Phát huy vai trò của nam giới trong công tác dân số - KHHGĐ
(QT) - Lâu nay, mỗi khi nhắc đến việc thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) không ít người vẫn cho rằng đó là trách nhiệm của người phụ nữ mà ít khi nhắc đến vai trò của nam giới. Nhiều gia đình thiếu sự chia sẻ, động viên, khuyến khích của người chồng đối với người vợ trong thực hiện CSSKSS/KHHGĐ, ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, gia đình họ cũng như hiệu quả công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương. Để xây dựng một gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc thì ...

Phát huy vai trò của nam giới trong công tác dân số - KHHGĐ

(QT) - Lâu nay, mỗi khi nhắc đến việc thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) không ít người vẫn cho rằng đó là trách nhiệm của người phụ nữ mà ít khi nhắc đến vai trò của nam giới. Nhiều gia đình thiếu sự chia sẻ, động viên, khuyến khích của người chồng đối với người vợ trong thực hiện CSSKSS/KHHGĐ, ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, gia đình họ cũng như hiệu quả công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương. Để xây dựng một gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc thì cần có sự đồng lòng từ cả hai phía vợ và chồng trong mọi việc, nhất là nam giới phát huy vai trò của mình để chia sẻ trách nhiệm thực hiện CSSKSS/KHHGĐ.

Tuyên truyền CSSKSS/KHHGĐ cho nam giới vùng biển​

Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 đã xác định mục tiêu “xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội để nâng cao vị thế và quyền năng cho người phụ nữ. Khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm trong CSSKSS/ KHHGĐ, trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái”. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác DS - KHHGĐ ở Quảng Trị còn gặp không ít khó khăn từ nhận thức, thiếu bình đẳng và quan niệm lạc hậu của một bộ phận người dân trong việc thực hiện vai trò sinh sản/KHHGĐ. Nhiều nam giới chưa chủ động và quan tâm đến việc thực hiện KHHGĐ mà chỉ biết việc thực hiện KHHGĐ là vai trò trách nhiệm của người phụ nữ, dẫn đến các nguy cơ làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, hạnh phúc trong mọi gia đình.

Xã Hải An, huyện Hải Lăng là xã vùng biển, những năm qua đời sống của người dân trong xã gặp không ít khó khăn. Phần lớn lao động trong xã là nam giới hằng ngày phải vươn khơi bám biển, trở thành lực lượng lao động chính trong gia đình. Cũng chính vì lẽ đó người phụ nữ phải chấp nhận và chịu nhiều áp lực, thiệt thòi trong chuyện sinh đẻ, họ ít khi có điều kiện để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, nhất là CSSKSS/KHHGĐ. Đặc biệt, có trường hợp sinh con “một bề” là gái dù người vợ không muốn sinh nữa nhưng phải chấp nhận chiều ý của chồng để tiếp tục sinh sao cho có “nếp” có “tẻ” dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe cũng như điều kiện kinh tế gia đình không đảm bảo để nuôi dạy các con. Chị Lê Thị Hóa, cộng tác viên dân số thôn Mỹ Thủy, xã Hải An cho biết: “Mặc dù hiện nay Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến việc cải thiện và chăm sóc sức khỏe cho người dân, vai trò của người phụ nữ cũng nhờ đó được nâng lên, họ được trao các quyền về bình đẳng giới, quyền được CSSKSS/KHHGĐ…Song thực tế vẫn còn không ít chị em phụ nữ ở địa phương vẫn chịu sức ép từ gia đình trong việc sinh con, đặc biệt là phải sinh bằng được con trai nối dõi tông đường, để đảm bảo nhân lực phát triển kinh tế hay việc chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc về già, thờ cúng tổ tiên… Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hành vi đối với người dân hiện vẫn gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương”.

Bằng những hướng đi và giải pháp tích cực, thời gian qua, công tác Dân số - KHHGĐ ở các địa phương trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của người dân ngày càng chuyển biến mạnh mẽ trong tự giác tham gia CSSKSS/KHHGĐ, quy mô gia đình 2 con đã được nhiều cặp vợ chồng chấp nhận. Nhiều cặp vợ chồng thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ đối với sự phát triển kinh tế của gia đình. Nhằm góp phần cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS/ KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, ngành Y tế - dân số các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho đối tượng nam giới thông qua các đề án, dự án như: Đề án tư vấn và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, tổ chức các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, lồng ghép vào các đợt chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản /KHHGĐ… Từ đó, công tác tuyên truyền vận động, khuyến khích nam giới tham gia các hoạt động CSSKSS/KHHGĐ đã có bước chuyển biến đáng kể. Một khi nam giới biết chia sẻ với người phụ nữ trong thực hiện CSSKSS/KHHGĐ sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, giảm tình trạng nạo phá thai, hạn chế tình trạng gia tăng dân số, làm giảm tỉ lệ các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nam giới cùng với phụ nữ tham gia thực hiện CSSKSS/KHHGĐ. Tiêu biểu ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong có Câu lạc bộ Phòng tránh thai ngoài ý muốn (PTTNYM) do Hội Nông dân xã đứng ra đảm nhiệm 10 năm nay vẫn được duy trì hoạt động hiệu quả. CLB thu hút hơn 30 hội viên nông dân là nam giới tham gia. CLB tổ chức sinh hoạt với chủ đề phong phú, trong đó lồng ghép tuyên truyền CSSKSS/KHHGĐ để vận động nam giới tích cực chung sức với phụ nữ thực hiện tốt các chỉ tiêu mà công tác dân số địa phương đề ra cũng như cùng chị em chăm lo cho gia đình chu đáo hơn. Qua đó, giúp nam giới ở nông thôn nâng cao vai trò, trách nhiệm, cùng chia sẻ công việc gia đình, thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ; góp phần bình đẳng quyền lợi giữa nam và nữ trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số địa phương.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới xác định: “Công tác dân số - KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng sức khỏe, cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”. Vì thế, công tác vận động, khuyến khích nam giới tham gia KHHGĐ là một trong những hiệu quả quan trọng của chiến lược về thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Việc thay đổi tư duy và cách suy nghĩ đúng đắn của nam giới trong việc thực hiện công tác CSSKSS/ KHHGĐ nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng bền vững gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh, từ đó góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới.

Kăn Sương - Văn Hưng