Tập trung dập dịch lợn tai xanh trong thời gian sớm nhất
Đồng chí Võ Văn Quang, Phó ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tai xanh ở lợn huyện Hải Lăng trả lời phỏng vấn * Phóng viên( PV): Vừa qua huyện Hải Lăng xảy ra dịch lợn tai xanh và cho đến nay đã lây lan đến 19 xã trên địa bàn huyện và một số xã của huyện Triệu Phong, đồng chí cho biết tình hình diễn biến của dịch bệnh và việc triển khai công tác phòng chống của huyện như thế nào ? * Đồng chí Võ Văn Quang (Đ/c V.V.Q): Theo thông báo kết quả kiểm tra của Trạm thú y huyện, trước ngày 7/7 ở các xã Hải ...

Tập trung dập dịch lợn tai xanh trong thời gian sớm nhất

Đồng chí Võ Văn Quang, Phó ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tai xanh ở lợn huyện Hải Lăng trả lời phỏng vấn * Phóng viên( PV): Vừa qua huyện Hải Lăng xảy ra dịch lợn tai xanh và cho đến nay đã lây lan đến 19 xã trên địa bàn huyện và một số xã của huyện Triệu Phong, đồng chí cho biết tình hình diễn biến của dịch bệnh và việc triển khai công tác phòng chống của huyện như thế nào ? * Đồng chí Võ Văn Quang (Đ/c V.V.Q): Theo thông báo kết quả kiểm tra của Trạm thú y huyện, trước ngày 7/7 ở các xã Hải Dương, Hải Quế, Hải Thành, Hải Thiện, Hải Thọ, trên lợn đã mắc phải các bệnh thông thường như tụ huyết trùng ghép phó thương hàn, tụ huyết trụ ghép dịch tả...Đến ngày 10/7/2008, Chi cục Thú y cử cán bộ chuyên môn kiểm tra tại các vùng có lợn bệnh và đã có nhận xét tương tự. Ngày 11/7, Chi cục Thú y tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tại cơ quan Thú y vùng III. Chiều ngày 12/7 có kết quả dương tính và cuối ngày 15/7 đã có 19/20 xã, thị trấn có dịch bệnh xảy ra (trừ xã Hải Phú). Tổng số lợn bị mắc bệnh là 4.113 con, trong đó đã tiêu huỷ 738 con. Hiện nay dịch bệnh lây lan rất nhanh nên ngành Thú y và địa phương chưa kiểm soát và khống chế được dịch. Ngay trong đêm 12/7 UBND huyện đã công bố dịch cho các xã, đồng thời triển khai các biện pháp dập dịch theo quy định của thú y. Kịp thời cấp kinh phí mua 150 tấn vôi bột cho các xã thực hiện công tác tiêu huỷ, tiêu độc, khử trùng. Lập các trạm kiểm dịch chốt chặn nhiều ngã đường ra vào vùng có dịch. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết chính sách của Chính phủ về chế độ đối với người có lợn bị bệnh dịch phải tiêu huỷ để người dân không đưa lợn bệnh đi bán. Quán triệt thành viên BCĐ phải trực tiếp về các vùng có dịch để chỉ đạo công tác phòng chống dịch... * P.V: Trong quá trình thực hiện công tác phòng chống gặp những khó khăn gì và biện pháp khắc phục như thế nào ?

Người dân mang lợn bệnh ra tiêu hủy -Ảnh: M.T

* Đ/c V.V.Q: Dịch đã xảy ra trên diện rộng, thông tin từ cơ sở báo lên rất chậm nên quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, vật tư và nguồn tài chính phục vụ cho công tác phòng chống dịch ban đầu còn nhiều thiếu thốn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng dẫn đến nhận thức của người dân về dịch lợn tai xanh chưa được đầy đủ và tư thương lợi dụng mua lợn bệnh với giá thấp mang đi tiêu thụ tràn lan... Trước tình hình đó, chúng tôi tham mưu lên cấp trên huy động tập trung mọi nhân lực, vật lực vào cuộc để vận động người dân có lợn bệnh tự giác tiêu huỷ triệt để. Các xã có lợn bị dịch với số lượng ít tổ chức tiêu huỷ ngay trong ngày 16/7/2008. Các xã còn lại phải tiêu huỷ xong trước 16 giờ ngày 18/7/2008. Tổ chức chốt chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về Pháp lệnh thú y, đồng thời tăng cường lực lượng và phương tiện cho cơ sở nhằm dập dịch trong thời gian sớm nhất. * P.V: Qua đợt dịch này, Ban chỉ đạo phòng chống dịch lợn tai xanh huyện Hải Lăng cần rút ra bài học kinh nghiệm gì, thưa đồng chí? * Đ/c V.V.Q: Chúng tôi đã rút được bài học đó là cần nâng cao nhận biết về dịch lợn tai xanh rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là lực lượng cán bộ thú y. Đối với lực lượng thú ý chân rết tại địa phương phải nêu cao ý thức tự giác, trung thực, không giấu dịch... Minh Tuấn - Văn Tú (thực hiện)