Vượt khó để chăm sóc sức khỏe cho người dân
(QT) - Khi mới thành lập năm 1997, cũng như nhiều ngành khác, ngành Y tế huyện Đakrông (Quảng Trị) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các điều kiện phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân còn thiếu thốn, đội ngũ y, bác sĩ còn mỏng, nhận thức của nhân dân về vệ sinh phòng bệnh còn thấp. Bên cạnh đó, trong nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như mỗi lần đau ốm bà con thường nhờ đến thầy mo hay giết trâu, bò, lợn để cúng tế mong khỏi bệnh. ...

Vượt khó để chăm sóc sức khỏe cho người dân

(QT) - Khi mới thành lập năm 1997, cũng như nhiều ngành khác, ngành Y tế huyện Đakrông (Quảng Trị) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các điều kiện phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân còn thiếu thốn, đội ngũ y, bác sĩ còn mỏng, nhận thức của nhân dân về vệ sinh phòng bệnh còn thấp. Bên cạnh đó, trong nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như mỗi lần đau ốm bà con thường nhờ đến thầy mo hay giết trâu, bò, lợn để cúng tế mong khỏi bệnh. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành y tế.

Y sĩ Hồ A Trê, Trưởng Trạm Y tế xã A Bung lội suối đến nhà dân để khám chữa bệnh - Ảnh: QUANG HIỆP

Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự phối hợp tích cực, hiệu quả các ngành liên quan và sự chung sức, chung lòng quyết tâm khắc phục khó khăn của cán bộ, nhân viên ngành y tế, những năm qua sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ở Đakrông có nhiều tiến bộ rõ rệt. Đội ngũ y, bác sĩ được quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề và bổ sung mới hàng năm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh được tăng cường, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hiện nay, tại 102 thôn, bản của huyện có nhân viên y tế thôn bản được đào tạo cơ bản, 14/14 xã đã có trạm y tế, mỗi trạm y tế có từ 6, 7 cán bộ, viên chức, trong đó 2 trạm có bác sĩ, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh trung học, từng bước giải quyết được công tác y tế dự phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân tại tuyến cơ sở. Riêng ở tuyến huyện có 3 đơn vị gồm: Phòng Y tế quản lý nhà nước về y tế; Bệnh viện đa khoa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh được xây dựng mới với quy mô trên 50 giường bệnh, hệ thống thiết bị phòng mổ của bệnh viện và phòng X quang được trang bị khá cơ bản, đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo bài bản và thường xuyên nâng cao tay nghề, mỗi năm thực hiện hàng chục ca phẫu thuật như sỏi thận, ruột thừa, đình sản và mổ đẻ; Trung tâm Y tế huyện có nhiệm vụ triển khai các kỹ thuật y tế dự phòng, thực hiện các chương trình y tế quốc gia, phòng chống các bệnh xã hội, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông giáo dục sức khỏe và quản lý toàn diện các trạm y tế xã. Mặc dù địa bàn rộng, địa hình phức tạp nhưng cán bộ của trung tâm thường xuyên về với cơ sở triển khai các chương trình y tế quốc gia đạt kết quả cao. Có thể nói với những nỗ lực của toàn ngành đã hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em từ 67,2% năm 1997 xuống còn 31,6% năm 2011, tỷ lệ mắc bệnh sốt rét từ 105/1.000 dân giảm xuống còn 3,45/1.000 dân, số phụ nữ trước khi sinh được khám thai đủ 3 lần trở lên, đúng kỳ từ 4,7% tăng lên 62,5%, phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế từ 6,9% lên 79,8%, số trẻ em tử vong dưới 1 tuổi từ 53,3/1.000 trẻ đẻ sống năm 1997 xuống còn 21,7/1.000 trẻ đẻ sống năm 2011, đặc biệt năm 2011 tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắc-xin là 96,2%. Đến nay, toàn huyện có 50% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và hiện nay huyện đang đào tạo bác sĩ có địa chỉ là con em trên địa bàn, kế hoạch sẽ bố trí mỗi xã 1 bác sĩ, phấn đấu xóa trắng xã không có bác sĩ trong năm 2012. Tuy nhiên so với yêu cầu của việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế huyện Đakrông đang gặp một số khó khăn, nhất là cơ sở vật chất nhiều trạm y tế xã xuống cấp nghiêm trọng và trang thiết bị còn thiếu thốn. Chị Hoàng Thị Thùy Trang, Trưởng Trạm Y tế xã Mò Ó, huyện Đakrông cho biết: “Trạm Y tế của xã đã đạt chuẩn quốc gia năm 2005, đối với các tiêu chí nói chung thì tương đối đạt nhưng điều đáng nói là hiện tại cơ sở hạ tầng đã xuống cấp vì trạm xây dựng quá lâu, trang thiết bị dựa vào một số dự án hỗ trợ, không có kinh phí bổ sung hàng năm”. Trước thực trạng đó, từ năm 2008 đến nay cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh khi thực hiện Đề án 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững trong đầu tư xây dựng cơ bản, huyện Đakrông đã có sự ưu tiên để xây dựng cơ sở vật chất cho các trạm y tế cơ sở cũng như nâng cấp bệnh viện và trung tâm y tế huyện cũng như các phòng khám đa khoa khu vực. Bên cạnh đó, huyện và ngành y tế tiếp tục động viên và có các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ yên tâm công tác. Đồng thời tiếp tục triển khai chương trình hành động thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn y đức, đổi mới phong cách phục vụ. Bác sĩ Châu Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đakrông cho biết: “Chúng tôi tập trung cải cách lề lối làm việc, thay đổi quy tắc ứng xử, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ y tế đối với nhân dân. Người cán bộ y tế cần có sự nhiệt tình, chân tình, phải gần gũi tư vấn, giúp đỡ nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, có như vậy họ mới nghe và làm theo cán bộ y tế để cải thiện điều kiện sức khỏe nhân dân”. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, đội ngũ y, bác sĩ của ngành Y tế huyện Đakrông đang tiếp tục vượt khó, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc, bám sát địa bàn, gần dân, triển khai có hiệu quả các chương trình y tế dự phòng và làm tốt công tác khám và điều trị. BÁ THUẦN