Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
QTO - Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong ba dự án thành phần của Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017. Đối với tỉnh Quảng Trị, sau 3 năm triển khai, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong ba dự án thành phần của Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017. Đối với tỉnh Quảng Trị, sau 3 năm triển khai, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Đại diện lãnh đạo Sở LĐ- TB & XH với các doanh nghiệp XKLĐ ký cam kết trách nhiệm tại cuộc đối thoại công tác XKLĐ với doanh nghiệp. Ảnh: Lâm Thanh

Trong câu chuyện trao đổi về nhu cầu tuyển dụng người đi lao động tại Nhật Bản với một đơn vị Tư vấn du học và xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố Đông Hà, vấn đề trăn trở nhất của các nhà tuyển dụng hiện nay là khó khăn để tìm ra người có tay nghề đáp ứng yêu cầu của phía doanh nghiệp. Đối với những thị trường “khó tính” như Nhật Bản, ở nhiều ngành nghề, đơn hàng, người lao động sau khi trúng tuyển có khi phải mất gần một năm đào tạo, đáp ứng trình độ N3 mới chính thức được nhận vào (trình độ N1 là mức đạt chuẩn). Người lao động muốn nhận được mức lương cao từ 40 - 50 triệu đồng/ tháng khi làm việc tại Nhật thì càng phải đáp ứng yêu cầu về trình độ, kỹ năng làm việc của doanh nghiệp, còn đối với lao động phổ thông làm các công việc đơn giản thì mức lương cũng chỉ ở mức từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Ở các doanh nghiệp trên địa bàn, tình trạng phổ biến là lao động được tuyển vào chưa đáp ứng được yêu cầu công việc mà phải qua đào tạo, tập huấn tại chỗ. Có thể nói, hơn bao giờ hết, yêu cầu về chất lượng lao động ngày càng đặt ra cấp thiết.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Và cũng như các địa phương khác trong cả nước, GDNN ở Quảng Trị đang bộc lộ bất cập là người lao động thiếu kỹ năng so với yêu cầu của doanh nghiệp và thiếu hụt người lao động có kỹ năng với việc làm mới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 cơ sở tham gia hoạt động GDNN, bao gồm: 1 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN-GDTX và 8 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN, trong đó, cơ sở đào tạo nghề công lập chiếm khoảng 75%. Quy mô cơ cấu nghề đào tạo được mở dần theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, yêu cầu sản xuất kinh doanh và đòi hỏi của thị trường với danh mục gồm 104 ngành, nghề đào tạo ở các cấp trình độ. Ngoài các cơ sở đào tạo chính quy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn được thực hiện theo phương thức truyền nghề, kèm nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, các hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất… trong đó người lao động vừa học nghề vừa tham gia làm việc.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015- 2020, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 69.320 người. Trong đó: Cao đẳng 1.849 người, trung cấp 5.887 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 61.584 người. Nhìn vào con số này có thể nhận thấy, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề có trình độ từ trung cấp trở lên vẫn còn thấp. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật bậc cao chưa nhiều, ý thức văn hóa công nghiệp, tổ chức kỷ luật của một bộ phận đáng kể người lao động vẫn còn hạn chế. Không phải không có cơ sở khi mà đối với một số thị trường lao động nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, chủ doanh nghiệp thẳng thừng từ chối nhận lao động của một số tỉnh khu vực miền Trung vì ý thức kỷ luật kém. Đấy là chưa kể đến năng lực sử dụng ngoại ngữ, một công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ 4.0 của người lao động còn thiếu và yếu.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác GDNN tỉnh Quảng Trị cần được xem xét, đánh giá toàn diện và triển khai một cách linh hoạt để đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tương lai. Đổi mới GDNN cần phải hướng trọng tâm của hoạt động đào tạo là dần chuyển từ “cung” sang “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng: Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao được nhà nước đầu tư trọng điểm. Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ gắn với đặt hàng của nhà nước và doanh nghiệp. Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc thù được nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo đề án phát triển và nâng cao chất lượng đã được phê duyệt. Đối với Quảng Trị, việc hình thành hệ thống cơ sở GDNN có sự phân tầng là rất cần thiết, cùng với đó cần khuyến khích hình thành các cơ sở GDNN, các trung tâm đào tạo tại khu công nghiệp. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề, mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề, thay đổi phương pháp đào tạo trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng. Tăng cường liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tuyển sinh, đào tạo nghề và tuyển dụng lao động sau đào tạo.

Những giải pháp mà Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đề ra để gỡ “nút thắt” trong việc nâng cao chất lượng GDNN trong giai đoạn hiện nay đó là: Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đổi mới và tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Chú trọng đến hoạt động dự báo nhu cầu thị trường lao động gắn với nhu cầu cung ứng nhân lực chất lượng cao cho các dự án mới đã, đang và sẽ đầu tư vào Quảng Trị, trong đó, đặc biệt là Khu kinh tế Đông Nam.

Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được sắp xếp, quy hoạch trên địa bàn tỉnh: Trường Cao đẳng nghề; các trường có ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ; một số trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện. Từng bước chuyển đổi hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp, khuyến khích thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của doanh nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài. Các cơ sở GDNN cần nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên các cơ sở GDNN về yêu cầu cấp bách trong đổi mới GDNN hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thanh Trúc