* Thầy giáo Lê Đình Chương: Xúc động và tự hào với những thành quả mà giáo viên và học sinh Trường THPT Đông Hà đã đạt được.
![]() |
Tôi về nhận công tác ở Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị (nay là Trường THPT Đông Hà) vào một ngày giữa tháng 9/1973.
Nhớ lại những ngày gian khó đầu tiên, giữa hoang tàn, đổ nát, bằng tình thương, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết tràn đầy, đồng chí Lê Quang Vãn, hiệu trưởng nhà trường đã cùng với các thầy cô giáo ngày ngày đội mũ tai bèo, chân đi dép cao su, đạp xe lặn lội về tận nhà các em học sinh ở các vùng Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng…để tìm gọi từng em về tựu trường. Đến ngày 11/11/1973, 275 em học sinh, cùng cán bộ, giáo viên nhà trường đã vui mừng, phấn khởi, cùng xếp hàng ngay ngắn dưới lá cờ đỏ sao vàng, làm lễ chào cờ khai giảng năm học mới. Hòa chung niềm vui với thầy trò nhà trường, đồng chí Lê San, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị đã đến dự buổi lễ khai giảng và động viên chúng tôi rằng: “Tuy còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng chính quyền cách mạng sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thầy trò dạy và học”. Nhờ sự quan tâm đó mà học sinh trường tôi được chính quyền trợ cấp mỗi em 16 kg gạo/tháng cùng một số nhu yếu phẩm khác.
Thời điểm ấy, mặc dù đã vào năm học mới nhưng lớp học đầu tiên vẫn phải học nhờ ở Trường Trung học Đệ nhất cấp xã Triệu Lương, huyện Triệu Phong vì trường của chúng tôi chưa tìm được địa điểm xây dựng. Tôi và các anh em đồng nghiệp, một buổi dạy học, một buổi cùng với các em học sinh vào tận sân bay Ái Tử nhặt nhạnh từ thanh gỗ ép, mảnh tôn, sắt, thép…để về dựng trường. Như đàn ong cần mẫn, chẳng bao lâu, ngôi trường mới với 2 dãy nhà học, mái tranh xen lẫn mái tôn mọc lên trên Dốc Sỏi, ngôi trường mơ ước của chúng tôi cũng chính thức có địa điểm hoạt động từ đó.
Trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, cuộc sống vô cùng kham khổ, bát cơm không độn khoai sắn cũng là mơ ước xa xỉ đối với nhiều người. Thế nhưng, vượt lên tất cả, thầy trò chúng tôi luôn đùm bọc, động viên nhau cùng cố gắng. Khóa thi tốt nghiệp Tú tài đầu tiên của Quảng Trị có 94 em dự thi thì 90 em đỗ với số điểm khá cao. Đây là động lực to lớn, giúp thế hệ nhà giáo chúng tôi lúc bấy giờ vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm dìu dắt các thế hệ học sinh vững bước vào đời.
Năm 1975, nhờ sự hỗ trợ của nhân dân lao động tỉnh Bologna (Ý) và sự giúp đỡ của nhân dân miền Bắc, 12 dãy nhà học kiên cố đã được xây dựng giữa cánh đồng lúa chín, hình ảnh ngôi trường thân yêu khang trang đã làm thổn thức bao thế hệ học sinh ngày ấy. Năm học 1975 - 1976, Trường Phổ thông cấp 3 Quảng Trị được hòa nhập chung trong hệ thống các trường trung học của tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất và mang tên Trường cấp 3 Đông Hà, đến năm 1982 trường đổi tên thành Trường THPT Đông Hà.
Nhìn lại chặng đường 45 năm đã qua, tôi không khỏi xúc động và tự hào với những thành quả mà giáo viên và học sinh Trường THPT Đông Hà đã đạt được. Bởi đó chính là quả ngọt được tạo nên từ sự bền bỉ, kiên trì của các thế hệ học sinh; tình yêu thương, lòng tâm huyết với sự nghiệp trồng người cao quý của các thầy giáo, cô giáo nơi đây.
* Cô giáo Hoàng Thị Kim Lịch: Tình bạn, tình đồng nghiệp sắt son trong những ngày gian khó
![]() |
Tôi may mắn được trở về quê hương và gắn bó với Trường THPT Đông Hà ngay từ những ngày đầu khi mới thành lập. Ký ức không thể nào quên trong tôi có lẽ là lần được gặp lại thầy giáo Lê Quang Vãn, Hiệu trưởng Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị tại chính nơi tôi về nhận công tác. Cuộc sống này luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ, cũng giống như giây phút tôi được gặp lại người thầy giáo mẫu mực, đức độ đã dạy dỗ tôi hơn 10 năm về trước lúc tôi đang còn học tập ở miền Bắc. Niềm vui, xen lẫn niềm tự hào vì giờ đây người học trò năm xưa của thầy đã trưởng thành, trở thành người đồng nghiệp, cùng thầy dìu dắt những thế hệ học trò tiếp theo vững bước vào đời.
Ngày ấy, thầy giáo Lê Quang Vãn cùng với 7 anh chị em giáo viên: Lê Ngọc Minh, Lê Đình Chương, Nguyễn Xuân Lạn, Phan Thị Lương, Lê Khả, Lê Trọng Lư, Hoàng Thị Kim Lịch đã động viên nhau quyết tâm cố gắng ngay từ những bước đi đầu tiên. Nhiệm vụ cấp thiết nhất của tập thể giáo viên chúng tôi lúc đó là phải tìm được trường để học nhờ và liên hệ nơi ăn, chốn ở cho các em học sinh.
Bấy giờ, 7 người chúng tôi chia làm 3 bộ phận: đồng chí Lương, Lịch phụ trách cơm áo gạo tiền và mọi chế độ chính sách; đồng chí Lư, Khả thì bằng mọi cách phải liên hệ được địa điểm để tổ chức lễ khai giảng và mở lớp học đầu tiên; đồng chí Chương, Minh, Lạn tiến hành lập danh sách học sinh và chuẩn bị công văn, giấy tờ để làm công tác tuyển sinh. Cơ sở vật chất của ngôi trường chúng tôi lúc bấy giờ là 7 bộ bàn ghế được chắp vá từ những mảnh ván cũ, vài cái nồi đất, một ít gạo muối và thực phẩm khô. Cơ ngơi của trường chúng tôi lúc ấy nằm vừa gọn trong một chuyến xe ô tô. Nhà bác Cu, nơi chúng tôi mượn nhờ để xin đặt trụ sở văn phòng tuyển sinh là một ngôi nhà còn sót lại sau chiến tranh, bức tường xung quanh nhà ghim đầy vỏ đạn, mái ngói cũng chi chít những lỗ thủng nhiều hình thù. Thế nhưng, trong bữa cơm đầu tiên của những thầy cô giáo ngày ấy, những câu chuyện thể hiện sự lạc quan và niềm tin về một ngôi trường tươi mới, nơi có những thế hệ học trò sẽ tiếp nối nhau trưởng thành trong tương lai vẫn được các thầy cô nhắc đến rất nhiều.
Những ngày trường chuyển địa điểm lên Dốc Sỏi, kể sao cho hết những khó khăn ban đầu. Chúng tôi ngoài giờ đứng lớp, còn tranh thủ san lấp hố bom, tháo dỡ dây thép gai, nhặt từng thanh củi nhỏ để xây dựng trường lớp. Trong gian khổ, trong thiếu thốn, tình đồng chí, đồng nghiệp lại gắn bó hơn bao giờ hết. Thật khó quên được hình ảnh cảm động của nhiều thầy cô giáo dầm mình trong mưa gió, lặn lội giữa đêm tối để cáng võng đưa những người bạn, những người đồng nghiệp của mình đến bệnh viện những lúc ốm đau, sinh nở. Họ còn tình nguyện chăm sóc, cơm cháo cho đồng nghiệp mình như chăm sóc những người thân yêu, ruột thịt trong gia đình.
Tôi dạy môn Sinh học, thuộc Tổ Sinh Thể Kỹ. Thời ấy, ba môn: Sinh học, Thể dục, Kỹ thuật được nhập vào thành một tổ. Tổ của chúng tôi gồm có 9 thành viên, đều là những thầy cô giáo trẻ, rất tâm huyết với nghề. Tôi vẫn còn nhớ như in những đêm cùng đồng nghiệp soạn giáo án dưới ngọn đèn dầu le lói, mỗi người một môn học, một bài giảng nhưng tựu trung là tình yêu thương, niềm khát khao được truyền đạt hết những tri thức mà mình có được trong những bài giảng lên lớp mỗi ngày. Dù trường chỉ mới được thành lập, thế nhưng Ban giám hiệu nhà trường đã quan tâm đầu tư, cùng với các thầy cô giáo bộ môn Sinh học, lặn lội xuôi ngược để tìm kiếm, sưu tầm các loại cây xanh, hạt giống đem về trường để xây dựng nên mô hình vườn sinh vật và vườn ươm cây giống, giúp các em học sinh có cơ hội trải nghiệm và thực hành, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sinh học trong nhà trường.
Tôi đã về hưu và rời xa mái trường này gần hai mươi năm, giữa rất nhiều đổi thay của cuộc sống thường nhật, giữa những điều tưởng chừng như đã rơi vào quên lãng vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi, xao xuyến với ký ức của những ngày đầu kề vai sát cánh cùng các đồng chí, đồng nghiệp của mình miệt mài, tận lực với sự nghiệp trồng người.
* Thầy giáo Nguyễn Văn Triển: Thương yêu các em học sinh như một phần máu mủ
![]() |
Khó có thể diễn đạt hết những cảm xúc của tôi khi nhớ lại những ngày đầu gắn bó với mái trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị.
Hồi đó, tôi được phân công chủ nhiệm lớp học gồm có 43 em học sinh. Đa số các em đều từ vùng K8, K10 trở về cùng với một số học sinh cũ ở vùng giải phóng Quảng Trị. Tuy nhà trường chưa ban hành nội quy học sinh nhưng các em đều tự giác thực hiện nghiêm chỉnh giờ giấc lên lớp và mọi hoạt động sinh hoạt, lao động tập thể của nhà trường.
Tôi nhớ mãi hình ảnh của cậu học trò Trần Cảnh Khóa, một buổi đến trường theo học con chữ, một buổi dò dẫm khắp mọi nẻo đường của thị xã Đông Hà để nhặt nhạnh phế liệu chiến tranh mang đi bán kiếm tiền mua sách vở. Em đến lớp trên đôi chân chằng chịt những vết sẹo do dẫm vào mảnh chai, vỏ đạn nhưng em nói với tôi rằng, em sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ đến trường, sẽ phấn đấu trở thành người có ích cho đất nước. Thầy cô giáo chúng tôi chẳng ai bảo ai đều tự nguyện nhường cơm xẻ áo, động viên và giúp đỡ em Khóa cố gắng vượt qua khó khăn, vững bước trên đường đời. Chính ánh mắt tinh anh và nụ cười hồn nhiên của em Khóa đã tiếp cho tôi thêm động lực để phấn đấu và giữ vững quyết tâm bám trụ lại nơi này.
Thời kỳ 1973 -1975, Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị là trường trung học duy nhất của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại vùng giải phóng miền Nam. Mỗi năm thầy và trò nhà trường vinh dự đón hơn 10 đoàn khách trong và ngoài nước đến chúc mừng, tham quan, động viên và chia sẻ. Tôi nhớ mãi kỷ niệm của một lần đón đoàn khách quốc tế, em Lê Thị Nao, học sinh lớp 12A được phân công tặng hoa cho đoàn nên phải mượn áo dài của một chị bạn để mang làm lễ. Trong thời kỳ vừa chấm dứt bom đạn ấy, đi đâu cũng thấy chằng chịt dây thép gai, thế nên trong lúc làm lễ đón đoàn không may tà áo dài màu hồng của em vướng vào dây thép gai rách toạc. Cô học trò nghèo hoảng sợ và bật khóc ngay trong buổi lễ ngày hôm ấy. Lúc đó, các thầy cô giáo đã đến động viên em, cùng em đến gặp chị bạn sau khi buổi lễ kết thúc để xin đền chiếc áo dài, thế nhưng chị bạn của em đã chẳng hề trách mắng mà còn nhờ cô giáo sửa lại chiếc áo dài thành áo ngắn rồi mang tặng em Nao làm kỷ niệm.
Ký ức của tôi về mái trường còn là những đêm trăng sáng quây quần cùng với đồng nghiệp và các em học sinh ở Dốc Sỏi. Thầy Trường với chiếc đàn ghita, thầy Trọng với chiếc accordion cổ điển tình nguyện đệm đàn cho mọi người cất cao lời ca tiếng hát. Đội văn nghệ của trường tôi những năm ấy hễ đi thi cuộc thi nào thì cũng đều giành được giải cao và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.
Nhớ về ngày xưa, cảm xúc của tôi chưa bao giờ cũ. Dưới mái trường này, các thế hệ thầy trò đã san sẻ buồn vui, dìu nhau qua năm tháng khốn khó. Ít trò biết rằng, ngọn đèn dẫn lối các em đến lớp trong đêm tối ngày nào đã khiến trái tim thầy rung động và nó mãi trở thành động lực để thầy cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp trồng người.
Hà Trang (ghi)