Tiếp tục đổi mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đưa Đakrông giảm nghèo nhanh và bền vững
* TRẦN QUANG CHIẾN, Bí thư Huyện ủy Đakrông (Quảng Trị)  Sau 13 năm thành lập với 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ, xuất phát điểm là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn nhưng nhờ có sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh Quảng Trị, các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, đến nay, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Đakrông đã có những bước phát triển đáng kể, nhất là từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III (2005) đến nay.  Sau ...

Tiếp tục đổi mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đưa Đakrông giảm nghèo nhanh và bền vững

* TRẦN QUANG CHIẾN, Bí thư Huyện ủy Đakrông (Quảng Trị)

Sau 13 năm thành lập với 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ, xuất phát điểm là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn nhưng nhờ có sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh Quảng Trị, các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, đến nay, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Đakrông đã có những bước phát triển đáng kể, nhất là từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III (2005) đến nay. Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, Đảng bộ khẩn trương xây dựng chương trình công tác toàn khoá, tập trung ưu tiên những nội dung trọng tâm để lãnh đạo đó là: phát triển kinh tế đẩy nhanh tiến độ xoá đói giảm nghèo, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân để họ quyết tâm vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên quê hương mình. Chính vì vậy, Huyện uỷ đã ban hành nghị quyết về xoá đói giảm nghèo và nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá. Vấn đề cần được chú trọng là chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại-dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp. Điều này được coi là một trong những điểm đột phá của phát triển kinh tế của huyện, bởi từ bao đời nay người dân miền núi chỉ quen với sản xuất nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ với năng suất thấp. Nhận rõ điều đó, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các xã tích cực vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. Chủ trương này đã được thực hiện, quá trình chuyển đổi tuy chưa đồng đều nhưng tỷ lệ hộ thực hiện tăng dần năm sau cao hơn năm trước. Nhờ vậy, đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 14,8%, giá trị sản xuất CN-TTCN tăng với 27%/năm, thu nhập bình quân đầu người từ 2,8 triệu đồng năm 2006 lên 4 triệu đồng cuối năm 2009. Trong nông nghiệp đã khuyến khích giảm trồng trọt, tăng chăn nuôi, tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp tăng từ 6,4% năm 2005 lên 9% cuối năm 2009, mục đích nông nghiệp là sản xuất hàng hoá thay dần lối sản xuất tự cung tự cấp. Cùng với các ngành sản xuất, lĩnh vực tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ cũng được đẩy mạnh góp phần tích cực cho phát triển kinh tế. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 63,63% cuối năm 2005 xuống còn 34,7% vào cuối năm 2009. Cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh cũng được hoàn thiện dần. Đến nay, tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm. 100% số xã có điện lưới với 84,76% hộ dùng điện, gần 80% hộ được dùng nước sạch và nước tự chảy hợp vệ sinh. Trên lĩnh vực văn hoá xã hội cũng không ngừng phát triển. Đã tập trung xây dựng đề án phát triển giáo dục. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được chú trọng, đời sống sinh hoạt và tinh thần được từng bước đảm bảo và nâng cao, các chính sách xã hội được quan tâm chú trọng. QP-AN được đẩy mạnh. Huyện đã tổ chức thành công đợt diễn tập khu vực phòng thủ huyện với quy mô lớn. Thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân, an ninh nhân dân được kết hợp chặt chẽ trên phạm vi toàn huyện. Đường biên cột mốc được giữ vững. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm được thực hiện có hiệu quả. Nhiệm vụ xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân cũng đã đạt kết quả quan trọng. Huyện tổ chức nghiên cứu quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương, của tỉnh. Cụ thể hoá bằng chương trình hành động và các nghị quyết chuyên đề ở địa phương, đặc biệt là các nghị quyết về các lĩnh vực cần được tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng như: công tác thanh niên; nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, về công tác cán bộ...
Thị trấn Krông Klang ngày càng phát triển. Ảnh: L.M
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sau 3 năm thực hiện cũng đã đạt được những kết quả về mặt nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân. Từ nhận thức đã làm chuyển biến tích cực một số lĩnh vực như chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác phát triển đảng cũng được đẩy mạnh, từ đầu nhiệm kỳ, toàn huyện vẫn còn 9 thôn, bản chưa có đảng viên, đến nay, 100 % thôn bản đều đã có đảng viên, nâng số lượng đảng viên từ 1.100 đồng chí với 35 tổ chức cơ sở đảng năm 2005 lên 1.538 đồng chí với 45 tổ chức cơ sở đảng vào cuối năm 2009. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Khối đại đoàn kết toàn dân được xây dựng củng cố và giữ vững. Lòng tin của đồng bào các dân tộc vào đường lối đổi mới của Đảng, vào chế độ XHCN được củng cố, tăng cường. Thành tựu 5 năm qua là đáng ghi nhận cần được phát huy. Tuy vậy, vẫn còn nhiều yếu kém bộc lộ trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm cao nhưng thiếu ổn định. Thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 4 triệu đồng/năm. Chất lượng nhiều công trình xây dựng hiệu quả sử dụng thấp. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao (31%). Công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình có những thời điểm chưa đạt kế hoạch. Bước sang nhiệm kỳ thứ IV (2010- 2015), dự báo có nhiều thuận lợi, đặc biệt là trên lĩnh vực phát triển KT-XH, huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về đầu tư các nguồn lực phát triển để huyện giảm nghèo nhanh và bền vững và nhiều chương trình phát triển KT-XH khác. Mục tiêu của nhiệm kỳ là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, tiếp tục đổi mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đưa huyện giảm nghèo nhanh và bền vững”. Những chỉ tiêu chủ yếu mà huyện cần phấn đấu để đạt được là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 19-20%, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp 17-18%; CN-TTCN-XD 20-21%, TM-DV 21-23%, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 8.500 tấn vào năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng - 10 triệu đồng/năm. Dân số tự nhiên tăng ở mức ổn định 1,6%, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 5% mỗi năm. Đến năm 2015 có 1-2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. 100% thôn, bản, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hoá. 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia. 80% xã, thị trấn có bác sĩ, 25 giường bệnh/1 vạn dân. 80% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, mỗi năm giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi 3%. Tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 90% vào năm 2015. Phấn đấu để đạt và vượt các chỉ tiêu trên, trước hết phải tạo được bước chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền vận động nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm, đặc biệt trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Quyết tâm xây dựng các mô hình làm ăn giỏi, từ đó nhân rộng có hiệu quả trong các tổ chức: Phụ nữ, Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Xây dựng khối đại đoàn kết, giúp nhau phát triển KT-XH, ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo. Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển, nhất là tập trung thực hiện tốt quy hoạch tổng thể thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ theo kế hoạch từng năm và cả nhiệm kỳ. Coi trọng chất lượng sử dụng và bảo quản các công trình xây dựng phục vụ dân sinh. Trong lãnh đạo và chỉ đạo cũng phải tạo được sự chuyển biến tích cực với phương châm bám sát cơ sở, sát dân, hướng dẫn bằng những việc làm cụ thể trong sản xuất, xây dựng đời sống, từ những thôn bản, từ cộng đồng dân cư. Có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo nghề cho người lao động, cùng với việc thực hiện tích cực kế hoạch xuất khẩu lao động đối với huyện nghèo. Tiếp tục ổn định và phát triển các vùng kinh tế của huyện, kêu gọi đầu tư vào 2 khu vực kinh tế lớn của huyện đó là: Hướng Hiệp- thị trấn Krông Klang và khu kinh tế cửa khẩu LaLay - Tà Rụt, tạo động lực cho phát triển kinh tế của huyện.