Học online vốn không phải là khái niệm xa lạ đối với phụ huynh và học sinh. Ngay từ khi dịch mới bùng phát ở Việt Nam, hình thức dạy học này đã được ngành giáo dục-đào tạo áp dụng trong các chương trình giảng dạy ở nhiều cấp học. Tuy nhiên đến nay, việc học online như thế nào cho hiệu quả vẫn là chủ đề quan tâm của rất nhiều người, nhất là những ai có con học tiểu học và trung học cơ sở.
![]() |
Học online được một số phụ huynh lựa chọn cho con trong dịp hè -Ảnh: H.N |
Khi được lấy ý kiến về việc cho trẻ mới vào lớp 1 học online vào dịp hè, chị Lê Thị Vy, TP. Đông Hà đã không đồng ý. Chị Vy cho con theo học ở một trường tư. Dịp hè, để con làm quen với môi trường học mới, chị đăng ký cho con học bán trú tại trường. Khi COVID-19 diễn biến phức tạp, trường ngưng việc dạy học tập trung và sau đó một thời gian thì lấy ý kiến phụ huynh để dạy học online, trong đó có học sinh lớp 1.
Chị Vy không đồng ý cho con mình theo học hình thức này vì không có thời gian ngồi trên máy cùng con. Trước khi đưa ra ý kiến trên, chị thử cho con học một số chương trình học online miễn phí trên mạng nhưng thấy không hiệu quả vì hễ ngồi vào máy là con chị chỉ yêu cầu mở các bộ phim hoạt hình. Năn nỉ mẹ không được thì con khóc lóc, vòi vĩnh. Có hôm dỗ dành được con ngồi vào học thì chỉ vài ba phút là con nhí nhoáy bấm vào màn hình hoặc gục xuống bàn kêu mệt.
Năm nay, lịch học hè của nhiều học sinh bị gián đoạn bởi COVID-19. Nhiều giáo viên đã tiến hành lấy ý kiến phụ huynh về việc có nên cho học sinh học online hay đợi hết dịch rồi mới học. Xung quanh ý kiến này có những tranh luận trái chiều. Người thì cho rằng dịch ngày càng phức tạp và đây không phải là lần đầu xảy ra nên cần thích ứng với việc học online. Nhiều người than vãn con mình suốt ngày dán mắt vào ti vi, điện thoại nên học online là một giải pháp hay.
Tuy nhiên, ý kiến phản đối lại chiếm tỉ lệ cao hơn, vì một số phụ huynh cho rằng việc học hè không có gì phải gấp gáp và quan trọng là cách học này không hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Trâm, phường Đông Lương, TP. Đông Hà chia sẻ câu chuyện của con mình: Bình thường, ba mẹ quản lý máy tính nên con tôi không được tự do sử dụng. Nhưng khi học online thì con lại được sử dụng máy trong suốt thời gian học. Lúc đầu, thấy con chăm chú vào màn hình nên tôi cứ nghĩ con đang tập trung cho việc học.
Một lần, cháu vội đi vệ sinh nên chưa kịp đóng các cửa sổ trên máy tính, tôi vào kiểm tra mới thấy trên đó cùng lúc có nhiều nhóm chat khác nhau đang thảo luận sôi nổi. Nhóm thì bàn về chuyện học, nhóm bàn về ca sĩ nổi tiếng, có nhóm thảo luận về các quán ăn ngon dành cho học trò trên địa bàn thành phố. Với chừng đó câu chuyện thì nội dung mà giáo viên giảng dạy trong buổi học không thể lọt vào tai học sinh được.
Chị Trâm sau đó có trao đổi với giáo viên thì được biết, học trò có nhiều cách để đối phó với giáo viên trong việc này. Có trò thì tắt camera với lý do bị hỏng, có trò mắt vẫn hướng vào màn hình của giáo viên nhưng tay nhí nhoắng nhắn tin mà giáo viên không thể kiểm tra được. Vậy nên, phương pháp mà cô giáo đưa ra là cần có sự đồng hành của ba mẹ.
Nhưng không phải ba mẹ nào cũng có thời gian kèm con học online, hơn nữa với học sinh trung học cơ sở thì việc có ba mẹ ngồi bên cạnh chưa chắc đã nhận được sự đồng ý của chúng. Vậy, điều quan trọng ở đây là phải hướng cho con phương pháp học online như thế nào cho hiệu quả. Bởi lẽ, trên thực tế, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp thì việc học online vẫn là một giải pháp khả thi tại một số thời điểm nào đó trong năm học mới.
Sau lần phát hiện con nói chuyện riêng trong khi học online, chị Trâm đã cùng con lên kế hoạch để việc học hiệu quả hơn. Ngoài giải thích cho con biết được ưu, khuyết điểm của việc học online, chị Trâm còn phân tích để con hiểu sự không tập trung sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập.
Sau đó, chị lập thời gian biểu để phân bổ thời gian học cho con một cách hợp lý, đồng thời đưa ra quy định nếu học nghiêm túc thì sẽ dành ra 30 phút mỗi ngày để con được sử dụng máy tính trò chyện, trao đổi với bạn bè về những nội dung mình quan tâm. Chị cũng buộc con phải cam kết sẽ bật camera trong suốt giờ học với sự quản lý của ba mẹ và giáo viên.
Trong bối cảnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, học trực tuyến đang trở thành phương pháp giáo dục tối ưu. Tuy vậy, để việc học hiệu quả hơn thì ngoài sự giảng dạy từ giáo viên, trẻ cần sự giám sát và nhắc nhở thường xuyên của ba mẹ. Phụ huynh cần giúp trẻ quản lý thời khóa biểu học tập. Việc tuân thủ kế hoạch học tập trong ngày sẽ cho phép các con dễ dàng chuyển tiếp giữa hoạt động trong và ngoài giờ học trực tuyến.
Vì vậy, phụ huynh cần thảo luận lịch học và nhắc nhở con chuẩn bị bài vở trước khi tham dự lớp học trực tuyến. Phụ huynh cũng nên theo sát các môn học của con để nếu con gặp khó khăn sẽ trao đổi với giáo viên nhằm tìm giải pháp khắc phục. Tránh tình trạng do không hiểu bài, trẻ sinh ra chán nản rồi quay sang làm việc riêng mà không chú tâm vào việc học.
Giáo dục online là xu thế tất yếu của thời kỳ chuyển đổi số và là giải pháp khả thi trong các thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp đối với một số cấp học. Trong rất nhiều giải pháp được đưa ra, việc hướng cho con cách học online hiệu quả sẽ giúp phát huy được những ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của hình thức dạy học này.
Hoài Nam