Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số Giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022. Theo đó, Quảng Trị là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2022 thấp nhất cả nước, chỉ bằng 86,83% so với Hà Nội.
Số lượng người dân Quảng Trị mua sắm tại các siêu thị ngày càng tăng cao - Ảnh: ML
Giá bình quân các nhóm hàng của Quảng Trị so với Hà Nội dao động từ 75,77% - 115,34%. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, Quảng Trị có lợi thế về vị trí, tiềm năng về nguồn tài nguyên biển lớn; có 2 cửa khẩu quốc tế thuận lợi lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Quảng Trị giữ được đà tăng trưởng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm trong tỉnh và vùng.
Giá lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, mũ nón, giày dép, thiết bị, đồ dùng gia đình cũng như các dịch vụ giáo dục và y tế thấp, chi phí du lịch rẻ là các yếu tố làm cho mức độ đắt đỏ ở Quảng Trị thấp nhất cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số SCOLI năm 2022 được biên soạn cho 6 vùng KT-XH, trong đó so sánh giá của 5 vùng với vùng đồng bằng sông Hồng và biên soạn cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó so sánh giá của 62 địa phương với Hà Nội.
Kết quả cho thấy, vùng đồng bằng sông Hồng có chỉ số SCOLI cao nhất, vùng đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số SCOLI thấp nhất. 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm 2022 là Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Quảng Trị, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Nam Định.
Được biết, SCOLI là chỉ số thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữa các vùng KT- XH trong một thời gian nhất định (thường là một năm) được tính tương đối bằng %.
Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển KT-XH, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương. Đồng thời, chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo sức mua tương đương.
Các doanh nghiệp có thể sử dụng chỉ số SCOLI để đánh giá tính cạnh tranh liên quan đến giá, thị phần, chi phí sản phẩm; các cá nhân có thể sử dụng chỉ số SCOLI để thương lượng về mức tiền công và xem xét khả năng di cư giữa các địa phương.
Mai Lâm