(VnExpress) - Đứa con tinh thần của đạo diễn Lưu Trọng Ninh thai nghén từ bốn năm trước, trải qua lần ra mắt hụt với Hãng phim truyện Việt Nam đã tìm được nhà sản xuất mới và đổi tên từ “Chiếu dời đô” sang “Khát vọng Thăng Long”.
![]() |
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh quyết tâm thực hiện bằng được phim về Lý Công Uẩn. Ảnh: Văn Tiệp. |
Trong buổi sáng họp báo Khát vọng Thăng Long sáng 5/2, tại Hà Nội, đạo diễn cùng những người chịu trách nhiệm về bộ phim không cung cấp nhiều thông tin cho báo chí. Êkíp thực hiện, diễn viên, nội dung kịch bản… vẫn nằm trong bóng tối. Giải thích về điều này, Lưu Trọng Ninh cho biết: “Làm phim để vừa đáp ứng lịch sử, vừa đảm bảo ý nghĩa 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội giống như đi ra pháp trường trước hàng trăm họng súng. Vì thế hãy cho chúng tôi giữ kín”. Bà Lệ Hằng, Chủ tịch hội truyền thông Hà Nội, đơn vị bảo trợ thông tin cho bộ phim, thì đánh giá, bí mật này sẽ “tăng yếu tố ly kỳ” cho bộ phim. Giới truyền thông chỉ được tiết lộ “ Chiếu dời đô và Khát vọng Thăng Long cùng đi một con đường. Về kịch bản, Khát vọng Thăng Long không có gì thay đổi so với Chiếu dời đô trừ quy mô, nhà sản xuất”.
Có thể hiểu được sự cảnh giác của Lưu Trọng Ninh qua những tâm sự trước đó của anh với VnExpress.net về quá trình chuẩn bị cho phim: “ Chiếu dời đô có tiền lệ rất rắc rối. Chính tôi từng được chọn làm đạo diễn bộ phim này của Hãng phim truyện Việt Nam nhưng do nhiều yếu tố, sự việc trở thành không hay. Sự không may ấy một phần là do sự loạn xạ của thông tin. Chúng ta nên tập thói quen: làm rồi hãy nói. Chưa đâu ra đâu cả mà tuyên bố rầm rộ làm gì?”.
Hiện Khát vọng Thăng Long ở giai đoạn tiền kỳ. Đạo diễn nhận định, đối với những phim dã sử, tiền kỳ còn quan trọng hơn sản xuất và hậu kỳ rất nhiều. Giữa tháng 3, phim bấm máy nhưng tác giả của Dốc tình vẫn cam đoan phim nhựa về Lý Thái Tổ sẽ hoàn thành trước 10/10. Dù vậy, chính anh cũng thừa nhận, 8 tháng là chặng đường vô cùng khó khăn: “Chúng tôi đã có 6 tháng chuẩn bị, khâu kỹ xảo cũng đã xong. Để đảm bảo kịp tiến độ, đoàn làm phim sẽ không có Tết. Thuyết phục anh em trong đoàn không khó, nhưng thuyết phục các làng nghề không ăn Tết như mình thì không đơn giản chút nào. Bình thường ngoài rằm tháng giêng họ mới làm việc, nhưng chúng tôi cần họ cho bối cảnh quay của mình”.
Lưu Trọng Ninh tỏ vẻ tự tin khi tuyên bố: “Trong mọi sự lựa chọn, người ta luôn có sự lựa chọn cuối cùng và đó là sự lựa chọn ý nghĩa nhất”. Anh gọi hành động của Công ty Kỷ nguyên sáng khi quyết định đầu tư cho Khát vọng Thăng Long là “sự đầu tư lãng mạn và dũng cảm”.
Khác với một số phim dã sử khác đang sản xuất để phục vụ sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Khát vọng Thăng Long sẽ được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam trừ hậu kỳ. “Âm thanh, quay phim nước ngoài nhưng bối cảnh, diễn viên của chúng tôi đều là “hàng nội”. Như thế tốn rất nhiều công sức vì chúng ta không có trường quay, nhưng một bộ phim lịch sử của Việt Nam nên để người Việt Nam thực hiện, như thế mới có ý nghĩa. Chúng ta không có nhiều tư liệu nhưng vì thế chúng ta sẽ có sự bay bổng trong sáng tạo” - Lưu Trọng Ninh khẳng định.
Ngọc Trần