Khơi dòng nhựa trắng
(QT) - Cam Lộ (Quảng Trị) là một huyện trung du, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có vùng sinh thái đa dạng, thích ứng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp với cơ cấu cây trồng phong phú, trong đó các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cao su là một thế mạnh to lớn của địa phương này. Gần 20 năm trước, được sự hỗ trợ của dự án 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cây cao su bắt đầu bén rễ, xanh cây trên nhiều vùng gò đồi Cam Lộ. Thay bằng việc trồng bạch đàn, tràm hoa vàng, người dân đã ...

Khơi dòng nhựa trắng

(QT) - Cam Lộ (Quảng Trị) là một huyện trung du, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có vùng sinh thái đa dạng, thích ứng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp với cơ cấu cây trồng phong phú, trong đó các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cao su là một thế mạnh to lớn của địa phương này. Gần 20 năm trước, được sự hỗ trợ của dự án 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cây cao su bắt đầu bén rễ, xanh cây trên nhiều vùng gò đồi Cam Lộ. Thay bằng việc trồng bạch đàn, tràm hoa vàng, người dân đã được dự án hỗ trợ để trồng cây cao su theo mô hình trang trại. Có thể nói đó là những ngày thử thách của cây cao su trên vùng đất này vì theo nhiều người, chưa có một cơ sở thực tiễn nào khẳng định về sự tồn tại của cây cao su tại vùng thiên tai khắc nghiệt này, và không ai dám đánh cược tài sản của mình vào một cuộc phiêu lưu mà phải sau 7 - 8 năm mới có câu trả lời. Nhưng thực tế từ những vườn cao su ở vùng Cùa, Tân Lâm, Cam Thành đã minh chứng, đây là cây dễ trồng, không nhất thiết phải trên nền đất đỏ bazan và những vùng đất độ dốc dưới 30% đều có thể trồng cây cao su. Dòng nhựa trắng từ những vườn cao su của dự án 327 đã thuyết phục những người thận trọng và dè dặt nhất. Với nền móng cơ sở từ gần 500 ha cao su 327, thông qua chương trình cao su tiểu điền của tỉnh, dự án đa dạng hóa nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ, những đồi bạch đàn, tràm hoa vàng, rừng nghèo đã được thay thế bằng rừng cao su bạt ngàn.

Cao su trên điểm cao 241.

Suốt một dãy gò đồi từ vùng Cùa, Tân Lâm, về Cam Thành, Cam Hiếu, sang Cam Tuyền, Cam Thủy… trên những chân đất phù hợp, cây cao su đang vươn mình đứng lên, mạnh mẽ, xanh tươi sau bao thử thách khó khăn. Cho đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 3.500 ha cao su, vượt kế hoạch đề ra trước một năm, trong đó có hơn 1.200 đã đưa vào khai thác, trong mạch nguồn sự sống, dòng nhựa trắng chắt chiu từ bao khó nhọc đã mang lại niềm hạnh phúc cho biết bao người. Theo Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa Lê Văn Vĩnh, với việc tích cực chuyển đổi, dần dần nhiều diện tích đất rừng kém hiệu quả trên địa bàn xã đã được người dân thay thế bằng cao su. Từ nền móng gần 100 ha cao su 327, đến nay toàn xã đã trồng được gần 900 ha, trong đó có 550 ha đã đi vào khai thác, tổng sản lượng mỗi năm đạt gần 10.000 tấn mủ. Không chỉ ở vùng Cùa mà nhiều địa phương vùng gò đồi khác trong toàn huyện cũng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây cao su tiểu điền vào canh tác rất có hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ - Đào Mạnh Hùng khẳng định, cho đến nay chưa có cây trồng nào hấp dẫn và thuyết phục người dân bằng cây cao su bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Ngoài giá trị cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, đây là cây trồng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo nguồn sinh thủy và cân bằng sinh thái. Nhưng để phát triển cây cao su một cách bền vững, quan điểm chỉ đạo của huyện là không vì nguồn lợi to lớn mà phát triển cao su bằng mọi giá, trồng ở bất cứ đâu, việc phát triển cây cao su trên địa bàn đang chuyển sang một hướng mới đó là xóa bỏ cách làm tiểu nông, manh mún để canh tác theo tư duy công nghiệp, có nghĩa là huyện sẽ điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo tính cân đối, hài hòa, không để cây cao su lấn sang những vùng quy hoạch các loại cây trồng có thế mạnh khác. Ngoài diện tích đã có, huyện chỉ đồng ý phát triển cây cao su ở những vùng tập trung có diện tích tối thiểu từ 100 ha trở lên. Để phát triển cây công nghiệp theo hướng tập trung, huyện sẽ hỗ trợ người dân trong việc cấp đất, xây dựng hệ thống giao thông, xây dựng bờ vùng bờ thửa. Bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương rà soát lại diện tích còn lại trên địa bàn có thể mở rộng diện tích cao su, huyện khuyến khích người dân đầu tư thâm canh để nâng cao chất lượng vườn cây, tăng năng suất mủ và tiến tới xây dựng thương hiệu mủ cao su chất lượng cao. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, đến nay Cam Lộ đã có diện tích cao su tương đối lớn, chất lượng vườn cây bảo đảm. Việc đưa vào khai thác phần lớn diện tích trồng từ năm 2004 trở về trước đã thực sự đổi đời cho nhiều hộ gia đình, góp phần to lớn vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tuy nhiên do diện tích đất đai có hạn, cố gắng lắm trong vòng vài năm tới huyện cũng chỉ đạt diện tích từ 4.500 - 5.000 ha. Để khai thác tốt nhất tiềm năng đất đai của địa phương, bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân phát triển cao su tiểu điền, Cam Lộ đang có chủ trương khuyến khích trồng cao su tập trung bằng cách quy hoạch một số vùng rồi cho đấu thầu phát triển trang trại, thu tiền đầu tư trở lại cho cây cao su. Nếu cách làm này thành công, nhiều vùng đất khó khăn, xa xôi của huyện sẽ được xanh hóa bằng những rừng cây cao su. Mặt khác việc phát triển cây cao su theo hướng quy mô lớn sẽ có nhiều cái lợi, không chỉ tiết kiệm suất đầu tư, thuận lợi trong công tác bảo vệ mà việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và việc thu mua sản phẩm sau này sẽ hết sức dễ dàng.. Quả thật hiếm có cây trồng nào có tốc độ mở rộng diện tích như cây cao su ở Cam Lộ, năm năm trở lại đây, bình quân mỗi năm trồng mới từ 300 đến 500 ha, cá biệt có năm trồng 600 ha như năm 2010. Trước đây, để khuyến khích người dân mở rộng diện tích, huyện có chủ trương hỗ trợ quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, cấp đất, bù lãi suất, hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật chăm sóc, nhưng nay dù không còn sự hỗ trợ này diện tích trồng mới cao su vẫn không ngừng mở rộng, nói như nhiều người bây giờ có cấm người dân trồng cao su cũng không được vì hơn ai hết họ đã nhận ra được hiệu ích tổng hợp từ loại cây trồng đã bén duyên bền chặt với vùng đất này. Điều đáng tiếc là khi người dân đã ý thức được sự cần thiết của việc chuyển đổi này thì quỹ đất đã không còn. Nhiều vùng đất sản xuất của người dân địa phương đã bị thu hẹp, một số cơ quan, đơn vị như Lâm trường Đường 9, Trại giam Nghĩa An chiếm một diện tích không nhỏ, ảnh hưởng đến việc mở rộng sản xuất của người dân. Bài và ảnh: HOÀNG ĐỨC