/2013, ông Ngô Chiến Vũ sửa đổi đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy toàn bộ Quyết định về việc kỷ luật CB-CNV số 172/QĐ-TCNS ngày 25/12/2011 của Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị và yêu cầu Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị chấm dứt hành vi đơn phương khấu trừ tiền trợ cấp chấm dứt hợp đồng lao động; hoàn trả lại số tiền 109.000.000 đồng đã khấu trừ. Quyết định số 172/QĐ-TCNS ngày 25/12/2011 của Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị là quyết định kỷ luật ông Ngô Chiến Vũ bằng hình thức khiển trách và buộc ông Vũ bồi thường vật chất cho công ty với số tiền 109.000.000 đồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 201 Bộ luật lao động và khoản 1, Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự thì tranh chấp này (tranh chấp kỷ luật lao động) bắt buộc phải thông qua thủ tục hoà giải của hoà giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết (trừ tranh chấp lao động về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) nhưng tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động giữa ông Ngô Chiến Vũ với Công ty Cổ phần In PHS & TBTH Quảng Trị chưa thông qua hoà giải tại cơ sở nên chưa đủ điều kiện khởi kiện. Tòa án ban hành Quyết định số 09/2013/QĐST-LĐ đình chỉ giải quyết vụ án lao động nói trên là đúng quy định tại Điều 31, Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 21 Bộ luật lao động. Quyết định số 09/2013/QĐST-LĐ đình chỉ giải quyết vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Ngày 14/1/2014, TAND tỉnh Quảng Trị ra quyết định giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị số 01/2014/QĐ-PT, tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của ông Ngô Chiến Vũ và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị; giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án lao động số 09/2013/QĐST-LĐ ngày 28/11/2013 của TAND thành phố Đông Hà. Do đó, không có căn cứ kết luận Thẩm phán cố tình ban hành quyết định tố tụng trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Từ những căn cứ trên, kết luận: Không chấp nhận nội dung đơn tố cáo của ông Ngô Chiến Vũ đối với ông Nguyễn Văn Đàn - Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà. Báo Quảng Trị hoan nghênh Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà đã kịp thời trả lời để bạn đọc được rõ. TÒA SOẠN