Chuyện về một gia đình hiếu học
(QT) - Đến thôn Lan Đình, xã Gio Phong, huyện Gio Linh (Quảng Trị) hỏi thăm nhà vợ chồng ông Nguyễn Diệp Hào và bà Nguyễn Thị Liên thì người dân ở đây đều biết và dành nhiều lời khen ngợi bởi gia đình ông bà là tấm gương sáng về vượt khó nuôi con học hành thành tài. Trên chặng đường đi từ trung tâm UBND xã Gio Phong đến thôn Lan Đình, anh Trần Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Gio Phong luôn hết lời khen ngợi về gia đình ông Hào, bà Liên: “Dẫu các con của ông Hào chưa có học hàm, học vị cao nhưng cách mà vợ chồng ông bà vượt khó để nuôi con ăn học khiến nhiều người phải thán phục. Có lẽ chính vì thế mà mọi người trong thôn, xã ai cũng noi gương ông bà vượt khó nuôi con ăn học thành tài”.
 |
Ông Hào, bà Liên luôn tự hào về thành tích học tập của các con |
Khi chúng tôi đến thăm nhà, ông Hào và bà Liên vẫn đang tất bật làm vườn sau những ngày nghỉ tết. Mặc dù khá bận rộn với công việc nhưng khi chúng tôi nhắc đến chuyện học hành của các con thì ông bà không giấu được niềm tự hào: “Vợ chồng tôi tuy nghèo nhưng vẫn luôn tạo mọi điều kiện cho các con được học hành. Chúng tôi đã từng làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi con ăn học, thậm chí có lúc túng thiếu vay mượn khắp nơi để đóng tiền học phí, hỗ trợ tiền ăn hàng tháng cho con. Đến bây giờ, vợ chồng tôi vẫn không thể quên được những tháng ngày vất vả, gian nan đó nhưng mỗi khi nghĩ lại luôn cảm thấy vui bởi sự nỗ lực cố gắng vượt khó của mình đã giúp các con vững vàng lập nghiệp”. Năm 1980, ông Hào lập gia đình cùng bà Liên rồi ra ở riêng trong căn nhà tạm bợ được dựng lên chỉ bằng tranh và tre nứa. Khi 5 đứa con lần lượt chào đời trong niềm hạnh phúc cũng là lúc gánh nặng mưu sinh càng chồng chất lên vai vợ chồng ông. “Ngày vừa ra ở riêng vợ chồng tôi chỉ có vài thửa ruộng sâu nên dù quần quật làm lụng mà vẫn không đủ ăn. Nhiều lúc dự tính làm thêm mô hình kinh tế nhưng vốn liếng chẳng có nên đành chịu và cứ thế cái nghèo vẫn đeo bám mãi”, ông Hào kể lại. Ngày đó, cũng vì quá nghèo nên cô con gái đầu lòng sau khi học xong phổ thông quyết định đi học nghề chứ không thi vào các trường đại học, cao đẳng để sớm có việc làm, phụ giúp ba mẹ nuôi các em ăn học. Cô con gái thứ ba, vốn là học sinh giỏi văn cấp tỉnh cũng muốn gác lại ước mơ làm cô giáo để dự định vào miền Nam làm công nhân. “Biết được dự định đó của con, chúng tôi quyết ngăn cản và một mực hướng con vào giảng đường đại học, năm đó cháu thi đỗ đại học sư phạm”, bà Liên nhớ lại. Với quyết tâm không để các con vì nghèo phải bỏ học giữa chừng, ông bà Hào mạnh dạn vay tiền đấu thầu thêm 1,5 mẫu ruộng, 1 ha đất vườn trồng hoa màu. Từ khi có ruộng lúa, đất hoa màu, đàn lợn, vợ chồng ông làm việc cật lực hơn để lo cho các con. Kinh tế gia đình từ đó được cải thiện rõ nét. Ông bà Hào tự hứa với mình không bao giờ để các con thất học. Được bố mẹ hết lòng nuôi nấng, tạo điều kiện học hành nên 4 người con còn lại đã lần lượt bước chân vào các trường đại học, trung cấp. Người con thứ hai Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1982) thi đỗ vào Trường Trung cấp Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh; cô con gái thứ ba Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1985) đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Huế; người con thứ tư Nguyễn Thị Phương Linh (sinh năm 1994) thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học Huế và cậu con trai út Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1996) học ngành đồ họa, quảng cáo tại Trường Trung cấp nghề Đà Nẵng. Khó khăn dần trôi qua, các con lần lượt tốt nghiệp và xin được việc làm với thu nhập khá cao khiến ông Hào, bà Liên vui mừng lắm. “Hiện nay, ngoại trừ cháu Phương Linh cùng cậu con trai út đang học năm cuối, còn lại các con tôi đều đã ra trường, lập gia đình và có công việc ổn định. Khi có công việc ổn định với thu nhập khá cao, các anh, chị lại phụ giúp cùng cha mẹ để nuôi các em ăn học. Bây giờ gánh nặng giảm đi rất nhiều, gia đình tôi đã tự chủ được chi phí học hành cho các cháu rồi”, bà Liên vui vẻ cho biết. Ngắm nhìn những tờ giấy khen treo quanh nhà, mắt ông Hào, bà Liên như sáng lên, tâm hồn tươi vui. Có lẽ suốt bao nhiêu năm qua, những tờ giấy khen đó là nguồn động viên tinh thần giúp ông, bà vượt qua mọi gian khó nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn. Chia tay chúng tôi, ông Hào tiết lộ: “Hiện nay, gia đình tôi mới đầu tư thêm chuồng trại để nuôi lợn thịt và cải tạo 1 ha đất vườn dành trồng tiêu nhằm tăng thêm thu nhập. Trong vài năm tới khi số tiêu trồng mới trong vườn bắt đầu cho thu nhập và lợn tiếp tục tăng đàn thì ước nguyện cho các con đi học cao hơn sẽ dễ dàng thực hiện”. Với gia đình ông Hào, bà Liên dường như khát vọng vượt khó nuôi con ăn học thành tài vẫn còn mãi không thôi. Ông, bà luôn mong muốn các con nêu cao tinh thần, truyền thống hiếu học của gia đình và hiện thực giấc mơ về khát vọng chinh phục con chữ mà thế hệ ông, bà chưa làm được. Bài, ảnh: PHÚ HẢI