Không thể tiếp tục trồng sắn theo kiểu quảng canh
(QT) - Từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị (gọi tắt là Công ty thương mại Quảng Trị) đi vào hoạt động, vị thế cây sắn vùng Lìa đã được nâng cao. Sắn không chỉ là cây lương thực thuần túy mà đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và là cây làm giàu của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Nhờ sản lượng lớn sắn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến tinh bột, người dân vùng Lìa đã mang về một nguồn thu không nhỏ, mỗi năm xấp xỉ 100 - 120 tỷ đồng, chỉ riêng ở xã Thuận, giá trị hàng hóa mỗi năm cây sắn mang lại không dưới 20 tỷ đồng, đây là nguồn thu mà từ trước tới nay ở vùng đất này nằm mơ cũng không có. Do sắn là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi thâm canh cao, chi phí thấp và hiệu quả kinh tế lớn nên những năm qua người dân địa phương đã ồ ạt mở rộng diện tích, từ chỉ chưa đầy 500 ha, đến nay toàn vùng Lìa đã có gần 4.000 ha. Theo bước chân của những người dân mở đất, sắn đã leo lên đồi, vào vùng núi sâu, vào tận xã Xi, Pa Tầng cách xa nhà máy hàng chục cây số. Dưới tán cà phê, cao su nhiều người cũng trồng sắn để tận dụng đất khi cây chưa khép tán. Có thể nói rằng cây sắn vùng Lìa bây giờ đã là một loại cây công nghiệp có giá trị, người dân trồng sắn đã có cuộc sống tốt hơn, thu nhập cao hơn và không ít người đã giàu lên nhờ cây sắn.
 |
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân vùng Lìa thâm canh cây sắn. |
Trong khi nhiều loại nông sản đang bế tắc đầu ra hoặc luẩn quẩn trong điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” thì cây sắn đang thể hiện thế mạnh vượt trội của nó. Theo Phó giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa Lê Văn Thể, việc mở rộng và nâng công suất của nhà máy từ 90 tấn tinh bột/ngày lên 150 tấn/ngày đã đặt ra yêu cầu mở rộng vùng nguyên liệu, nếu không nguy cơ thiếu hụt nguồn cung là điều không thể tránh khỏi. Với công suất hoạt động hiện tại, mỗi ngày nhà máy cần trên 500 tấn sắn củ tươi, tương đương với diện tích 20 ha, nhu cầu sắn nguyên liệu của nhà máy là rất lớn, trong khi đó quỹ đất dùng để trồng sắn không còn nhiều và đang chịu sự tranh chấp với nhiều loại cây công nghiệp khác thì để đảm bảo đủ nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến hoạt động, vấn đề đặt ra là phải tập trung thâm canh để tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Giá trị hàng hóa mà cây sắn mang lại cho người dân vùng Lìa là quá rõ. Theo đồng chí Võ Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa thì việc trồng sắn cung cấp cho nhà máy chế biến tinh bột đã giải được bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một vùng đất khó. Cây sắn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội. Trước đây Lìa là một vùng đất nghèo khó, người dân loay hoay với đủ loại cây trồng mà tỷ lệ hộ nghèo đói vẫn rất lớn, nhưng từ khi có nhà máy chế biến, cây sắn đã lên ngôi, nó không còn là cây lương thực thuần túy mà đã trở thành cây công nghiệp, cây nguyên liệu quan trọng, mang lại giá trị hàng hóa rất lớn, góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương. Do đó, trong quy hoạch phát triển vùng Lìa, huyện vẫn xác định sắn là cây mũi nhọn, chưa thể có cây gì thay thế được. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng sắn một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch, thiếu các biện pháp đầu tư thâm canh theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững đã để lại nhiều hậu quả đáng lo ngại. Nhiều diện tích luân canh cây sắn đã bạc màu, khả năng sinh trưởng của cây sắn trên các vùng đất này rất hạn chế. Điều dễ dàng nhìn thấy được là diện tích mỗi năm tăng lên bình quân 500 ha (từ 1.000 ha năm 2004 đến nay đã đạt trên 4.000 ha) nhưng sản lượng sắn nâng lên hàng năm không đáng kể, nguyên do chủ yếu là năng suất đã giảm nhiều so với trước. Theo ông Hồ Văn Dỏ, một điển hình trồng sắn giỏi ở xã Thanh, trước đây khi mới trồng, đất vừa khai hoang còn nhiều dinh dưỡng, mỗi héc ta sắn cho thu hoạch trên 35 - 40 tấn củ thì bây giờ năng suất chỉ còn một nửa, thậm chí những vùng đất dốc chỉ còn khoảng trên 10 tấn. Không chỉ giảm mạnh về năng suất mà hai năm trở lại đây, trên cây sắn ở vùng Lìa bắt đầu xuất hiện một số bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng, làm người trồng sắn hết sức lo lắng. Sắn là cây rễ củ, dễ trồng, dễ sống nên nhiều người cứ lầm tưởng trồng sắn đã làm đất bạc màu. Nhưng với nhiều bằng chứng khoa học xác đáng, tiến sĩ Reihardt Howeler, chuyên gia giàu kinh nghiệm với hơn 30 năm nghiên cứu về cây sắn của tổ chức CIAT (Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới quốc tế, có văn phòng ở Băng cốc, Thái Lan) cho rằng, chỉ con người mới làm đất bạc màu vì thái độ thờ ơ và lạm dụng đất đai một cách quá đáng. Ông cho rằng: “Sắn phát triển tốt ở các vùng đất kết cấu đơn giản, độ màu mỡ thấp. So sánh với các loại cây trồng khác, sắn cũng rất ôn hoà với độ pH đất thấp và bão hoà cao. Sắn vẫn có thể trồng được ở nơi đất có độ pH 3,8 - 4,2 và ôn hoà với độ bão hoà cao đến 80 - 85%, theo điều kiện này hầu hết các loại cây trồng khác sẽ chết. Khi được trồng ở đất tự nhiên, sắn cũng ôn hoà tốt ở đất có độ pH thấp, có mức độ khắt khe đối với độ pH đất chỉ 4-5ppm so với 15-20ppm đối với các loại cây trồng như ngô, lúa, đậu… Sự ôn hoà pH đất này là do kết hợp có hiệu quả với nấm “VAM”. Nấm này xuất hiện tự nhiên ở mọi loại đất. Do đó sắn có khả năng phát triển ở các vùng đất ít màu mỡ trong khi các cây trồng khác thì không thể. Tôi đã có hàng ngàn thí nghiệm khẳng định về điều đó, trên cùng một loại đất, nếu các loại cây như lúa, ngô, đậu mà không cung cấp nguồn dinh dưỡng bổ sung như đạm, lân, ka li thì sau một năm năng suất sẽ bằng không nhưng với cây sắn thì khác, nó có thể giảm năng suất nhưng vẫn cho sản phẩm thu hoạch. Sắn là cây dễ trồng, không đòi hỏi nguồn dinh dưỡng bổ sung khắt khe như nhiều loại cây trồng khác, vì không đầu tư sắn vẫn cho sản phẩm (dù giảm dần theo thời gian canh tác), mà người ta nhầm tưởng sắn làm hư hỏng đất, thực ra nếu duy trì chế độ dinh dưỡng bổ sung như các loại cây trồng khác thì sẽ không có sự hiểu lầm đó”. Sau khi nghiên cứu một cách tỉ mỉ vùng trồng sắn Hướng Hóa, lấy mẫu đất về Mỹ xét nghiệm, mới đây tiến sĩ Howeler đã gửi cho Công ty thương mại Quảng Trị kết quả phân tích, đồng thời ông cũng đề xuất một số biện pháp cải tạo đất một cách phù hợp. Theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Howeler, đất trồng sắn ở các xã vùng Lìa đã không còn nhiều dinh dưỡng, trong khi đó người dân canh tác lại quá lạm dụng mà không bổ sung dinh dưỡng cho đất do đó năng suất sắn giảm xuống đáng kể là điều dễ hiểu. Tuy nhiên để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất, cũng phải hết sức cân nhắc, nếu không sẽ lợi bất cập hại, đó là chưa nói nếu làm không đúng cách sẽ làm thiệt hại kinh tế và người dân cũng khó ứng dụng. Với vùng Lìa, để cây sắn phát triển tốt, duy trì được năng suất nhất thiết phải bổ sung chất hữu cơ cho đất, đây là loại phân bón có sẵn trong tự nhiên, nếu người dân cần cù chịu khó một chút là có thể hóa giải được sự thiếu hụt do canh tác quá lạm dụng. Với phân hóa học, để cây sắn phát triển tốt, giữ được độ màu mỡ của đất chỉ cần bổ sung phân Kali là đủ, cũng không cần nhiều, bình quân khoảng 80 kg/ha/năm. Tiến sĩ Howeler khẳng định, việc cải tạo đất cũng góp phần quan trọng ngăn chặn dịch bệnh cho cây sắn. Thông thường, khi đất bạc màu, khả năng sinh trưởng của cây trồng kém cũng là cơ hội để dịch bệnh thâm nhập và phát triển. Điều này quả không sai, vì hàng chục năm trước cây sắn đã có mặt tại vùng Lìa nhưng chưa bao giờ dịch bệnh có thể gây hại đối với nó, chuyện dịch bệnh với cây sắn có thể xem là chuyện lạ. Nhưng hai năm trước nhiều hộ gia đình trồng sắn ở vùng Lìa đã điêu đứng vì sắn nhiễm bệnh, do đó tăng dinh dưỡng cho đất chính là cách gián tiếp ngăn chặn dịch bệnh gây hại cho cây. Chia sẻ với những khó khăn của người dân và để duy trì, phát triển cây sắn vùng Lìa, ổn định vùng nguyên liệu, những năm qua, Công ty thương mại Quảng Trị mà trực tiếp là Nhà máy chế biến tinh bột sắn đã kiên trì tìm đến các chuyên gia về cây sắn để “tầm sư học đạo”, tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng nhiều mô hình trình diễn để hướng dẫn nông dân các biện pháp thâm canh cây sắn theo hướng cầm tay chỉ việc, miệng nói tay làm. Tận dụng nguồn phụ phẩm từ công nghiệp chế biến sắn, nguồn phân hữu cơ từ việc nuôi bò, nhà máy đã sản xuất phân bón đa dinh dưỡng phát không hoặc bán giá rẻ theo hình thức trả góp cho bà con nông dân. Lúc đầu nhà máy thực hiện chính sách khuyến khích cứ nhập hai xe sắn được cấp một xe phân bón đổ ngay tại rẫy, bà con chỉ trả tiền vận chuyển với mức giá rất thấp, đây là cách làm rất có hiệu quả để vận động bà con thâm canh cây sắn, ngăn chặn tình trạng đất đai bị bạc màu. Phó giám đốc Nhà máy Lê Văn Thể nói rằng: “Việc đẩy mạnh thâm canh cây sắn ở vùng Lìa là hết sức cần thiết và không thể chậm trễ thêm được nữa vì nhiều vùng trồng sắn ở đây đất đã quá bạc màu, năng suất xuống rất thấp. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài vì trước hết phải làm thay đổi nhận thức của người dân, phải tìm được phương thức cải tạo đất hữu hiệu. Được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chúng tôi đã tìm được bí quyết và ứng dụng khá hiệu quả vào thực tiễn. Để thay đổi nhận thức cho người dân, mới đây nhà máy đã tổ chức cho các hộ trồng sắn giỏi ở vùng Lìa đi tham quan học tập kinh nghiệm trồng sắn theo hướng thâm canh ở Thái Lan. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, nhiều người đã “sáng mắt” khi nhìn những vùng chuyên canh sắn của người dân nước bạn có năng suất trên 60 tấn/ha, mặc dù đất đai ở đó còn xấu hơn đất ở vùng Lìa. Hy vọng trong thời gian tới vùng Lìa sẽ có nhiều thay đổi, vì nhiều người đã thấy rõ vấn đề không thể tiếp tục trồng sắn theo kiểu quảng canh”. Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC