LTS: Tại các cuôc thảo luận ở Hội trường cũng như tại tổ (kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có nhiều ý kiến đóng góp về phát triển kinh tế- xã hội. Trong số báo này, tòa soạn trích đăng hai ý kiến phát biểu của đại biểu Lê Như Tiến, Ủy viên Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, TTN của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Cần có các giải pháp để quản lý đất đai, công sản một cách hiệu quả Quản lý đất đai là một chế định hết sức quan trọng trong Luật Đất đai được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 4. Luật đã xác định: "Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai". Luật còn ghi rõ chế tài: "Người nào thiếu trách nhiệm trong quản lý, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Quy định trên cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật. Song trên thực tế công tác quản lý đất đai hiện nay còn có khoảng cách rất xa so với các quy định của luật. Theo báo cáo mới nhất đề ngày 26/3/2009 của Tổng cục quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên& Môi trường: Tình hình quản lý, sử dụng đất hiện nay còn nhiều bất cập, quản lý chưa chặt chẽ, sử dụng kém hiệu quả, còn để xảy ra nhiều tiêu cực. Trong số 7.507.318 ha đất nhà nước giao cho các tổ chức, thì có tới hàng trăm nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật, thậm chí còn dùng "ma thuật" biến đất công thành đất tư, ở nhiều nơi đất bị hủy hoại, hoang hóa... Tình trạng buông lỏng quản lý đất đai đã gây nên những hiệu ứng xã hội bất thuận, đó là trên 80% ý kiến kiến nghị cử tri và hơn 85% đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai, nhà cửa, đền bù, giải phóng mặt bằng. Do bức xúc của cử tri, do những cảnh báo của dư luận xã hội và sự phản ánh đa chiều của các phương tiện thông tin đại chúng, trong những ngày đầu tháng 5 này, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất thu hồi 104 cơ sở nhà đất sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả hoặc vi phạm các quy định về pháp luật để bán đấu giá nộp ngân sách nhà nước hoặc được chuyển mục đích sử dụng cho các công trình phúc lợi xã hội. Tại thành phố Hồ Chí Minh có tới hơn 96 triệu m2 đất và các công trình gắn liền với đất, tọa lạc ở những vị trí "đắc địa" do các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp nhà nước quản lý cũng rơi vào tình trạng trên, như cho thuê giữ xe, rửa xe, gara ô tô, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, kinh doanh phế liệu, hoặc xây tường bao chiếm dụng đất để cỏ mọc um tùm nhiều tháng, nhiều năm gây lãng phí cả trăm ngàn tỷ đồng của nhà nước, trong khi người dân thiếu đất đai canh tác. Để có đất cho 76 dự án sân golf đã và đang phát triển thì phải dành 23.832 ha, trong đó có 9.487 ha đất nông nghiệp, đất trồng lúa nước, trong khi hầu hết các dự án sân golf chỉ dành diện tích bằng 30-50% cho sân golf, còn lại để làm biệt thự, nhà ở, trung tâm dịch vụ thương mại, kinh doanh bất động sản. Chúng ta không khỏi giật mình khi Thường trực Ban chỉ đạo kiểm kê quỹ đất của thành phố Hồ Chí Minh công bố ngày 10/2/2009: Tại thành phố có 348 khu đất với 1.170 ha bị bỏ hoang; 285 khu đất với 78,8 ha cho thuê trái phép; 65 khu đất với 52,12 ha cho mượn trái pháp luật bao gồm cả tài sản gắn liền trên đất. Chỉ riêng quận 8 trong tổng số 159 khu bãi với diện tích 435 nghìn m2 chỉ có 57 kho bãi, với 174 nghìn m2 được sử dụng đúng mục đích... Ngày 12/4/2009, Cục Công sản thuộc Bộ Tài chính đã tham mưu đề xuất thu hồi 31 cơ sở nhà đất với 50 mặt bằng của Tổng Công ty lương thực miền Nam trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Thử hỏi nếu rà soát quỹ đất giao cho hàng trăm doanh nghiệp nhà nước, hàng chục bộ ngành, hàng nghìn đơn vị ở trung ương và địa phương thì sẽ phát hiện lãng phí biết bao đất công, trị giá bao nhiêu trăm ngàn tỷ? Và rất có thể Chính phủ đủ nguồn lực trang trải cho các nhu cầu an sinh xã hội, không cần phải trình Quốc hội tại kỳ họp này, phát hành trái phiếu huy động thêm 20.000 tỷ đồng nữa! Tình trạng quản lý công sở, nhà công vụ, nhà biệt thự cũng diễn ra tương tự: Hàng trăm nghìn m2 trụ sở cơ quan, hàng nghìn nhà biệt thự tại các đô thị lớn bị "biến dạng" nghiêm trọng đang trở thành "chung cư" chắp vá, cơi nới, manh mún, thiếu thẩm mỹ, khối tài sản không lồ hữu hình và là di sản văn hóa kiến trúc của nhà nước đang bị xâm hại, bị chiếm dụng trái pháp luật. Giá như Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để thu hồi số "đất vàng", "nhà ngọc" đang hàng ngày hàng giờ ngang nhiên bị chiếm đoạt, bị sử dụng sai mục đích, hoặc hàng nghìn ha đất bị hoang hóa do hậu quả của các dự án treo "xuyên thế kỷ" để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước thì chúng ta không bị tổn thất tài sản công nhiều đến như thế. Trong khi đó, việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, ký túc xá cho sinh viên, bệnh viện, trường học, trạm y tế, nhà ở cho người nghèo... hiện đang từng ngày, từng giờ trông chờ quỹ đất. Với quyết tâm cao như hiện nay thì dự kiến tới năm 2015 mới có khoảng 60% sinh viên các cơ sở đào tạo và 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp mới được đáp ứng chỗ ở. Hiện nay, tỷ lệ này mới chỉ khoảng 20-22%. Xin dẫn chứng số liệu từ hai cơ quan quản lý giáo dục đào tạo tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh: Ở Hà Nội, để đạt diện tích các trường chuẩn quốc gia, riêng hệ Mầm non và Phổ thông còn cần 1.500.000 m2 đất cho 8 quận nội thành. Thành phố Hồ Chí Minh để đạt diện tích các trường chuẩn còn cần tới 4.874.000 m2 đất, vừa qua UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định thu hồi 2.899.000 m2 đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích để xây dựng các trường chuẩn quốc gia trong 5 năm tới. Lỏng lẻo trong quản lý đất đai và tài sản công gắn liền với đất không những gây thất thoát lãng phí nguồn lực to lớn của xã hội mà còn là "mảnh đất màu mỡ" nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí, là môi trường tha hóa cán bộ công chức, là nguyên nhân làm hỏng, làm mất cán bộ và là thách thức lớn trong việc thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà Quốc hội mới ban hành. Hơn lúc nào hết, chúng tôi đề nghị chính phủ, các cơ quan chức năng của chính phủ ráo riết vào cuộc, tổng rà soát lại toàn bộ quỹ đất, quỹ nhà, tài sản công trên cả nước, có các giải pháp trước mắt và lâu dài, chấn chỉnh sai phạm, lập lại trật tự trên mặt trận này. Đặc biệt là cần xác định rõ "địa chỉ" của trách nhiệm thuộc về cá nhân, cơ quan nào thay cho cụm từ "chúng ta" lâu nay vẫn thường dùng trong các báo cáo. Tại kỳ họp thứ 5 này, để giải tỏa những bức xúc, trăn trở của cử tri, chúng tôi đề nghị các vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính với tư cách quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở, tài sản công nên có giải trình trước Quốc hội về nhóm vấn đề đang được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Vấn đề cốt lõi là hiệu quả đầu tư và việc làm cho người lao động Năm 2008, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội lên tới 41,3% GDP, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,18% (thấp hơn so với chỉ tiêu tăng trưởng do Quốc hội quyết định là 7%) làm cho hệ số ICOR tăng lên đến 6,68 (cao hơn năm 2007, hệ số ICOR là 5,2). Hệ số ICOR phản ánh hiệu quả đầu tư, là hệ số cho biết bao nhiêu đồng đầu tư để được 1 đồng tăng trưởng; hệ số ICOR càng giảm thể hiện hiệu quả đầu tư càng cao. Thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tăng các chi phí “vô hình” làm cho hệ số này ngày càng cao, trong khi các nước trên thế giơi và các nước trong khu vực hệ số ICOR ngày càng giảm, do họ quản lý vốn đầu tư rất chặt chẻ, hiệu quả. Họ kiên quyết cắt đầu tư đối với các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả. Vấn đề cốt lõi là hiệu quả đầu tư, chứ không phải cứ tăng tổng vốn đầu tư xã hội càng nhiều càng tốt. Nếu tăng tổng vốn đầu tư tỷ lệ thuận với thất thoát, lãng phí, tăng các chi phí vô ích thì càng đầu tư càng lãng phí, càng kém hiệu quả. Về tỷ lệ vượt thu ngân sách, trong năm qua lên đến 29%, Chính phủ cho đây là “thành tích”, theo tôi cần rút kinh nghiệm nghiêm túc về công tác lập dự toán thu chưa sát với tình hình thực tiễn, ảnh hưởng không nhỏ đến tính chủ động trong bố trí kế hoạch chi và cân đối ngân sách chung. Lập dự toán thu thấp, thực tế thu cao (vượt tới 29%) có thể còn hướng tới việc trích thưởng khi vượt thu cho nội bộ ngành thuế. Về các vấn đề xã hội: Nhiều cử tri rất lo lắng về giải quyết việc làm cho người lao động. Theo tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì với việc sụt giảm 2% GDP trong 2 năm 2008-2009, Việt Nam sẽ có 0,65% tổng số lao động, tương ứng 300 nghìn người bị mất việc làm. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng chúng ta chưa đủ chỗ để bố trí việc làm mới, lại thêm áp lực lao động đã có việc làm bị thất nghiệp do các doanh nghiệp chịu hậu quả của suy thoái kinh tế, phải giảm năng lực sản xuất, lao động phải nghỉ việc. Lao động mất việc làm, kéo theo hậu quả về thu nhập hoặc giảm thu nhập, mất thu nhập hoàn toàn dẫn đến hệ luỵ là đời sống sẽ rất khó khăn, dễ phát sinh các vấn đề xã hội như phải trợ cấp xã hội, bảo trợ xã hội, thậm chí có thể “bùng nổ” tệ nạn xã hội vì lý do “mưu sinh” hoặc “nhàn cư vi bất thiện”. Cần tăng cường và nâng cao năng lực dự báo cho các cơ quan dự báo. Theo các chuyên gia kinh tế và các tổ chức quốc tế nhận định thì tình hình kinh tế thế giới đang ở giai đoạn suy thoái sâu và kéo dài, tiếp tục có những diễn biến khó lường, Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, vì thế hơn lúc nào hết Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho công tác dự báo kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực, lao động, việc làm, năng lượng quốc gia...biến bị động thành chủ động đối phó với tình hình tiếp tục suy thoái hoặc đón đầu khả năng phục hồi nền kinh tế để có những đối sách phù hợp. Đặc biệt là tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến phản hồi (kể cả các ý kiến trái chiều) làm căn cứ kịp thời điều chỉnh các chính sách trong từng giai đoạn.