(QT) - Nhiều năm nay, “Tiết học biên giới” đã trở nên quen thuộc đối với các học sinh ở tất cả các điểm của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 2 xã A Ngo và A Bung, huyện Đakrông. Đây là mô hình được các đoàn viên thanh niên Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị khởi xướng và triển khai thực hiện.
![]() |
“Tiết học biên giới” luôn thu hút sự quan tâm của các em học sinh |
Bám dân, bám địa bàn là công tác thường xuyên, quan trọng của lực lượng BĐBP. Hơn 3 năm công tác nơi miền biên giới, Đại úy Nguyễn Duy Thánh và những đoàn viên, thanh niên của đơn vị đã luôn về với bản làng người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô nơi miền Tây Quảng Trị để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao hiểu biết về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn biên giới, các phương pháp chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng no ấm… Trong một lần đến giao lưu với các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã A Ngo cách đây 2 năm, khi những chiến sĩ Biên phòng đặt câu hỏi: “Có em nào cho biết vì sao các chú BĐBP phải đi tuần tra để bảo vệ biên giới không?” thì có rất ít cánh tay giơ lên xung phong trả lời. Những cháu học sinh lớp 9 được chỉ định trả lời câu hỏi cũng chưa có nhiều hiểu biết về biên giới. Từ lần giao lưu ấy đã để lại trong tâm trí những cán bộ trẻ như Đại úy Nguyễn Duy Thánh rất nhiều suy nghĩ. Các anh quyết tâm phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các em học sinh người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô hiểu biết hơn về BĐBP, về công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Vậy là ý tưởng đưa kiến thức về biên giới vào trường học được hình thành, trở thành quyết tâm của tuổi trẻ đơn vị.
Quyết tâm có rồi, nhưng khó khăn nhất vẫn là việc xây dựng tài liệu, giáo án để giảng dạy. Trong đơn vị, chưa một ai được đào tạo về phương pháp soạn thảo giáo án và giảng dạy cho các em học sinh từ lớp một đến lớp chín. Đưa vấn đề gì, giáo dục như thế nào cho các em quả thật không hề đơn giản. Năm lần, bảy lượt soạn thảo thì cũng từng ấy lần phải bỏ đi làm lại từ đầu. Mỗi lần soạn xong, xin thầy cô giảng thử nhưng kết thúc tiết học, khi hỏi lại chẳng có em học sinh nào hiểu và nhớ các chú bộ đội biên phòng nói gì. Không nản chí, những đồng chí được cử giảng dạy lại miệt mài đến gặp trực tiếp các thầy, cô giáo có kinh nghiệm để được tư vấn. Sau nhiều ngày chuẩn bị, cuối cùng một bộ giáo án điện tử về những nội dung liên quan đến biên giới sử dụng cho các em học sinh từ lớp một đến lớp chín với thời lượng hơn 45 phút cũng đã hoàn thành và đưa vào triển khai dạy thử nghiệm, từ đó giúp các em học sinh hiểu được vấn đề, cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ biên giới quốc gia.
Mô hình “Tiết học biên giới” hiện đang được những đoàn viên, thanh niên Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay giảng dạy ngoại khóa cho toàn bộ các điểm trường cấp tiểu học và THCS của 2 xã A Ngo và A Bung, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của các em học sinh, của cả đội ngũ giáo viên về chủ quyền biên giới đã được nâng lên đáng kể. Thầy giáo Võ Việt Tiến, giáo viên dạy lớp 5 điểm trường bản La Lay, xã A Ngo, người đã gắn bó với các em học sinh vùng cao biên giới 22 năm cho biết: “Việc các anh BĐBP Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đưa “Tiết học biên giới” vào giảng dạy cho các em học sinh trong giờ học ngoại khóa là rất cần thiết, ngay như giáo viên chúng tôi khi nắm được kiến thức, hiểu sâu về lĩnh vực này cũng thật sự bổ ích”. Thầy giáo Hoàng Quang Cẩn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã A Ngo chia sẻ: “Đây là tiết học ngoại khóa rất có ý nghĩa, không chỉ cho học sinh mà còn cho cả những thầy, cô giáo như chúng tôi. Đây là một mô hình rất mới và cần được nhân rộng trong thời gian tới vì không phải ai làm việc nơi địa bàn biên giới cũng hiểu sâu về biên giới”.
Thời gian triển khai “Tiết học biên giới” của tuổi trẻ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay chỉ chưa tròn 2 năm song hiệu quả đạt được là rất khả quan. Theo các cán bộ biên phòng, thời gian tới để tiết học đạt hiệu quả cao hơn thì việc xây dựng giáo án phải chia theo từng khối lớp cụ thể. Mặt khác cũng cần tổ chức cho các thầy, cô giáo tham gia tuần tra biên giới cùng BĐBP nhằm có sự trải nghiệm, tích hợp thêm kiến thức thực tế để truyền đạt cho các em học sinh được tốt hơn.
Mô hình “Tiết học biên giới” do đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay triển khai khẳng định vai trò của tuổi trẻ xung kích, đi đầu trong các hoạt động giữ gìn sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
Nguyễn Thành Phú