Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng (*)
(QT) - Hội thảo khoa học “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” được UBND tỉnh Quảng Trị và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức vừa qua đã tập trung vào đời chúa khởi nghiệp, chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) và vùng đất dấy nghiệp Quảng Trị. Tuy giới hạn về thời gian và không gian như vậy, nhưng biết bao vấn đề khoa học đặt ra cần có sự lý giải một cách khoa học, có độ tin cậy và sức thuyết phục cao. Ngoài các vấn đề về gia thế, quê hương của chúa Nguyễn Hoàng, một vấn đề quan trọng là mối quan hệ giữa hai dòng họ thông gia Nguyễn và Trịnh sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc lại chuyển hóa thành quan hệ tranh giành quyền lực cùng diễn biến và hình thái của quan hệ đó.
 |
Một góc thị trấn Ái Tử -Ảnh: ĐÌNH CẢNH |
Từ năm 1558 và năm 1570 cho đến năm 1600, Nguyễn Hoàng hết sức khôn khéo tồn tại như một chính quyền địa phương của nhà nước Lê – Trịnh, làm tròn nghĩa vụ nộp thuế và cùng liên minh với Trịnh trong cuộc đấu tranh chống Mạc. Nhưng trong thời gian làm trấn thủ Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng cũng ra sức gây dựng lực lượng, chuẩn bị đối phó với mọi mưu đồ của chúa Trịnh. Từ năm 1600, sau khi đem binh thuyền trở về Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng vẫn giữ quan hệ mềm mỏng, kết thân thêm bằng quan hệ hôn nhân, gả con gái Ngọc Tú cho con trai của chúa Trịnh Tùng là Trịnh Tráng. Nhưng từ đây, Nguyễn Hoàng đã bắt tay tổ chức lại bộ máy chính quyền, phân chia lại một số đơn vị hành chính và ra sức phát triển kinh tế- xã hội, mở rộng quan hệ mậu dịch quốc tế, phát triển đô thị, xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh. Năm 1611, chúa Tiên chiếm đất Phú Yên khởi đầu công cuộc mở cõi về phương nam. Cho đến khi từ trần năm 1613, vùng đất Thuận Hóa – Quảng Nam – Phú Yên đã trở thành một vùng đất trù phú, đặt nền tảng vững chắc để các chúa Nguyễn kế tục thực hiện thành công lời căn dặn: “ Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang và sông Gianh hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ gây dựng cơ nghiệp muôn đời” (Đại Nam thực lục tiền biên, Q.1). Trong 56 năm từ năm 1558 đến năm 1613, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã thực sự tạo dựng một cơ ngơi khá toàn diện để các chúa Nguyễn kế tục hoàn thành việc đánh bại các cuộc tiến công của quân Trịnh, bảo vệ thành công vùng đất dấy nghiệp và từ đó, tiếp tục mở rộng bờ cõi về phương nam. Đến năm 1757 thì toàn bộ vùng đất Nam Bộ đã nằm gọn trong lãnh thổ Đàng Trong. Các chúa Nguyễn đã mở rộng vùng đất từ Phú Yên đến Nam Bộ, nếu tính theo địa giới các tỉnh hiện nay chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền của cả nước. Lãnh thổ đó bao gồm cả đất liền, các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Công lao mở cõi của các chúa Nguyễn là điều khẳng định và trong quá trình đó, cơ sở, định hướng mà chúa Nguyễn Hoàng xác lập có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng yếu. Vùng đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng bao gồm cả Thuận Hóa và Quảng Nam từ Quảng Bình đến bắc Phú Yên, nhưng căn cứ đều xây dựng trên đất Quảng Trị. Trấn dinh đầu tiên đặt ở Ái Tử, năm 1570 dời sang Trà Bát rồi năm 1600 lại dời về đông Ái Tử, tức Dinh Cát. Hội thảo của chúng ta sẽ làm sáng tỏ trong mưu tính đại sự của chúa Tiên, tại sao chọn vùng đất Quảng Trị đặt trị sở của chính quyền lúc dựng nghiệp. Ở đây có vấn đề vị trí, địa hình, điều kiện giao thông thủy bộ, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và cả mối đề phòng với Trịnh và Mạc. Một mong muốn chính đáng của lãnh đạo và nhân dân Quảng Trị là hội thảo của chúng ta cần làm sáng tỏ vị thế và đóng góp của Quảng Trị trong sự nghiệp kinh dinh, đặt cơ sở cho công cuộc mở cõi của chúa Tiên. Qua dòng chảy của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh trên mảnh đất nóng bỏng này, các di tích thời chúa Tiên bị hủy hoại nhiều và một vấn đề lớn được đặt ra là chúng ta nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị như thế nào. Trước hội thảo về chúa Nguyễn và triều Nguyễn tại Thanh Hóa, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra một gợi ý là chọn một vị trí trung tâm nào đó trên đất Nam Bộ dựng một tượng đài hoành tráng của chúa Tiên Nguyễn Hoàng để bày tỏ tấm lòng tri ân của hậu thế đối với sự nghiệp của ông. Trên đất Quảng Trị, nơi gắn bó với công cuộc khởi nghiệp và dựng nghiệp của chúa Tiên, ngoài các di tích cần bảo tồn và tôn tạo, chúng ta cũng nên nghĩ đến một ngôi đền, một công trình tạo hình và một lễ hội nào đó để ghi nhận và tôn vinh công lao của chúa Tiên. Đây là việc làm rất cần thiết và có nhiều ý nghĩa không chỉ đối với cán bộ, nhân dân Quảng Trị mà cho cả nước. GS PHAN HUY LÊ ...................... *Trích phát biểu phiên khai mạc Hội thảo khoa học “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng”.