Hướng đi mới cho cây cao su vùng Lìa
(QT) - Vùng Lìa thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bao gồm 7 xã vùng sâu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, sản xuất chủ yếu là những cây lương thực ngắn ngày. Những năm qua, huyện Hướng Hóa đã tiến hành khảo sát nhằm tìm ra hướng đi mới trong sản xuất với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, và cây cao su là cây trồng thích hợp, mang lại hy vọng thay da đổi thịt cho vùng đất còn nhiều khó khăn này. Đây không phải là lần đầu tiên cây cao su được triển khai trồng tại ...

Hướng đi mới cho cây cao su vùng Lìa

(QT) - Vùng Lìa thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bao gồm 7 xã vùng sâu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, sản xuất chủ yếu là những cây lương thực ngắn ngày. Những năm qua, huyện Hướng Hóa đã tiến hành khảo sát nhằm tìm ra hướng đi mới trong sản xuất với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, và cây cao su là cây trồng thích hợp, mang lại hy vọng thay da đổi thịt cho vùng đất còn nhiều khó khăn này. Đây không phải là lần đầu tiên cây cao su được triển khai trồng tại vùng Lìa. Năm 1997 hơn 300 ha cao su được trồng tại các xã A Xing, A Dơi, A Túc, Thanh, Thuận, Pa Tầng, Hướng Lộc do Công ty cao su Hướng Hóa quản lý. Nhưng do cơ chế quản lý không phù hợp, người dân được thuê để trồng và chăm sóc cao su lại không mấy mặn mà, giá cả bấp bênh nên phải giải thể vào năm 2001. Hơn 300 ha cao su được chia lại cho khoảng 100 hộ đồng bào Vân kiều, Pa cô theo chương trình phát triển cao su tiểu điền. Tuy nhiên khi đó, bà con chưa nắm được kỹ thuật trồng và khai thác cây cao su, chưa hiểu được hiệu quả mà cây cao su đem lại, một phần do thiếu vốn nên 300 ha cao su chết dần chết mòn, nhiều hộ dân còn chặt bỏ lấy đất trồng cây lương thực, còn cây cao su thì để làm… củi đun, hàng trăm héc ta cao su đã biến mất.

Chị Hồ Thị Thanh đang lấy mủ cây cao su.

Đến năm 2007, khi kỹ thuật khai thác cây cao su được phổ biến tại vùng Lìa, thì chỉ còn sót lại vài héc ta cao su của một số hộ dân. Gia đình chị Hồ Thị Thanh, trú tại thôn A Cha, xã A Xing hiện vẫn còn giữ được 2 ha cao su đã cho khai thác. Chị Thanh cho biết: “ Năm 2001 nông trường giải thể, gia đình tôi được chia 2 ha cây cao su, nhưng không biết khai thác nên cứ để không. Sau này được phổ biến kỹ thuật, tôi mới bắt đầu lấy mủ, mỗi năm khai thác được 9 tháng”. Nhìn vườn cao su xanh tốt cho thấy khí hậu và thổ nhưỡng vùng Lìa thích hợp với việc trồng cây cao su, bằng chứng cho thấy dù không được chăm sóc đúng kỹ thuật, lại thiếu phân bón nhưng 2 ha cao su của gia đình chị Thanh vẫn cho mủ đều đặn và có năng suất cao. Vào thời điểm hiện tại, mỗi năm chị Thanh thu được hơn 200 triệu đồng từ “vàng trắng”. Nhìn cơ ngơi khang trang một tay chị Thanh dựng nên, những hộ trước đây phá bỏ cây cao thầm tiếc rẻ. Theo kế hoạch, từ năm 2011 đến 2015, huyện Hướng Hóa sẽ triển khai trồng mới 5000 ha cao su ở vùng Lìa, trong đó có 3000 ha cao su tiểu điền. Hiện tại đã triển khai trồng thử nghiệm được 60 ha tại 3 xã A Dơi, Thanh, Thuận, hầu hết các cây đều phát triển tốt, mang lại niềm tin cho người dân. Trong lần trồng mới này, cây cao su sẽ được giao tận tay người dân trồng và chăm sóc. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của gia đình chị Thanh từ việc trồng cây cao su lấy mủ, rất nhiều hộ gia đình tại xã A Xing đã đăng ký trồng mới cây cao su từ 1 đến 3 ha. Anh Hồ A Dược, Chủ tịch UBND xã A Xing cho biết: “Cho đến nay xã A Xing đã có hơn 100 hộ đăng ký trồng cây cao su với tổng diện tích khoảng 180 ha”. Để hỗ trợ người dân trong việc trồng và chăm sóc cây cao su, UBND huyện và các xã vùng Lìa đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn lo lắng đặt câu hỏi, cây cao su 5,6 năm mới thu hoạch được, vậy trong những năm đó lấy gì ăn?. Lo lắng của bà con sẽ được giải quyết bằng phương án trồng xen canh cây cao su với cây lương thực. Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ A Dược cho biết phương án mà xã sẽ tiến hành: “Xã quyết định trồng xen canh cây cao su với cây sắn để giải quyết nhu cầu lương thực và thu nhập cho bà con. Sau 3-4 năm khi cây cao su đã lên cao, khép tán thì ngừng trồng sắn. Hơn nữa, ngoài diện tích đất trồng cao su, người dân vẫn có một diện tích đất dùng để trồng các loại cây khác như lúa nước, lúa rẫy, sắn...” Về phía Công ty cổ phần cao su Hướng Hóa sẽ hỗ trợ người dân bằng cách quy hoạch đất đai, ngay sau khi người dân hoàn tất thu hoạch sắn sẽ tiến hành cải tạo đất, đào hố trồng cao su, cung cấp cây giống và vật tư. Công ty cam kết sẽ cho người dân vay vốn, đến lúc thu hoạch mủ cao su sẽ lấy sản phẩm. Đến năm 2013 sẽ mở nhà máy chế biến mủ cao su. Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho biết: “Vùng Lìa có số giờ nắng trong năm cao, ít lạnh và sương mù nên đảm bảo cho cây cao su cho mủ tốt, lại hạn chế được sâu bệnh. Tuy nhiên lại có một số khó khăn về giao thông, tập quán, kỹ thuật canh tác của bà con còn nhiều hạn chế”. Cây cao su ở vùng Lìa trong thời gian tới hy vọng sẽ giúp bà con thoát nghèo. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người dân vùng Lìa, trong tương lai, vùng Lìa sẽ thay da đổi thịt, đời sống người dân sẽ được nâng cao nhờ vào cây cao su. Bài, ảnh: MINH HIỂN