Đổi đời từ nghề làm bún
(QT) - Khi mới cưới, anh làm đủ nghề từ phụ hồ, thợ mộc rồi chạy xe ôm, chị thì chạy chợ buôn bán lặt vặt nhưng cuộc sống của vợ chồng anh vẫn cứ nghèo khó. Tuy nhiên từ ngày bén duyên với nghề làm bún, vợ chồng anh đã dần thoát nghèo và vươn lên khá giả với mức thu nhập từ 300- 350 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Đó là vợ chồng anh Hoàng Ngọc Công, 50 tuổi và chị Hoàng Thị Hằng, 43 tuổi ở khóm 1, thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em nên anh Công phải sớm nghỉ học. Từ ngày nghỉ học, hàng ngày anh Công phải làm đủ nghề như làm thuê làm mướn, phụ hồ, bốc vác để phụ giúp gia đình. Sau khi gom góp được ít vốn, anh quyết định mua một chiếc xe máy để hành nghề xe ôm tại thị trấn Hải Lăng. Trong quá trình rong ruổi hành nghề xe ôm, anh đã gặp và quen cô gái tên Hoàng Thị Hằng, làm nghề bán bún rong. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người đã đến với nhau trong niềm hạnh phúc bằng một đám cưới giản dị. Rồi lần lượt những đứa con ra đời. Cuộc sống vợ chồng trẻ vốn gặp nhiều khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn. Tuy hai vợ chồng ngày đêm quần quật làm việc nhưng vẫn không đủ tiền để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 3 con đến tuổi ăn học cũng chính vì cái nghề của 2 vợ chồng anh quá bấp bênh. Đã có lúc gia đình anh Công lâm vào tình cảnh bế tắc, được xếp vào hộ nghèo trong nhiều năm của thị trấn.
 |
Chị Hằng chuẩn bị bún bán cho khác |
“Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, cái nghề bán bún dạo của vợ thì chỉ ki cóp từng đồng lẻ, không được bao nhiêu. Còn nghề xe ôm của tôi lại không ổn định, khi có khách thì ngày kiếm được vài chục nghìn đồng, còn khi vắng khách, mưa gió thì xem như trắng tay. Trong khi đó con cái ngày càng lớn, tiền ăn, tiền học ngày một nhiều hơn. Nhiều lúc nghĩ nên chuyển nghề khác cho ổn định để làm lụng nuôi con mà cũng không biết bắt đầu từ đâu”, anh Công kể lại. Thời điểm những năm 1990, ở trung tâm huyện Hải Lăng chưa hề có một cơ sở làm bún nào, các quán ăn, nhà hàng đều phải lấy bún ở nơi khác. “Lúc ấy tôi nghĩ sao mình không mở lò bún, vì vợ tôi vốn là người ở làng bún nổi tiếng Cẩm Thạch, xã Cam An, huyện Cam Lộ. Cuối cùng cả hai vợ chồng thống nhất sẽ mở lò bún nhằm cải thiện đời sống và tìm kiếm cơ may đổi đời”, anh Công kể thêm. Tích lũy được ít vốn, cùng với vay mượn của bà con, vợ chồng anh Công mở lò bún thủ công. Thời điểm đầu, do chưa có nhiều khách hàng nên việc làm ăn của vợ chồng anh rất bấp bênh. “Do làm thủ công bằng cách vắt tay nên mỗi ngày cố gắng lắm vợ chồng tôi cũng chỉ làm được chừng vài chục cân. Tuy ít vậy nhưng vẫn không bán hết vì chưa có khách. Hàng ngày vợ tôi phải mang ra chợ bán lẻ. Nhiều lúc cũng nản lắm nhưng nghỉ làm bún thì chưa biết phải làm gì”, ngồi bên chồng, chị Hằng nói thêm. Nhưng rồi khó khăn cũng dần qua khi sản phẩm bún sợi của anh chị làm ra ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng. Nhiều quán ăn, nhà hàng ở thị trấn Hải Lăng và một số khu vực lân cận bắt đầu đặt bún cho gia đình anh. Công việc làm bún của anh chị cũng trở nên bận rộn từ đó. Hàng ngày, vợ chồng anh phải dậy thật sớm ngâm gạo, vo gạo, xay bột, đánh bột rồi vắt ra sợi bún để kịp bỏ cho khách hàng. Khách hàng ngày càng tăng cũng đã mang lại thu nhập khá cho gia đình anh, khó khăn cũng dần qua. Tuy nhiên làm bún kiểu truyền thống quá vất vả, lượng bún làm ra không đủ cung cấp cho khách hàng nên vợ chồng anh quyết định tìm mua máy móc về làm bún theo kiểu công nghiệp. Qua kênh vốn Hội Nông dân xã cùng với số vốn tích cóp được, đến đầu năm 2009 vợ chồng anh mới quyết định ra tỉnh Hà Nam mua dây chuyền làm bún với số tiền hơn 100 triệu đồng. Sau khi có máy về, sản lượng bún làm ra của gia đình anh đã tăng vọt, có thể đáp ứng cho hàng chục quán ăn, nhà hàng trên địa bàn. Nhờ được làm bằng máy cùng với bí quyết gia truyền nên sản phẩm bún của gia đình anh Công làm ra có đủ kích cỡ, có độ dẻo dai, thơm ngon hơn bún làm bằng tay và có thể bảo quản lâu ngày mà không bị hỏng. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở làm bún của gia đình anh Công sản xuất bán ra được khoảng từ 5 đến 6 tạ bún (giá bán ra khoảng 700.000 đồng/tạ), mang lại doanh thu từ 3,5 đến 4 triệu đồng/ngày, sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng trên 1 triệu đồng/ngày. Như vậy hàng năm sau khi trừ mọi chi phí gia đình anh cũng có lãi ròng từ 300 đến 350 triệu đồng. Ngoài mang lại thu nhập cho gia đình, cơ sở sản xuất bún của gia đình anh Công cũng đã giải quyết cho khoảng 4 lao động làm thêm giờ, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hải Lăng cho biết: "Từ một hộ nghèo, nhưng bằng nghị lực, quyết tâm thoát nghèo mà gia đình anh Công đã mạnh dạn mở hướng làm ăn, từ đó vượt qua khó khăn vươn lên khá giả. Chúng tôi ghi nhận và biểu dương sự vươn lên của gia đình anh Công và xem đó là tấm gương vượt khó tiêu biểu của địa phương”. Với sự nỗ lực vượt khó làm giàu, vợ chồng anh Công đã nhiều lần được Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị và Hội Nông dân huyện Hải Lăng chứng nhận là hộ gia đình sản xuất- kinh doanh giỏi. Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT