Quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi
(QT) - Để chủ động đối phó với tình hình thời tiết nắng hạn bất thường có thể xảy ra, bước vào vụ sản xuất đông - xuân năm 2009 - 2010, Công ty TNHH một thanh viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị (QLKTCTTL) đã có phương án chỉ đạo các xí nghiệp tăng cường biện pháp tưới tiết kiệm để dự trữ nguồn nước cho vụ hè - thu 2010. Cụ thể, các xí nghiệp phải thực hiện tưới luân phiên ngay sau khi tỉa dặm xong, cho các trạm bơm điện hoạt động sớm khi thấy nước giảm nhanh ở đầu mối, quản lý chặt chẽ các cống, đập ngăn mặn, giữ lượng nước ngọt để tạo nguồn cho các trạm bơm ven sông hoạt động chống hạn; tổ chức nạo vét các tuyến kênh mương, đắp đập giữ nước, chuẩn bị phương tiện bơm tát, sửa chữa hệ thống điện,... đảm bảo cấp đủ nguồn nước khi xảy ra nắng hạn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiếu nước đối với cây trồng, đặc biệt là cây lúa.
 |
Kênh mương công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng Triệu Phong. Ảnh: PV |
Công ty TNHH một thành viên QLKTCTTL Quảng Trị có 4 xí nghiệp trực thuộc, trong đó có 1 xí nghiệp làm nhiệm vụ ngoài công ích là Xí nghiệp tư vấn thiết kế thủy lợi. 3 xí nghiệp làm công tác công ích, gồm: xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, Gio - Cam - Hà và Vĩnh Linh. Các xí nghiệp này hiện đang quản lý, khai thác hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn 7 huyện, thị, thành phố vùng đồng bằng trong tỉnh gồm 10 hồ chứa, 12 trạm bơm điện và 5 công trình ngăn mặn. Toàn bộ hệ thống thủy lợi này, hàng năm, tuy thời tiết diễn biến thất thường, bất lợi, nhưng Công ty đã chỉ đạo các xí nghiệp có phương án tưới tiêu cụ thể, đảm bảo cấp tưới cho 30.000 ha lúa theo hợp đồng, trong đó có 25.000 ha được tưới trực tiếp, 5.400 ha cấp tưới bằng việc tạo nguồn lấy nước ở các sông. Nhờ vậy, nông dân đã chủ động trong mùa vụ sản xuất, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lúa bình quân toàn tỉnh từ 35-40 tạ/ha/vụ vào những năm 2000, nay tăng lên 45 tạ/ha/vụ. Riêng hai vùng lúa trọng điểm của tỉnh là Hải Lăng và Triệu Phong, năng suất lúa hiện nay đạt trên 55 tạ/ha/vụ. Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn hiện đang quản lý 1 công trình thuỷ lợi lớn là Nam Thạch Hãn, 1 công trình ngăn mặn Việt Yên và 3 trạm bơm điện, công suất 30KW/trạm, đây là đơn vị đứng đầu trong toàn Công ty trong quản lý, khai thác hệ thống thuỷ lợi, với hệ thống kênh chính và kênh cấp 1 dài gần 90 km. Diện tích lúa mà xí nghiệp đảm trách tưới tiêu gần 15.000 ha/ năm của 2 huyện trọng điểm lúa của tỉnh là Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Nhiều năm qua, kể cả trước đây tưới tiêu có thu và hiện nay không thu do được miễn thủy lợi phí, xí nghiệp luôn làm tốt công tác quản lý tưới tiêu, sửa chữa hệ thống. Những năm nắng hạn gay gắt, lượng nước tại công trình đầu mối sụt giảm đến mức báo động, xí nghiệp đã huy động toàn bộ nhân lực về phối hợp với các địa phương, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tránh để thẩm thấu, thất thoát; tận dụng tốt những nguồn nước hồi quy, thực hiện tưới luân phiên “4 có, 4 không”, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước dài ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của cây lúa. Các xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Gio - Cam - Hà và Vĩnh Linh quản lý 9 công trình thuỷ lợi, chủ yếu là hồ chứa và một số trạm bơm, đập ngăn mặn nên thường hay xảy ra thiếu nước, nhất là nguồn nước cho vụ hè - thu. Tuy vậy, các xí nghiệp đã chuẩn bị phương án điều tiết tưới tiêu cụ thể ngay từ đầu vụ như tưới luân phiên, tưới ẩm,... nên hạn chế tình trạng thiếu nước dài ngày, góp phần giúp địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Từ khi người nông dân được miễn giảm thủy lợi phí, hàng năm, Công ty được Nhà nước cấp bù nguồn vốn khoảng 2 - 3 tỷ để đồng đầu tư vào việc tu bổ, sửa chữa sự xuống cấp của các công trình. Tuy nhiên do giá cả leo thang, Công ty thường xuyên cố gắng trong tiết kiệm chi tiêu và điều tiết nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp nhằm khai thác các công trình hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. HỒ CẦU