Địa chỉ cần giúp đỡ: Pả Chịu đông con nghèo của
(QT) - Vào thăm ngôi nhà sàn của Pả Chịu (tức Hồ Văn Bôi) ở thôn Troan Ô, xã Xy (Hướng Hóa, Quảng Trị), cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là gió lộng tứ phía. Vào những ngày mưa, gió thì bếp lửa có thêm nhiều củi, đỏ lửa đến mấy cũng không ngăn bớt cái lạnh, cái rét, nhất là ban đêm. Việc ăn no, mặc ấm là điều xa xỉ xưa nay với những thành viên trong gia đình này. Đang loay hoay tìm chủ nhà thì chúng tôi bắt gặp dưới chân nhà sàn bốn cháu nhỏ chừng tuổi từ 2-6, đang nghịch đất, trên người không cháu nào có lấy được một mảnh vải che thân. Thấy người lạ, chúng ngẩng khuôn mặt lem luốc nhìn với vẻ sợ sệt và chạy nhanh về phía góc chân nhà sàn nép mình rồi thập thò quan sát chúng tôi. Nghe bảo có khách đến nhà, Pả Chịu đang phát dở cây cỏ ngoài rẫy vội vã chạy về.
 |
Pả Chịu và đứa con bị tàn tật. |
Thấy chúng tôi tò mò nhìn lũ trẻ, Pả Chịu liền giải thích: “Trong bốn đứa thì hai đứa là con chung của mình với vợ, hai đứa là cháu của vợ”. Rồi, để làm rõ sự thắc mắc của chúng tôi, ông cho biết thêm, cách đây gần chục năm trước, vì thương cảm hoàn cảnh bà Hồ Thị Bười ở xã bên, chồng mất phải nuôi đến 7 đứa con (trong đó có cháu Hồ Văn Thái bị tàn tật nặng, suốt ngày chỉ nằm trên sàn nhà, khuôn mặt ngờ nghệch, não chậm phát triển, từ trước đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ nào của nhà nước hay các tấm lòng hảo tâm), ông quyết định đưa bà và những con riêng của bà về ở chung nhà. Ít năm sau, Pả Chịu và bà Bười có chung với nhau 3 người con, trong đó có 2 người đang tuổi học mẫu giáo. Rồi người con cả của bà Bười lấy vợ, sinh con cũng ở trong nhà với ông bà, Pả Chịu và vợ phải gồng gánh nuôi thêm 2 đứa cháu, hết thảy cả con và cháu là 12 đứa. Con đông, nuôi ăn hàng ngày đã khó thì tiền của lấy đâu ra cho chúng đến trường đầy đủ, vì vậy, phần lớn con của ông bà đều thất học. Nhiều lúc thương các con lắm nhưng gắng sức để làm mấy Pả Chịu cũng đành... bó tay. Là thương binh 4/4, tiền trợ cấp của Pả Chịu mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, chia bình quân trên đầu người thì gia đình ông được xếp vào diện nghèo đói trong xã. Dẫu biết trồng lúa rẫy cho năng suất thấp nhưng vợ chồng ông cũng không còn cách nào khác bởi khu vực gia đình ông không có điều kiện trồng lúa nước. Pả Chịu cũng đã học hỏi, khai hoang trồng 1 ha sắn nhưng năm vừa rồi số diện tích sắn do hạn hán bị chết hết. Quá khó khăn, nhiều lần ông ra xã xin được cấp chứng nhận hộ nghèo để các con được hưởng các chế độ ưu đãi nhưng chờ mãi vẫn chưa được xét. Pả Chịu nói: “Con riêng của vợ cũng là con mình, mình lo cho chúng như nhau. Phần lớn các con còn nhỏ nên thường đau ốm, nằm viện không có sổ hộ nghèo thì phải bỏ tiền mua thuốc, mà mình thì làm gì có tiền”. Nghe chuyện Pả Chịu nuôi một đàn con, cháu nheo nhóc, nhiều người trong xã cảm thông thường xót thay: “Tội nghiệp, nuôi con mình thì ít, nuôi con người thì nhiều, quần quật sớm tối vẫn thiếu ăn, nhà cửa thì rách nát, biết bao giờ Pả Chịu mới thoát được nghèo đây!”. Cuộc sống của đồng bào nơi đây phần lớn chỉ mới đủ ăn, họ có thể chia sẻ với Pả Chịu miếng cơm, manh áo một vài ngày chứ không thể giúp ông thoát khỏi cái nghèo. Bởi vậy, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng từ sáng đến tối Pả Chịu vẫn phải quăng quật ngoài nương rẫy với chỉ một ước mơ giản dị là các con, các cháu được no cái bụng, còn việc lo cho chúng đi học và có được một ngôi nhà kiên cố, kín mưa, kín gió hơn là một ước mơ quá xa vời đối với gia đình ông. Bài, ảnh: NGỌC TRANG