(QT)- Thời gian gần đây, nhiều người dân ở bản Vùng Kho, xã Đakrông (huyện Đakrông) rủ nhau men theo các khe suối, triền đồi săn tìm gỗ lũa- tức phần lõi của các gốc cây cổ thụ đã bị chết lâu năm- để mang về bày bán. Với giá từ vài trăm ngàn đến gần chục triệu đồng/ gốc, người dân nơi đây có nguồn thu nhập đáng kể, nhưng “nghề mới” này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến các cánh rừng tự nhiên.
![]() |
Các gốc gỗ lũa được bày bán ở bản Vùng Kho, xã Đakrông |
Thời gian gần đây, nhiều người dân ở bản Vùng Kho, xã Đakrông (huyện Đakrông) rủ nhau men theo các khe suối, triền đồi săn tìm gỗ lũa- tức phần lõi của các gốc cây cổ thụ đã bị chết lâu năm- để mang về bày bán. Với giá từ vài trăm ngàn đến gần chục triệu đồng/ gốc, người dân nơi đây có nguồn thu nhập đáng kể, nhưng “nghề mới” này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến các cánh rừng tự nhiên.
Dọc theo Quốc lộ 9, đoạn qua bản Vùng Kho, xã Đakrông hiện có rất nhiều người đồng bào Vân Kiều bày bán các gốc gỗ lũa như mít, xoan rừng, dỗi, lát hoa, sến, huệnh… Mỗi ngày, người dân kéo những gốc gỗ lũa ra đường bày bán từ sáng sớm, đến tối lại chở về nhà. Đa số các loại gỗ lũa bày bán nơi đây được người dân nhặt nhạnh từ các khe suối hay đào bứng trên nương rẫy mang về, mà điểm chung là có hình thế đẹp, trông khá bắt mắt. Người mua là hành khách đi đường hay các cơ sở mộc mỹ nghệ đóng trên địa bàn và các huyện lân cận. Sau khi đã thỏa thuận việc mua bán, những gốc gỗ lũa tại đây được người chơi kiểng đưa đi khắp nơi, chưng vào những vị trí sang trọng hay tiếp tục chế tác để có những tác phẩm mỹ nghệ đẹp, có giá trị.
Nhận thấy nhu cầu tìm mua các gốc gỗ lũa đẹp, độc, lạ về làm kiểng hiện nay rất cao nên gần nửa năm nay, anh Hồ Văn Hùng ở bản Vùng Kho đã lặn lội đi tìm các gốc gỗ lũa. Anh Hùng cho hay: “Nghề đi tìm kiếm và bày bán gỗ lũa ở bản Vùng Kho chỉ mới hình thành khoảng một năm nay thôi. Lúc đầu, chỉ có vài gia đình trưng bán các gốc gỗ lũa, nhưng vì khách hàng đến trả giá, thu mua với giá khá cao nên nhiều người khác trong bản cũng bắt chước làm theo. Đến bây giờ, toàn bản Vùng Kho có khoảng 20 người dân hành nghề đi tìm gỗ lũa. Bởi đây là thời điểm rảnh rỗi việc nương rẫy, nên chúng tôi đi tìm gỗ lũa để kiếm thêm nguồn thu nhập. Những người hành nghề này ở bản Vùng Kho đa số là không có nghề nghiệp và nguồn thu nhập ổn định. Mỗi tuần, chúng tôi nhặt nhạnh, đào bới được khoảng 2- 4 gốc gỗ lũa với hình thù, kích cỡ khác nhau và nếu việc bán mua suôn sẻ thì cũng kiếm được từ vài trăm đến vài triệu đồng”.
Cũng giống như nhiều người khác ở bản Vùng Kho đến với nghề săn tìm gỗ lũa, gia đình Hồ Văn Hùng thuộc diện khó khăn, cả 2 vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định. Để trang trải cuộc sống và nuôi con nhỏ, Hùng phải tay thuổng, tay rựa lặn lội khắp các con suối, ngọn đồi để tìm kiếm gỗ lũa mang về trưng bán. Thường những ngày đi săn tìm gỗ lũa, anh Hùng đi theo nhóm khoảng từ 2- 5 người chứ rất ít khi đi một mình. Số tiền bán được từ các gốc lũa sẽ được họ chia nhau sòng phẳng, công bằng.
Ở bản Vùng Kho, nhiều người dân gọi anh Hồ Văn Hồng (32 tuổi) là người “sáng lập” ra nghề mới này, bởi anh đi tìm và bày bán các gốc gỗ lũa đầu tiên trong bản. Anh Hồng cho biết: “Hơn một năm trước, trong lúc cày ủi mảnh vườn của gia đình để trồng sắn, tôi thấy nhiều gốc cây gỗ thụ đã chết từ lâu, mối mọt gặm nhấm chỉ còn phần lõi trông đẹp mắt nên đã nhặt đem về chưng trước sân nhà làm kiểng. Lúc đó, có nhiều người đi đường ngang qua nhìn thấy đã vào trả giá với số tiền khá cao nên tôi đồng ý đem bán. Khi đã bán hết các gốc cổ thụ ấy thì tôi nảy ra ý định đi tìm kiếm các gốc cổ thụ, rễ cây đã khô chết ở nương rẫy về bày bán tiếp và nghề này “dính” vào tôi từ đó đến nay”.
Theo anh Hồng thì nghề săn tìm gỗ lũa không phải “dễ ăn” như người ta vẫn tưởng. Để mang được một gốc gỗ lũa từ khe suối, nương rẫy về nhà mất rất nhiều thời gian và công sức. Không chỉ dùng sức lực, người hành nghề này cũng cần phải tinh mắt chọn lựa những gốc lũa phù hợp với thị hiếu của người mua. Khi đã chọn được gốc lũa đẹp thì dân hành nghề cũng cần phải khéo tay cắt gốc, rễ để giữ được vẻ tự nhiên như nó vốn có. Điều nguy hiểm nhất mà dân hành nghề này nói với nhau là khi đào bới các gốc cây gỗ lũa họ thường hay gặp các loại bom đạn chưa phát nổ cho đến rắn rết, các loại ong độc làm tổ dưới hốc cây. Nếu người hành nghề không chú ý cẩn thận, thì chỉ cần một chút sơ ý là phải “rước họa vào thân”.
Qua tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân ở Vùng Kho nói rằng bây giờ việc tìm ra một gốc gỗ lũa bán được vài trăm ngàn đồng (chứ chưa nói đến những gốc lũa có giá trị, giá cao) ở các khe suối, nương rẫy trên địa bàn rất khó, bởi có quá nhiều người đi săn tìm. Cho nên bây giờ muốn có được một gốc lũa có giá trị họ phải tiến sâu vào rừng hoặc tìm đến các nương rẫy ở các địa bàn khác. Một số người không ngần ngại chỉ cho chúng tôi xem những gốc cây cổ thụ vừa mới ráo mủ có vân, nu, hình thù bắt mắt được đào bứng từ rừng về và bày bán công khai ở đây. Thực tế cho thấy, nghề săn tìm gỗ lũa thời gian qua đã mang đến nguồn thu nhập rất khá cho người dân ở bản Vùng Kho và ngày càng có thêm nhiều người gia nhập vào “nghề mới” này. Chính vì vậy, các cấp chính quyền và Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông cần đánh giá đúng mức thực trạng này và có biện pháp vận động, tuyên truyền kịp thời đến người dân để họ không xâm phạm đến cảnh quan rừng tự nhiên trên địa bàn.
ĐỨC NGHĨA