(QT) - Từ ngày 1-29/8/2018, Ban quản lý (BQL) Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2 tổ chức tuyên truyền về biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm phát thải thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), chương trình giảm phát thải, quản lý bảo vệ rừng và phát riển rừng tại 16 xã ưu tiên thực hiện REDD+ trên địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa. Với nội dung tuyên truyền sinh động, phong phú, đa dạng đã giúp cho người dân hiểu rõ về REDD+ và những lợi ích thiết thực khi thực hiện REDD+, có ý thức để hạn chế và thích ứng với BĐKH.
![]() |
Tuyên truyền biến đổi khí hậu, REDD+, chương trình giảm phát thải, quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại huyện Đakrông |
Tuyên truyền về BĐKH, REDD+, chương trình giảm phát thải, quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng là một trong những hợp phần quan trọng của Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2”, với những nội dung tuyên truyền như: BĐKH đang diễn ra trên toàn cầu và tại Việt Nam, có liên hệ với địa phương, nguyên nhân, hậu quả của BĐKH; tác động của BĐKH tới KT-XH, sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân; giới thiệu về REDD+, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các- bon từ rừng, quản lý rừng bền vững; giới thiệu về Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2 (FCPF-2) và các hoạt động của dự án tại tỉnh Quảng Trị; giới thiệu chương trình giảm phát vùng Bắc Trung bộ; chính sách của nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng, cơ chế hưởng lợi của người dân khi tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời giải đáp các nội dung mà người dân quan tâm.
Ngày 30/7/2018, BQL Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2 tổ chức cuộc họp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, cán bộ kiểm lâm địa bàn của 16 xã ưu tiên thực hiện REDD+, Khu bảo tồn thiên nhiên và Ban quản lý rừng phòng hộ. Anh Đặng Sỹ Đức, cán bộ truyền thông BQL Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2 cho biết, cuộc họp nhằm thảo luận và thống nhất nội dung tuyên truyền về BĐKH, REDD+, chương trình giảm phát thải, quản lý bảo vệ rừng cho cán bộ xã, thôn và người dân của 16 xã ưu tiên thực hiện REDD+, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền tại 16 xã trên cơ sở sự phối hợp giữa dự án FCPF2 và các kiểm lâm địa bàn. Thời gian tuyên truyền bắt đầu từ đầu tháng 8/ 2018. Các xã nằm trong kế hoạch tuyên truyền lần này gồm 10 xã của huyện Đakrông: A Bung, A Ngo, A Vao, Ba Nang, Đakrông, Hải Phúc, Hướng Hiệp, Mò Ó, Tà Rụt, Triệu Nguyên và 6 xã của huyện Hướng Hóa: A Dơi, Ba Tầng, Húc, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Tân. Cuộc họp đã thống nhất về nội dung và tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới người dân về BĐKH, REDD+, chương trình giảm phát thải để người dân hiểu và tích cực tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần hạn chế thiên tai, ổn định và phát triển đời sống.
Từ ngày 1-29/8/2018, BQL Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2 thực hiện 16 cuộc tuyên truyền về BĐKH, REDD+, chương trình giảm phát thải, quản lý và bảo vệ rừng tại 16 xã ưu tiên thực hiện REDD+; hơn 436 người dân tham dự là cán bộ xã, thôn, kiểm lâm địa bàn, chủ rừng và người dân, trong đó 321 người là người Vân Kiều, Pa Kô. Tại các đợt tuyên truyền, người dân được được cung cấp tài liệu tuyên truyền, bản tin, poster tuyên truyền về nguyên nhân và hậu quả của BĐKH, chung tay bảo vệ và phát triển rừng...; đồng thời được cán bộ dự án trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích về REDD+ và những lợi ích thiết thực khi thực hiện REDD+, cách thức triển khai trong thời gian tới của dự án giai đoạn 2; các văn bản pháp luật mới nhất của nhà nước về thực hiện bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguyên nhân gây ra phát thải khí nhà kính, nguyên nhân dẫn đến BĐKH và ảnh hưởng của BĐKH đến con người, cây trồng, vật nuôi…
Ông Hồ Văn Ta Lưng, thôn Khe Lặn (Mò Ó, Đakrông) cho biết: “Tôi thấy rất hữu ích khi được cung cấp nhiều kiến thức quan trọng về BĐKH, REDD+, chương trình giảm phát thải, quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng. Tôi sẽ ứng dụng những kiến thức này vào cuộc sống, đặc biệt là việc bảo vệ và phát triển gần 2 ha rừng trồng của gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, cũng như nói cho người dân trong thôn hiểu rõ vai trò, lợi ích từ rừng để chung tay bảo vệ rừng, phát triển cuộc sống bền vững”. Tín hiệu tích cực từ các đợt truyền thông chính là đa số người dân chấp hành tốt các quy định, chăm chú lắng nghe, thảo luận sôi nổi để từ đó tạo nên sức lan tỏa của các cuộc tuyên truyền. Anh Nguyễn Quang Bình, kiểm lâm địa bàn xã Mò Ó chia sẻ: “Những đợt tuyên truyền của cán bộ dự án rất thiết thực và ý nghĩa, giúp cho chính quyền địa phương, chủ rừng và người dân hiểu rõ về dự án, vai trò, lợi ích của rừng, các nguyên nhân chính gây mất rừng, suy thoái rừng và các biện pháp bảo vệ rừng; hình thức quản lý rừng hiện có như quản lý theo hộ gia đình, theo cộng đồng… Qua những đợt tuyên truyền này cũng sẽ giúp kiểm lâm địa bàn có thêm kiến thức cần thiết để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ được giao, phối hợp với người dân tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng”.
Trong quá trình tuyên truyền, công tác phối hợp giữa dự án, kiểm lâm cấp tỉnh, huyện và chính quyền địa phương khá chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho mỗi bên, phù hợp với nhiệm vụ của các bên trong tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Tất cả các cuộc tuyên truyền ở cấp xã, thôn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của chính quyền địa phương và người dân. Thông qua các đợt tuyên truyền giúp cho lãnh đạo xã, thôn, kiểm lâm địa bàn, chủ rừng và người dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần hạn chế thiên tai, ổn định và phát triển đời sống người dân.
Anh Đặng Sỹ Đức cho biết thêm: “Các khu vực ưu tiên cho thực hiện REDD+ là khu vực còn nhiều rừng tự nhiên tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông, Hướng Hóa, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, một phần còn dựa vào rừng. Vì vậy dự án sẽ có các hỗ trợ về sinh kế để tăng thu nhập, từ đó giảm tác động và áp lực lên rừng của người dân địa phương. Trong thời gian tới, dự án tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh lồng ghép tuyên truyền về BĐKH, REDD+, công tác quản lý và bảo vệ rừng, chương trình giảm phát thải tại các xã ưu tiên thực hiện REDD+ nhiều hơn nữa, đặc biệt tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hoá, nơi có diện tích rừng tự nhiên tập trung, nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sinh sống, để người dân ngày càng nâng cao ý thức và tích cực hơn trong việc bảo vệ, phát triển rừng, ổn định và phát triển cuộc sống bền vững…”.
Minh Đức