Đảm bảo giao thông ở vùng cao, cần sự hợp tác từ cộng đồng
(QT) - Chưa đến mùa mưa, nhưng có dịp lên các bản làng vùng cao Đakrông (Quảng Trị) đều cảm nhận được sự bất an của những con đường đã từng mang đến cho người dân vùng sâu, vùng xa những niềm hy vọng mới. Cho đến nay, tất cả các xã ở huyện miền núi này đều đã có đường giao thông về đến trung tâm xã. Hệ thống “đường huyện” này có tổng chiều dài gần 170 km, mặt đường cơ bản đã được nhựa hóa. Bên cạnh đó, nhiều tuyến giao thông nối liền các thôn bản cũng đã được khai thông và từng bước bê tông hóa, rất thuận tiện trong việc đi lại, giao lưu hàng hóa giữa các vùng. Với một địa bàn vùng sâu vùng xa, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, thiên tai thường xuyên đe dọa thì sự nỗ lực đầu tư của Nhà nước và sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước cho hạ tầng cơ sở nói chung và giao thông nói riêng ở Đakrông là một điều rất đáng ghi nhận.
Sự tàn phá của thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng điều làm cho tình trạng xuống cấp của nhiều tuyến giao thông ở vùng cao này ngày càng trầm trọng thêm lại chính là sự hờ hững, vô tâm của con người. Theo một cán bộ ở Phòng Dân tộc huyện, đa phần các tuyến đường này hư hỏng không phải lưu lượng vận tải quá lớn mà chủ yếu do hệ thống cống rãnh thoát nước không hoạt động, mùa mưa lũ nước từ trên núi cao chảy xuống với tốc độ mạnh làm xói lở mặt đường, có nơi đứt hẳn cả đoạn đường vài chục mét. Để ngăn chặn tình trạng này là không khó, không cần nhiều kinh phí, chỉ cần cán bộ địa phương nơi có những con đường này đi qua quan tâm, trước mỗi mùa mưa lũ vận động người dân nạo vét những đoạn cống rãnh bị đất đá, gỗ mục, lá cây vùi lấp là hạn chế được quá trình xói lở. Tuy nhiên điều đó đã không diễn ra, hết năm này qua năm khác nhiều con đường nhà nước đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây dựng, đem lại niềm vui cho người dân đã bị bỏ mặc trước sự tàn phá của thiên tai. |
Nếu như trước đây, khi huyện mới thành lập, giao thông đi lại là một trong những trở ngại lớn, nhiều xã như A Vao, Ba Nang, Ba Lòng, Hải Phúc chưa có đường ô tô, việc đi lại chủ yếu bằng cuốc bộ, vận chuyển hàng hóa, vật liệu phải dùng đôi vai thì giờ đây, ký ức về những ngày gian khó đó đã lùi xa. Từ thị trấn Krông Klang, chẳng khó khăn gì để về Ba Lòng, Hải Phúc vì toàn bộ gần 20 km đường đã được rải nhựa, cầu tràn qua sông Ba Lòng đã nối đôi bờ. Muốn vào A Vao, Ba Nang không còn phải cơm đùm cơm nắm, cắm cúi cuốc bộ vì đường đã thông, những ngọn núi sừng sững, những dòng suối sâu đã phải cúi đầu khuất phục trước ý chí của con người. Theo những con đường mơ ước, cuộc sống người dân vùng sâu đang từng ngày được cải thiện, ánh sáng văn hóa đã chiếu rọi đến tận bản làng, sản vật bà con làm ra đã trở thành hàng hóa có giá trị. Có thể nói, giao thông đã mang đến cho đồng bào vùng cao Đakrông nhiều cơ hội mới. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Chỉ sau một thời gian sử dụng, lại phải gồng mình chịu đựng sự khai thác quá tải, nhiều tuyến đường giao thông miền núi đã và đang xuống cấp trầm trọng. Trên tuyến đường Tà Rụt – A Vao, sau vài mùa mưa đã xuất hiện vô số những vết nứt, lún. Nhiều đoạn nước mưa đã xói lở mặt đường, hệ thống cống rãnh thoát nước hầu như không phát huy được tác dụng, nước chảy tràn qua đường làm thành những ổ sình lầy rất nguy hiểm cho các phương tiện nếu có dịp đi qua đây. Tuyến đường từ Km 7 đường Hồ Chí Minh vào Ba Nang cũng đang trong tình trạng xuống cấp do hậu quả liên tiếp của những trận thiên tai. Điều dễ dàng nhìn thấy là chỉ cần vài mùa mưa lũ nữa là nhiều tuyến giao thông vào các xã vùng sâu vùng xa của huyện Đakrông sẽ không sử dụng được. Là một huyện nghèo, nguồn thu rất thấp, ngân sách điều tiết cho sự nghiệp kinh tế hạn chế, nhưng những năm qua, huyện Đakrông cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi năm để duy tu sữa chữa nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bản, đảm bảo cho người dân và các phương tiện có thể lưu thông trong điều kiện có thể. Tuy nhiên trước sự tàn phá khốc liệt của thiên tai thì nguồn kinh phí này cũng chỉ như muối bỏ bể. Nhiều tuyến giao thông đang nằm trong tình trạng xuống cấp và nguy cơ bị ách tắc giao thông sau mỗi mùa mưa lũ là khó tránh khỏi. Sự tàn phá của thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng điều làm cho tình trạng xuống cấp của nhiều tuyến giao thông ở vùng cao này ngày càng trầm trọng thêm lại chính là sự hờ hững, vô tâm của con người. Theo một cán bộ ở Phòng Dân tộc huyện, đa phần các tuyến đường này hư hỏng không phải lưu lượng vận tải quá lớn mà chủ yếu do hệ thống cống rãnh thoát nước không hoạt động, mùa mưa lũ nước từ trên núi cao chảy xuống với tốc độ mạnh làm xói lở mặt đường, có nơi đứt hẳn cả đoạn đường vài chục mét. Để ngăn chặn tình trạng này là không khó, không cần nhiều kinh phí, chỉ cần cán bộ địa phương nơi có những con đường này đi qua quan tâm, trước mỗi mùa mưa lũ vận động người dân nạo vét những đoạn cống rãnh bị đất đá, gỗ mục, lá cây vùi lấp là hạn chế được quá trình xói lở. Tuy nhiên điều đó đã không diễn ra, hết năm này qua năm khác nhiều con đường nhà nước đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây dựng, đem lại niềm vui cho người dân đã bị bỏ mặc trước sự tàn phá của thiên tai. Lý giải thực trạng này, nhiều người cho rằng, bên cạnh những người đầy tâm huyết, trăn trở với sự đi lên của vùng đất này, vẫn còn không ít những cán bộ, người dân mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ từ cấp trên nên bàng quan trước tình trạng những con đường đang từng ngày xuống cấp. Họ không biết rằng sự thờ ơ đó đã để lại nhiều hậu quả mà hơn ai hết chính những người dân địa phương phải gánh chịu trước tiên. Nếu ai có dịp đi từ Tà Rụt vào A Vao, đoạn qua thôn Ăng Công xã A Ngo và nhiều đoạn khác nữa trên tuyến đường này sẽ thấy, dù trời không mưa nhưng nhiều chỗ nước vẫn chảy qua mặt đường ngày này qua tháng khác do cống rãnh trên tuyến nhiều đoạn đã bị lấp, không phát huy tác dụng, nhưng để khắc phục được tình trạng nước chảy tràn làm hư hỏng cả con đường thì quá đơn giản, chỉ cần huy động người dân bỏ ra vài giờ nạo vét là đâu lại vào đấy, nước sẽ chảy theo dòng và mặt đường sẽ khô ráo, nền đường sẽ không bị nước ngâm gây sụt lún, lồi lõm. Tiếc rằng điều đó đã không xảy ra, cán bộ và người dân địa phương ai cũng nhìn thấy nhưng hành động để cứu con đường thì chẳng ai nghĩ tới. Để duy trì hoạt động giao thông trên những tuyến đường huyết mạch này, ngoài sự quan tâm của nhà nước, cần sự hợp tác từ phía cộng đồng dân cư, nếu mọi người đều vô cảm trước thực trạng này thì e rằng bao nhiêu tiền của đầu tư để xây dựng những tuyến đường rồi sẽ trôi ra sông ra biển? Hoàng Đức