Cần một lối đi cho làng Trường Thọ
(QT) - Mỗi khi có việc phải ra ngoài, người dân ở làng Trường Thọ, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) buộc phải phá dỡ đoạn rào chắn đường sắt án ngữ trước cổng làng mới đi được. Nghịch lý này tồn tại từ xưa đến nay, gây bức xúc cho người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế -xã hội địa phương nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm, giải quyết của cơ quan chức năng liên quan. Và chuyện ngành đường sắt cho nhân viên rào chắn đoạn đường trên trong khi người dân thôn Trường Thọ buộc phải tháo rào chắn để lấy lối đi cứ diễn ra liên tục như một câu chuyện kỳ lạ chưa có hồi kết. “Chuyện lạ” ở làng Trường Thọ Làng Trường Thọ có 70 hộ dân với khoảng 350 nhân khẩu, cách quốc lộ 1A khoảng 1 km, nằm phía bên kia đường sắt Bắc- Nam (tại đoạn đường sắt thuộc Km 645+980). Những người đi ngang qua quốc lộ 1A nếu không để ý chiếc cổng làng sẽ rất khó nhận ra ngôi làng này, bởi làng Trường Thọ nằm khuất sau những khu rừng trồng xanh tốt. Những người lớn tuổi ở làng Trường Thọ cho biết, làng hình thành cách đây hơn 300 năm, hiện vẫn còn ngôi nhà thờ ghi dấu thời điểm thành lập làng.
 |
Không có lối vào làng khiến người dân Trường Thọ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống |
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Vương Viết Ất, 67 tuổi, một người lớn tuổi làng Trường Thọ bức xúc cho biết: “Làng tôi hình thành từ rất lâu đời nhưng không hiểu sao đoạn đường sắt trước mặt làng lại bị rào chắn lại. Cũng chính vì thế mà từ xưa đến nay dân làng muốn đi ra ngoài chỉ còn cách phải tháo dỡ đoạn rào chắn nói trên. Mà có tháo dỡ đoạn đường đó thì cũng chỉ đi được xe máy, xe đạp thôi, còn nếu thuê ô tô vào làng thì phải đi vòng khoảng 20 km đường đồi qua làng Tân Diên, thuộc xã Hải Thọ mới vào được. Nhưng gặp chuyện bí bách lắm mới đi nhờ đường như vậy, vì mỗi lần nhờ đường phải trả phí ít nhất khoảng 20.000 đồng/ lượt ô tô và chỉ đi được vào mùa nắng, mùa mưa thì “bó tay”. Rất nhiều người lớn tuổi ở làng Trường Thọ cũng đồng tình với ông Ất và tỏ ra vô cùng bức xúc trước sự việc nghịch lý trên. Anh Nguyễn Thành, trưởng làng Trường Thọ cho biết: “Ngành đường sắt cho biết lý do không mở được đường dân sinh tại đây là do đoạn đường này chưa có quy định được phép mở đường ngang để đi lại. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân tháo dỡ đường để qua lại là vi phạm. Nhưng ngoài lối đi đó chúng tôi còn biết đi đường nào thuận tiện hơn, chẳng lẽ phải vòng thêm 20 km để vào làng?”. Anh Thành cho biết, bình quân cứ mỗi tuần dân làng phải tháo dỡ rào chắn 2- 3 lần để đi lại. Đặc biệt trong dịp mùa màng thì bà con buộc phải tháo dỡ liên tục đoạn hàng rào trên để cho xe ô tô loại nhỏ vào làng thu mua, vận chuyển nông sản. “Nhưng có khi đêm vừa lén lút tháo dỡ xong xuôi để ngày mai xe vào thì bất ngờ khi đến sáng hôm sau lại thấy hàng rào đã bị bít lại, đá dăm sát đường ray bị bới sâu xuống đến nỗi xe đạp, xe máy muốn đi được phải khiêng qua. Bức bối lắm nhưng chẳng biết làm sao. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, đặc biệt là ngành đường sắt nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Chuyện người dân tháo hàng rào để đi- nhân viên đường sắt chắn lại diễn ra như cơm bữa!”, anh Thành ngán ngẫm nói. Người dân ở đây cho biết, cũng có đợt người dân phá dỡ được hàng rào trong một thời gian khá dài để đi lại nhưng thời gian gần đây, nhất là khi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hải Lăng thì thanh tra ngành đường sắt đi tuần liên tục đồng thời siết chặt kiểm soát tuyến đường sắt trên địa bàn, nhân viên đường sắt kiểm tra và rào chắn đoạn đường qua trước làng Trường Thọ thường xuyên hơn. Cũng chính vì thế mà việc đi lại của dân làng Trường Thọ càng trở nên khó khăn. Khó khăn chồng chất Chính vì bị bít lối đi như vậy nên đời sống của người dân làng Trường Thọ gặp muôn vàn khó khăn. Là vùng gò đồi giàu tiềm năng để trồng sắn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn nên vào năm 2008, thực hiện chủ trương của cấp trên, làng Trường Thọ đã vận động người dân trồng được 100 ha sắn. “Thế nhưng lúc thu hoạch sắn, do xe ô tô không được vượt qua đường sắt vào làng nên người dân buộc phải gồng gánh hoặc tăng-bo bằng xe kéo, xe gắn máy... ra đến cổng làng rồi mới dùng xe đạp, xe rùa hoặc dùng sức người vận chuyển vượt qua đường ray mới đưa lên được xe ô tô. Mà 100 ha sắn thì số lượng sắn củ lên đến cả hàng ngàn tấn, sức đâu mà chở thủ công được! Thà rằng vùng sâu vùng xa thì không nói làm gì nhưng làng tôi cách quốc lộ 1A chỉ khoảng 1 km. Cũng có khi chúng tôi “bí mật” phá được hàng rào để xe ô tô loại nhỏ vào thu mua vận chuyển cho đỡ tốn sức nhưng lúc này giá sắn lại bị ép giá xuống quá thấp, giá vận chuyển thì bị đội lên gấp nhiều lần (các xe này phải vào “chui”, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt), thế là dân hết lãi! Vì thế chỉ 2 năm sau, người dân đồng loạt bỏ cây sắn, từ 100 ha ban đầu đến nay toàn làng chỉ còn khoảng 20 ha. Và số diện tích sắn này cũng chỉ trồng lay lắt, phục vụ chăn nuôi là chủ yếu nên chẳng còn ai mặn mà gì nữa với cây sắn”, ông Nguyễn Văn Bút, 50 tuổi ngán ngẫm nói. Cùng chung số phận với cây sắn, cây trồng chủ lực xoá đói giảm nghèo khác như lạc ở Trường Thọ cũng khó khăn không kém. Theo tính toán của ông Vương Viết Tẩn, một nông dân ở làng Trường Thọ: “Làng có diện tích canh tác cây lạc rất lớn, cứ bình quân vào mùa thu hoạch, mỗi hộ thu không dưới 1 tấn lạc. Nhưng điều đáng buồn là trong khi giá lạc qua khỏi đường tàu khoảng trên 20.000 đồng/kg củ khô thì giá bán tại làng chỉ được chừng 14.000-15.000 đồng/kg là cao vì tư thương chỉ muốn mua số lượng nhiều nên người mua phải đi ô tô loại lớn vòng qua làng Tân Diên, xã Hải Thọ dài hơn 20 km đường đồi để vào. Tính sơ sơ mỗi vụ bán lạc, toàn làng đã thiệt hại trên 250 triệu đồng do bị tư thương mua ép giá”. Ngoài ra, khoảng 150 ha rừng trồng, lúa khoảng 40 ha và nhiều trang trại trồng trọt, chăn nuôi khác với tổng đàn trâu, bò khoảng hơn 300 con; gia cầm khoảng hơn 2.000 con; lợn từ 1.000- 2.000 con... muốn bán cũng chịu tình cảnh tương tự. “Nếu rừng trồng bán ở nơi khác được khoảng 25-30 triệu đồng/ha thì ở đây chỉ được trên 20 triệu đồng là hết cỡ. Trâu, bò, lợn, gà gì cũng chịu chung hoàn cảnh như vậy hết hỏi sao người dân không nghèo cho được. Dù điều kiện tự nhiên của Trường Thọ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng chỉ vì thiếu một lối đi nên dù đã rất nỗ lực nhưng đến nay toàn thôn vẫn còn đến 15,3% hộ nghèo, 21% hộ cận nghèo (theo tiêu chí mới)”, trưởng làng Nguyễn Thành buồn bã cho biết thêm. Chuyện xây dựng nhà cửa, các công trình ở làng Trường Thọ theo người dân, cũng có giá phải gấp đôi với bên ngoài vì tiền công vận chuyển vật liệu xây dựng rất cao. Và nguy hiểm hơn cả là hiện nay, lối đi trên là đường đến trường duy nhất của trên 60 em học sinh của làng Trường Thọ. “Do đường bị bít thường xuyên, mặt đường ray gồ ghề nên việc đi lại của người dân rất khó khăn, trong đó nguy hiểm nhất là các em học sinh, đặc biệt là về ban đêm. Ở đoạn đường này đã có khoảng 9-10 người chết vì tai nạn đường sắt do mắc bánh xe, kẹt chân vào đường ray. Mới giáp Tết Giáp Ngọ vừa qua cũng đã có 2 người ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên -Huế bị tàu hỏa tông chết tại đây do kẹt bánh xe. Ngay tôi đây đã may mắn thoát chết một lần do bị mắc bánh xe máy vào đường ray và bị tàu tông hất văng xe ra ngoài. Nếu không có đường đi thì rất nguy hiểm”, trưởng làng Nguyễn Thành kể lại. Bao giờ Trường Thọ có lối đi? Những người cao tuổi ở làng Trường Thọ cho hay, việc nêu ý kiến để được giải quyết xin con đường băng ngang đoạn đường sắt trên rất gian nan và kéo dài. Từ rất lâu, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, trong các cuộc họp xã, thôn... người dân đã rất nhiều lần đề cập ý kiến và cấp trên cũng ghi nhận ý kiến của họ và đã đề xuất lên các ban, ngành chức năng xem xét nhưng đến nay nguyện vọng của bà con vẫn chưa được giải quyết. Và cũng theo người dân ở đây thì vào năm 2000, dân làng quyết định họp lại để bàn về việc xây dựng chiếc cổng làng. “Việc xây chiếc cổng làng hồi ấy mất khá nhiều tiền, dù nghèo nhưng ai cũng cố gắng đóng góp để xây dựng. Ai cũng nghĩ khi xây xong cổng làng thì các ban, ngành chức năng liên quan biết sau cổng làng kia có cả khu dân cư đang ở mà quan tâm, giải quyết cho làm đoạn đường ngang, phục vụ cho bà con. Nhưng cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì cả!”, ông Vương Viết Tẩn kể. Anh Nguyễn Thành thắc mắc: “Xóm Triệu Đại (thuộc thôn Tân Trường, xã Hải Trường) chỉ có 5 hộ dân nằm phía bên kia đường sắt đã được làm đường ngang nhưng không hiểu sao làng chúng tôi có đến 70 hộ dân mà lại không được xem xét thấu đáo để được phép làm đường ngang. Điều này đã khiến đời sống của chúng tôi bế tắc vô cùng”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Trường Thọ là căn cứ cách mạng, góp công rất lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vào ngày 20/8/2004, làng Trường Thọ đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Trường Thọ tuy chỉ có 70 hộ dân nhưng có đến 9 liệt sĩ, hàng chục thương binh, 20 hộ thuộc diện gia đình có công cách mạng. “Hồi kháng chiến chống Pháp, nhiều người trong làng từng tham gia phá đường ray tàu hoả để ngăn chặn thực dân Pháp vận chuyển hàng hoá, vũ khí. Còn thời chống Mỹ làng chúng tôi là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Thế mà bây giờ, để có đường đi lại đàng hoàng người dân làng tôi phải lén lút phá rào chắn đường sắt. Chẳng ai muốn vi phạm, chẳng ai muốn phải mang tiếng đi “đường chui” nhưng biết làm sao! Dân làng chúng tôi cũng chỉ ao ước làm sao sớm có đường đi đàng hoàng để đỡ khổ thôi”, nhiều người lớn tuổi làng Trường Thọ giải bày lúc chia tay với chúng tôi. Bài, ảnh: LÊ ĐỨC VIỆT