Đakrông chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp
(QT) - Đakrông là huyện miền núi nên việc bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Rừng không chỉ có ý nghĩa là lá phổi xanh, bảo vệ đất đai không bị trôi rửa, bạc màu mà còn là nguồn lợi kinh tế, giúp người dân các bản làng có được nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống. Thông qua phát triển rừng để bảo vệ, khai thác rừng trồng ngày càng tốt hơn.

Đakrông chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp

(QT) - Đakrông là huyện miền núi nên việc bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Rừng không chỉ có ý nghĩa là lá phổi xanh, bảo vệ đất đai không bị trôi rửa, bạc màu mà còn là nguồn lợi kinh tế, giúp người dân các bản làng có được nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống. Thông qua phát triển rừng để bảo vệ, khai thác rừng trồng ngày càng tốt hơn.

Nhiều đồi núi hoang đã phủ màu xanh nhờ người dân đẩy mạnh phong trào trồng rừng​

Xác định tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của người dân địa phương, UBND huyện Đakrông đã thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng nay là Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Đakrông giai đoạn 2016 - 2020. Huyện cũng đã xây dựng đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2018- 2020 cùng với việc xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng hằng năm.

Trồng rừng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để phát triển rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Phong trào đã được người dân các xã, thị trấn hưởng ứng tích cực. Mặc dù diện tích rừng trồng mới hầu hết xa khu dân cư, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, chưa có đường đi lại thuận lợi nhưng người dân đã quyết tâm vượt qua để tăng diện tích rừng trồng. Theo báo cáo của UBND huyện, diện tích trồng mới rừng tập trung bình quân trong 3 năm 2016- 2018 là 1.030 ha và 60 vạn cây phân tán/năm. Hiện nay, diện tích rừng tập trung trên địa bàn ổn định khoảng 8.500 ha. Nhờ tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng đã nâng độ che phủ đến cuối năm 2018 đạt 64,7%, thực hiện vượt mức kế hoạch đề ra (chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 đạt tỉ lệ che phủ 66%).

Để người dân yên tâm sản xuất, chính quyền và các ngành hữu quan tạo điều kiện xác lập chủ quyền cho những người đã trồng rừng sở hữu đất rừng. Theo đó, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất 2.120 ha cho 950 hộ; tiến hành giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất và các hoạt động lâm nghiệp trong giai đoạn 2016- 2018 là 2.679 ha cho 1.626 hộ gia đình; cấp giấy chứng nhận đất có rừng tự nhiên giao cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư 1.735 ha. Giao rừng tự nhiên từ năm 2016- 2018 với diện tích hơn 3.427 ha cho 1.573 hộ tham gia quản lí. Bên cạnh đó, huyện cũng tiến hành rà soát chuyển đổi 3.632 ha đất rừng phòng hộ ít xung yếu sang sản xuất theo Quyết định 3359/2017 của UBND tỉnh. Huyện Đakrông cũng tích cực kêu gọi doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp. Đến nay, có 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột dăm gỗ rừng trồng tại xã Hướng Hiệp và thị trấn Krông Klang. Cả 2 nhà máy đều hoạt động hiệu quả.

Theo số liệu báo cáo của huyện, giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp đến cuối năm 2018 đạt 61,121 tỉ đồng, chiếm 21,88% trong cơ cấu nông, lâm, thủy sản và chiếm 7,25% tổng giá trị sản xuất của huyện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 23,9%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (16-17%). Việc phát triển kinh tế rừng không chỉ tăng độ che phủ, chống xói mòn đất, mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân. Đến nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã có 5-7 ha rừng trồng, không ít gia đình có tới hàng chục ha rừng trồng; có nguồn thu từ rừng mỗi năm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chúng tôi đã đến một số bản, làng của xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông) như: Xa Rúc, Xa Vi, Ruộng, Ra Lu, Khe Van Hà Bạc, Khe Hiên, Kreng, Pa Loang… Ở đây hầu hết bà con dân tộc thiểu số đều tham gia trồng rừng, gia đình trồng ít nhất một vài ha, nhà nhiều nhất hơn 20 ha, một số gia đình đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, không còn trồng rừng thưa mà chuyển sang thâm canh để có giá trị cao hơn. Kinh tế từ rừng đã giúp người dân có cuộc sống ổn định, không còn thiếu đói như trước đây.

Tuy có nhiều cố gắng song đánh giá một cách khách quan thì kinh tế lâm nghiệp của huyện Đakrông giá trị vẫn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một huyện miền núi; diện tích rừng tăng nhưng tính đa dạng sinh học của rừng thấp. Việc huy động các nguồn lực cho trồng rừng còn hạn chế, phần lớn vẫn còn dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và chương trình, dự án…

Trong thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về kinh tế lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng và phát triển các mô hình trang trại rừng, mô hình nônglâm kết hợp; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, các tổ chức quốc tế, các chương trình dự án, doanh nghiệp, dịch vụ môi trường để phát triển kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt huy động nguồn lực trong nhân dân để đầu tư trồng rừng kinh tế. Huyện cũng đặt vấn đề nghiên cứu đa dạng cây trồng lâm nghiệp, khắc phục tình trạng chủ yếu trồng cây keo, trồng một số cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên đã được giao cho cộng đồng quản lí, bảo vệ; xây dựng các mô hình thâm canh rừng sản xuất gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật trồng rừng cho người dân, khoanh nuôi làm giàu rừng tự nhiên, nông lâm kết hơp, trồng rừng thâm canh; cấp chứng chỉ trồng rừng; đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, đảm bảo rừng có chủ nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn.

PA