Cách bảo tồn cua đá ở Cù Lao Chàm
(QT) - Đến Cù Lao Chàm, du khách chủ yếu quan tâm đến ẩm thực và hệ sinh thái biển. Nhiều du khách cho rằng, chưa ngồi ca nô cao tốc, chưa ngủ đêm, chưa ăn cua đá ở Cù Lao Chàm, thì coi như chưa đến đây. Chính vì thế giá cua đá ở Cù Lao Chàm rất đắt đỏ, khoảng 2 triệu đồng/kg. Nhưng chính sách bảo tồn cua đá ở Cù Lao Chàm rất hiệu quả, vì thế nên hàng năm mặc dù đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến Cù Lao Chàm, cua đá và hệ sinh thái biển ở đây vẫn phát triển ổn định, bền vững.
 |
Người dân trên đảo Cù Lao Chàm bán hàng lưu niệm |
Phần lớn du khách đều thắc mắc: Tại sao giá hải sản ở Cù Lao Chàm đắt đỏ so với nhiều nơi khác trong lúc giá thu mua từ người dân đánh bắt không cao lắm? Cùng chung câu hỏi trên nên tôi thuê chiếc xe ôm vào khu dân cư xã Tân Hiệp để tìm lời giải thích. Ông Nguyễn Tự Do (70 tuổi), một người dân sống lâu năm trên đảo nhớ lại: “Hơn 20 năm về trước, cua đá, cá chình, ốc hương, vú sao, vú nàng, bào ngư nhan nhãn ở khu vực Cù Lao Chàm. Thậm chí khi có người bước xuống biển là chúng vây quanh hàng đàn ngoạm vào tay chân. Người dân bắt bán hải sản với giá khoảng 5 nghìn/kg nhưng nay chúng thưa thớt dần, đánh bắt rất khó khăn. Bây giờ giá thu mua cua đá tại chỗ lên tới gần 1 triệu đồng/kg, giá bán tại nhà hàng trên Cù Lao Chàm 2 triệu đồng/kg. Vậy là người ta lại đổ xô đi tìm cua đá khiến cua không kịp sinh sôi, nảy nở. Số phận các loài khác như ốc hương, vú sao, vú nàng, bào ngư, hải sâm cũng không may mắn hơn là bao”. Nhưng vì sao giá cua đá ở Cù Lao Chàm lại cao hơn nhiều so với những nơi khác? Anh Thanh, hướng dẫn viên du lịch trên đảo Cù Lao Chàm tiết lộ: “Nếu giá rẻ thì liệu hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm còn tồn tại đến hôm nay không. Đây chính là cách bảo tồn giống cua đá, cũng như hệ sinh thái biển khu vực đảo ở Cù Lao Chàm. Như các anh chứng kiến, mỗi ngày Cù Lao Chàm đón hàng nghìn du khách đến tham quan, nghĩ dưỡng, thưởng thức hải sản. Nếu trung bình mỗi du khách dùng một con cua đá thôi, thì khoảng một tuần sau cua đá ở Cù Lao Chàm bị tuyệt chủng. Thế nên Ban quản lý phải khống chế giá đầu vào để người dân không tập trung đánh bắt triệt để, đồng thời hạn chế số lượng tiêu thụ hải sản của du khách. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng xây dựng quy chế về thời điểm, số lượng, chất lượng, kích cỡ cua đá được đánh bắt. Sau khi đánh bắt phải qua một lực lượng kiểm tra, thẩm định gắt gao, nếu thấy đúng quy định thì dán một logo chất lượng lên lưng cua, sản phẩm mới được tiêu thụ, nếu vi phạm bị xử lý nặng. Đặc biệt với những con cua cái đang trong thời gian sinh sản đều được thả xuống biển”. Một hướng dẫn viên khác cho biết: “Anh Thanh là tác giả có tác phẩm logo cua đá được ban tổ chức chọn trong cuộc thi “Bảo tồn hệ sinh thái biển” cách đây 2 năm. Anh thiết kế logo mang biểu trưng 8 hòn đảo Cù Lao Chàm, bên dưới là một bàn tay nâng niu con cua đá săn chắc”. Anh Thanh giải thích thêm: “Tôi nghĩ đơn giản, mai cua đá giống hình trái tim con người, mà người ta thường gọi là tâm. Đôi bàn tay nâng niu trái tim thì gọi là ái. Nghĩa là nâng niu, yêu thương vạn vật bằng cả trái tim mình”. Câu chuyện về bảo tồn cua đá ở Cù Lao Chàm khiến tôi nghĩ đến việc bảo tồn giống cua này ở đảo Cồn Cỏ. Tháng 6/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức một cuộc hội thảo bàn về giải pháp bảo tồn cua đá tại đảo Cồn Cỏ. Tại đây, các đại biểu rất quan tâm đến dự án “Bảo vệ và phục hồi cua đá dựa vào cộng đồng ở đảo Cồn Cỏ” của ông Trần Anh Ngọc Hiền, cán bộ chuyên trách Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Hiện nay ở đảo Cồn Cỏ, cua đá đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. UBND huyện đảo ra Quyết định số 03/2012/ QĐ- UBND về việc cấm đánh bắt cua đá dưới mọi hình thức và giao cho Đồn Biên phòng 214, Ban quản lý Cảng cá và Công an huyện trực tiếp chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt theo đúng quy định. Nhờ thế nên cua đá không bị khai thác và buôn bán công khai như trước đây. Tuy nhiên tình trạng lén lút đánh bắt cua đá vẫn còn diễn ra. Theo ông Trần Anh Ngọc Hiền, muốn bảo vệ và quản lý cua đá một cách bền vững, cần xây dựng các kế hoạch hoạt động nhằm điều tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân sống ở huyện đảo Cồn Cỏ về vai trò của đa dạng sinh học, của cua đá đối với hệ sinh thái. Tiến đến quy định mùa khai thác, kích cỡ khai thác hợp lý. Tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học ở đảo, đẩy mạnh việc nghiên cứu mùa sinh sản, phân bố của cua đá nhằm bảo tồn tốt hơn loài cua này. Tạo cơ sở để xây dựng các phân khu bảo tồn, bãi đẻ thích hợp để phục hồi quần thể cua đá tại đảo Cồn Cỏ. Cua đá cái mỗi lần sinh sản có thể mang từ 70.000 đến 210.000 trứng (phụ thuộc vào kích thước của con cái) và một số con cái có thể sinh sản hai lần trong một mùa sinh sản, do đó nếu làm tốt công tác bảo tồn, chỉ cần qua một mùa sinh sản, quần thể cua đá sẽ được phục hồi. Thiết nghĩ, tuyến du lịch đến đảo Cồn Cỏ đã được khai thác, mở rộng. Trong tương lai, lượng khách du lịch đến đảo ngày một đông. Vì thế cần hiện thực hóa dự án “Bảo vệ và phục hồi cua đá dựa vào cộng đồng ở đảo Cồn Cỏ” để từng bước khai thác hợp lý nguồn lợi này. Bài, ảnh: MINH TUẤN