Qua Viêng Chăn ăn phở Hải Lăng
(QT) - ...Thoạt đầu, quán phở này là do bố mẹ chị Phạm Thị Ngọc Quý mở ra để mưu sinh ở Viêng Chăn và cũng là nơi những người Việt xa xứ đến với nhau tìm chút hương vị ẩm thực của quê nhà. Nối tiếp nghề gia truyền của bố mẹ, vợ chồng chị Quý tiếp tục duy trì quán phở mang thương hiệu Pho zap...! (Phở Ngon) ở địa chỉ khu phố Xảylôm, quận Chantabuly, thủ đô Viêng Chăn này từ năm 1958, nhưng trở nên nổi tiếng thì khoảng 7- 8 năm trở lại đây... Chúng tôi đến Viêng Chăn, thủ đô của nước bạn Lào khá muộn. Khi thả bộ ra sông Mê Công uống bia Lào, ăn cá nướng, đã thấy nước sông đen thẫm lại. Nhìn sang bên đất Thái, đèn không còn chấp chới như những dải ngân hà nữa. Nhiều hàng quán đã đóng cửa, yên giấc từ lâu. Buổi sáng đầu tiên ở Viêng Chăn, Hà- hướng dẫn viên của Công ty cổ phần lữ hành Sêpôn hỏi các thành viên trong đoàn khi chuẩn bị sang Thái qua ngả Nọng Khai: -Hôm qua đến giờ, “nhà mình” ngủ có ngon, ăn có “trúng” không ạ? -Ngủ thì ngon, còn ăn chỉ...no thôi, chứ chưa “trúng”- Mọi người lao xao.
 |
Chị Quý tự tay chế biến phở cho khách |
Ngủ ngon vì di chuyển trên một dặm đường rất dài, người mệt mỏi, ngả lưng xuống, thiếp đi là đương nhiên rồi. Còn ăn, qua đến ngã ba Sênô, trên Quốc lộ 13, tuyến đường huyết mạch xuyên nước Lào, mọi người rất háo hức với món xôi gà nướng đặc trưng của bạn. Về đến Viêng Chăn, Hà biết ý mọi người, chọn thực đơn chính là cá nướng, nhưng... xôi gà nướng lại là món chủ lực. Món ăn của bạn thường được nướng giòn, chua cay, ăn đậm miệng đến no thì thôi, chứ không hợp khẩu vị của người Quảng Trị. Vậy nên, mọi người lao xao, no thì có no, chứ chưa...“trúng” là vì thế. Hà hỏi tôi: “Anh qua Viêng Chăn nhiều, đến “Phở Ngon” chưa?”. Khi biết tôi chỉ mới nghe tên, chứ chưa từng đến, Hà cười bảo rằng: “Như vậy xem như anh chưa từng đến Viêng Chăn rồi. Đó là một nơi mà người Việt mình không thể bỏ qua khi đến Viêng Chăn. Phở Ngon nổi tiếng ở thủ đô nước bạn nên ai cũng mong có một lần được thưởng thức, cũng như đến Hà Nội thì thử ăn bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng...một lần cho biết, đến Hải Lăng thì ăn cháo bột vạt giường... vậy đó”. Hà đưa mọi người đi Phở Ngon từ sáng sớm. Trấn an sự ngạc nhiên của tôi là người Lào thường dậy muộn, Hà bảo luôn tiện ngắm phố phường Viêng Chăn khi mờ sương, sẽ thấy được nét đặc trưng rất đáng yêu của đất nước, con người Triệu Voi, luôn khoáng đạt, bình lặng, tất cả sự sôi nổi, nồng ấm, nghĩa tình luôn được ẩn giấu sau cái chiều sâu hồn hậu, mộc mạc, thân gần. Xe đưa chúng tôi đi trên phố như trôi giữa màu xanh của các vòm cây trong trẻo, hương hoa đại cánh trắng nhị vàng miên man trong từng cơn gió từ sông Mê Công thổi tới. Thi thoảng có những chiếc xe qua, ô tô có, xe máy có, chậm rãi, thư nhàn, không một tiếng chụp giật, chèo kéo, không một tiếng còi xe. Bên hè phố, những em gái mang sắc phục công sở che ô đến chỗ làm, gương mặt thuần hậu sáng lên trong buổi ban mai yên hòa.
 |
Phở Ngon luôn thu hút thực khách |
Bước chân vào Phở Ngon, chúng tôi có cảm giác như về lại nhà mình bởi mùi hương từ phở ấm sực, quen thuộc quá đỗi. Trong một khuôn viên rộng chừng 1.200 m 2 , ngoài ngôi nhà hai tầng bề thế, kiến trúc hiện đại, mang dáng dấp nhà vườn Việt Nam, với lối vào sân gạch, hòn non bộ và quần thể cây cảnh được chăm chút chu đáo, chủ nhân đã dành một phần lớn diện tích, kết cấu bằng vật liệu nhẹ, thoáng mát để kinh doanh phở và giải khát. -Mấy anh qua khi mô? Chị Phạm Thị Ngọc Quý, chủ nhà hàng đon đả chào chúng tôi bằng chất giọng Hà Nội pha lẫn tiếng địa phương Quảng Trị. Vẫn biết ở đất nước Lào nói chung, Viêng Chăn nói riêng, bà con Việt kiều, người Việt làm ăn buôn bán, thành đạt không hiếm; Việt và Lào cũng gần gũi nhau, núi sông liền dải, nhưng khi nghe tiếng Quảng Trị nơi đất khách quê người, tự dưng chúng tôi thấy rất ấm lòng. -Mấy anh đến từ đâu, Quảng Trị à, có ai quê ở Hải Lăng không, em người gốc Hải Dương, Hải Lăng đây- Chị Quý hồ hởi.
 |
Phóng viên Báo Quảng Trị (bên phải) và chị Quý, chủ tiệm Phở Ngon ở Viêng Chăn |
Chúng tôi tay bắt mặt mừng ngồi lại bên nhau, chuyện trò tíu tít. Chị Quý xúc động: “Bố mẹ em qua đây từ lâu lắm rồi các anh à, khi các cụ mới 12, 13 tuổi đầu. Bố em gốc người Diên Khánh, Hải Dương, Hải Lăng, mẹ em người Mỹ Tho, hai cụ phiêu bạt từ các nơi ở Campuchia, qua Xiêng Khoảng sau đó mới chọn Viêng Chăn làm nơi an cư, lạc nghiệp. Thoạt đầu, quán phở này là do bố mẹ mở ra để mưu sinh và cũng là nơi những người Việt xa xứ đến với nhau tìm chút hương vị ẩm thực của quê nhà. Nối tiếp nghề gia truyền của bố mẹ, vợ chồng em tiếp tục duy trì quán phở mang thương hiệu Pho zap...! (Phở Ngon) ở địa chỉ khu phố Xảylôm, quận Chantabuly, thủ đô Viêng Chăn này đã qua ngần ấy thời gian, nhưng trở nên nổi tiếng thì tầm khoảng 7- 8 năm trở lại đây...”. Vừa chuyện trò với những người đồng hương, chị Quý vừa thúc giục nhân viên nhanh tay làm phở mời khách. Với những tô dành riêng cho những vị khách đến từ quê nhà, tự tay chị Quý nêm nếm, chăm chút từng sợi bánh phở, từng chút nước dùng, thêm nhiều hạt tiêu, ớt tươi giã nhỏ thật cay, chần thật kỹ những lát thịt tươi nguyên sao cho vừa chín tới, để khách ngon miệng. Phở chị Quý nấu có mùi hương thật đặc biệt. Hương quế, hương hồi quyện với mùi hành tươi vừa chạm vào chút nóng sốt của nước dùng, phảng phất hương vị xứ Bắc nhưng đậm đà, nồng cay đúng khẩu vị của người Quảng Trị. Chị Quý cho biết, nếu thực khách là người miền Bắc (Việt Nam), chị dọn thêm quẩy, giá đỗ chần qua nước sôi, rau húng, rau ngổ, tía tô... trộn lẫn với chút gừng thái chỉ. Người miền Nam ăn ngọt hơn, gia giảm thêm bằng xì dầu và nước tương, các loại rau ăn kèm không đòi hỏi cầu kỳ. Người miền Trung thích nước dùng phải đậm đà, có thêm chén nước mắm ớt tươi thái nhỏ, vài lát chanh tươi, tỏi múi ngâm dấm cùng rau sống và giá đỗ. Người Lào thì có thêm cà ngâm chua ngọt trong hũ để sẵn ăn kèm. Chị Quý nói: “Cũng vất vả lắm các anh à. Để mở hàng buổi sáng, cả nhà phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Mối cung cấp thịt bò ở gần đây thôi, mổ xong 4 giờ 30 sáng người ta mang đến ngay, chỉ riêng quán này mỗi ngày tiêu thụ 70 cân thịt bò. Tính cả 3 cơ sở thì ngót nghét 200 cân. Rồi công đoạn ngâm xương, ninh liu riu trên bếp từ 6-8 giờ để nước xương được ngọt. Bánh phở do một cơ sở tin cậy cung cấp cho quán từ ngày khởi nghiệp đến giờ. Toàn bộ nguồn rau được cung ứng từ một trang trại trồng rau sạch ở ngoại ô Viêng Chăn, được người nhà kiểm tra, lựa chọn kỹ càng. Trung bình mỗi ngày, quán bán ra vài trăm tô, lúc cao điểm có khi lên tới 1.000 tô, mỗi tô có giá 55.000 đồng Việt Nam. Tính cả 3 cơ sở, số người làm công là 70, chủ yếu là người Lào. Họ được nuôi ăn, tạo thu nhập ổn định nên gắn bó với gia đình như trong một nhà. Cũng nhờ có thu nhập từ bán phở mà vợ chồng em nuôi được hai con đi học nước ngoài trở về Lào làm việc trong cơ quan nhà nước và có tiền để lâu lâu vài ba lượt về Hải Dương, Hải Lăng thăm quê...” Chị Quý quay sang tôi, tranh thủ... tiếp thị: -Em ăn chút nữa đi, phở tái, phở chín, phở xào, phở sốt vang, phở chua ngọt…chị làm được tất. Không chỉ làm được mà hơi bị ngon nữa. Cả Viêng Chăn này công nhận mà! -Em muốn chị làm cho em tô phở đúng chất...Hải Lăng, được không? -Được mà, được mà! Tô phở bưng ra nóng hổi, bánh phở mịn màng cuộn trong miếng thịt thái mỏng thật tinh tế, hương vị thân thuộc như tấm bánh ướt, thịt heo làng Phương Lang, Hải Ba trứ danh. Bạn đồng hành của tôi, một người đến từ xã Hải An tất tả rưới chút nước mắm Mỹ Thủy mang theo lên tô phở bắt đầu quyện mùi ớt dầm Câu Nhi đậm đà. Tôi hỏi chị Quý: -Đây có thể gọi là tô phở Hải Lăng được không chị? -Được mà, được mà! Chị Quý cười, nụ cười giòn trong một buổi sáng Viêng Chăn yên bình. Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH