Tại sao “vàng tặc” vẫn lộng hành?
(QT) - Trao cho chúng tôi bát nước suối trong vắt, một “vàng tặc” nói giọng “mát mẻ”: “Sao vất vả thế, mời anh uống bát nước cho lại sức. Thú thật chỉ có ở thượng nguồn như bọn này mới được dùng nước suối nguyên chất, chứ hạ nguồn mong chẳng được”. Nghe lời “vô cảm” này, chúng tôi rùng mình nhớ lại những gì chứng kiến suốt chặng đường vượt qua. Ở phía hạ nguồn nước suối chuyển sang màu đất đèn, sặc sụa mùi lưu huỳnh, bám lầy da thịt. Thỉnh thoảng vài con cá chết nổi lều bều trong nước. Dụng cụ tiêm chích còn tươi máu vứt rải rác ở từng khúc suối. Từng đoàn người dân bản địa vượt dốc gùi dầu máy, lương thực cho “vàng tặc”, rồi gùi về nhà từng bon nước sạch cho sinh hoạt.
 |
Tại suối Ka Ê, vàng tặc vẫn thản nhiên làm vàng trước ống kính phóng viên |
Phải nói rằng, nạn khai thác vàng trái phép xuất hiện khá lâu trên địa bàn xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị). Theo ông Hồ Văn Tam, Phó Chủ tịch UBND xã A Vao thì đã 13 năm, kể từ khi đơn vị khoáng sản 4 vào đây thăm dò. Không hiểu sao công nhân của đơn vị thăm dò lại tiết lộ nhiều thông tin thực hư liên quan đến trữ lượng vàng trong khu vực, thế là một làn sóng người từ nhiều nơi đổ về đào bới. Hệ lụy thấy rất rõ, môi trường thiên nhiên, trật tự an toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, thời gian gần đây, vị trí khai thác của vàng tặc ngày càng gần khu dân cư. Thậm chí đêm khuya ở các bản Tân Đi 1, Tân Đi 2 nghe rõ tiếng đánh mìn, tiếng máy nghiền đá làm vàng nổ vang rừng. Nơi gần khu dân cư nhất là suối Paka, từ trung tâm dân cư đi bộ khoảng 20 phút đường rừng. Thế nên, dư luận đặt nhiều hoài nghi cho sự tồn tại mặc nhiên của điểm khai thác vàng. Ở đa số các điểm khai thác đều hiếm gặp đối tượng sống trên địa bàn, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc, hoặc Thừa Thiên- Huế. Để cung cấp thực phẩm, máy móc, xăng dầu phục vụ khai thác, một đội ngũ thanh niên, học sinh sống địa bàn xã A Vao thường xuyên gùi cõng đáp ứng tức thời. Thông thường một chuyến gùi hàng được trả 100 nghìn đồng. Em H.V.H, học sinh lớp 8 cho biết: “Nếu gùi hàng đến suối Paka, chúng em được trả 100 nghìn đồng, còn những điểm khác được trả nhiều hơn. Nhiều lúc họ làm “tăng ca”, chủ hàng kêu chúng em nghỉ học để gùi thêm nhiều lượt hàng. Có hôm mình em được trả 500 nghìn để mang vào rừng cho người chủ vàng quê tỉnh Thái Nguyên một gói bột trắng bọc kỹ”. Ở thượng nguồn suối Paka có gần 20 đối tượng vận hành 3 máy xay đá, hệ thống lọc vàng hóa chất. Từ đây nước thải ra suối đặc quánh, đen kịt, nặng mùi lưu huỳnh. Một đối tượng quê ở Thái Nguyên tiết lộ: “Hầm này dài hơn 500 m ăn sâu lòng núi. Bọn tôi dùng thuốc nổ đánh rồi vận chuyển đá ra ngoài xay mịn, dùng hóa chất lọc lấy vàng. Thú thật vàng lọc được chẳng bao nhiêu”. Chúng tôi hỏi: “Nếu khai thác không hiệu quả, tại sao các anh vẫn liều lĩnh khai thác bao nhiêu năm nay, gây nhiều hệ lụy cho xã hội?”. Một đối tượng khác ngang tàng: “Thú thật ông anh, bọn này chẳng sung sướng gì. Phải chịu cảnh xa vợ con hàng năm trời, lại vay mượn tiền của đầu tư cả vào đây. Cầm được miếng vàng phải tính tỷ lệ ăn chia. Nếu có vàng, chỉ hưởng được 60%, phần còn lại phải “thế này thế khác”?! Chúng tôi đã làm việc với Đồn Biên phòng 625, Thượng tá Lê Văn Hùng, đồn trưởng, nêu lên muôn vàn khó khăn trong công tác đẩy đuổi “vàng tặc”. Thượng tá Hùng cho rằng, nguyên nhân do địa hình hiểm trở. Thông tin công tác truy quét bị rò rỉ nên đối tượng nhanh chân tẩu thoát. Máy móc đập phá rồi chẳng ăn thua. “Việc bảo vệ khoáng sản là nhiệm vụ của các cấp chính quyền. Thật ra truy quét đám này chẳng khó khăn gì”, Thượng tá Hùng cho biết thêm. Theo chúng tôi biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng có chức năng bảo vệ biên giới, giữ vững an ninh trật tự khu vực vùng biên. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn nắm cơ sở để theo sát mọi di biến động liên quan đến trật tự an toàn cả khu vực biên giới và địa bàn quản lý. Đội ngũ sĩ quan điều về giữ chức Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã luôn phát huy vai trò nòng cốt tham mưu tốt cho chính quyền địa phương ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt việc dùng chất nổ ở khu vực biên giới bị kiểm soát chặt chẽ. Có một sự mâu thuẫn, đối tượng “vàng tặc” bảo: “Vàng lọc được chẳng bao nhiêu” nhưng vẫn tăng cường mở rộng khai thác tàn phá núi rừng, hủy hoại môi trường thiên nhiên. Cơ quan chức năng cho rằng: “Truy quét đám này chẳng khó khăn gì” thì đối tượng “vàng tặc” cứ ngang nhiên lộng hành. Thậm chí tiễn chúng tôi, đối tượng tên Xã, chủ khai thác ở suối Paka nói vọng theo: “Lần sau các anh đến chơi nhé”. Chợt nghĩ đến tỷ lệ ăn chia 4:6 mà đối tượng “vàng tặc” thú nhận, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chẳng lẽ đang có sự bảo kê cho hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn? Bài, ảnh: MINH TUẤN