(QT) - Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) là một công tác đặc biệt quan trọng liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, BMNN là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên thu thập cho nhiều mục đích khác nhau. Do vậy, bảo vệ BMNN là một nhiệm vụ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng an ninh.
![]() |
Công an tỉnh kiểm tra, hướng dẫn công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại Sở LĐ, TB&XH tỉnh |
Cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Pháp lệnh bảo vệ BMNN và văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, công tác bảo vệ BMNN ở tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương đạt nhiều kết quả, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, phòng ngừa có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Công an tỉnh mà trực tiếp là Phòng An ninh chính trị nội bộ với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo BMNN tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham mưu Ban Giám đốc đề xuất UBND tỉnh ban hành gần 20 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác bảo vệ BMNN, An ninh mạng trong tình hình mới; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 32/2014/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế bảo vệ BMNN tỉnh Quảng Trị và Quyết định 28/QĐ-UBND ngày 5/11/2015 của UBND tỉnh quy định về “Khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, khu vực cấm quay phim, chụp ảnh, ghi hình trên địa bàn tỉnh”; tham mưu Ban chỉ đạo BMNN tỉnh tiến hành nhiều kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ BMNN tại gần 80 đơn vị, địa phương. Qua đó đã phát hiện, kiến nghị các cơ quan đơn vị kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác bảo vệ BMNN, góp phần bảo vệ tình hình chính trị nội bộ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặt khác, Phòng An ninh chính trị nội bộ đã tham mưu cho Công an tỉnh, UBND tỉnh tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn về chuyên đề bảo vệ BMNN, an toàn an ninh mạng, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn nâng cao nhận thức về công tác này.
Đặc biệt, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh chính trị nội bộ đã phát hiện, truy xét làm rõ trên 10 vụ việc lộ lọt BMNN, mất an toàn an ninh mạng, trong đó nổi bật là đã làm rõ 1 vụ lợi dụng CNTT để tấn công gây ảnh hưởng đến hoạt động của hơn 100 website trên địa bàn, xử lý 1 đối tượng; chủ động trao đổi phối hợp các đơn vị khắc phục kịp thời nhiều lỗ hổng bảo mật trang thông tin điện tử, phòng ngừa không để đối tượng xấu tấn công phá hoại…
Những kết quả tích cực trên đã góp phần đảm bảo an toàn nội bộ các cơ quan, đơn vị; nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được nâng cao; góp phần quan trọng trong hoạt động đối nội, đối ngoại của tỉnh; chủ động phòng ngừa làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động thu thập BMNN của các cơ quan đặc biệt, thế lực thù địch từ bên ngoài.
Thời gian tới, trước xu thế phát triển của thế giới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin ở nước ta tiếp tục phát triển mạnh. Trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước nhiều loại phương tiện liên lạc mới sẽ được sử dụng; các phương tiện kỷ thuật hiện đại có khả năng lưu giữ, truyền tải lượng lớn thông tin có nội dung bí mật; các thế lực thù địch và các loại đối tượng sẽ triệt để lợi dụng việc mở cửa trong quá trình toàn cầu hóa; lợi dụng quá trình đàm phán, ký kết thương mại, khai thác những sơ hở, thiếu sót của ta để thu thập, lấy cắp BMNN…Do vậy, để tăng cường công tác bảo vệ, kiến nghị các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị làm tốt làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hiện các chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý, giữ bí mật Nhà nước, giúp cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch trong lĩnh vực này, không mơ hồ, mất cảnh giác, vô tình tiếp tay cho địch; nắm vững và tổ chức thực hiện đúng những quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ BMNN, nhất là những quy định trong công tác văn thư, lưu trữ, công nghệ thông tin, truyền thông. Tập trung thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ cơ quan đơn vị an toàn tuyệt đối; tăng cường công tác tự kiểm tra, hướng dẫn và có biện pháp ngăn ngừa, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, sai sót trong công tác bảo mật, nhất là đối với công tác văn thư, lưu trữ và an ninh mạng; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như các phương tiện bảo mật phù hợp, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; có chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ, nhân viên, những người trực tiếp làm công tác bảo mật.
Hoàng Quốc Tiến