Tăng cường các biện pháp diệt chuột
(QT) - Trong sản xuất nông nghiệp, chuột hại luôn là đối tượng dịch hại nguy hiểm, không chỉ phá hại cây trồng ngoài đồng ruộng mà còn là đối tượng hại cả trong kho tàng bảo quản nông sản. Mỗi con chuột bình quân mỗi năm ăn hết 9 kg thức ăn và lượng cắn phá không ăn (để mài răng) gấp cả 100 lần. Chuột cũng là loài sinh sản nhanh, mỗi con chuột cái một năm có thể sinh sản ra 2.000 con, bởi vậy công tác diệt chuột phải hết sức coi trọng và phải thường xuyên, liên tục bằng mọi biện pháp.  Ở Quảng ...

Tăng cường các biện pháp diệt chuột

(QT) - Trong sản xuất nông nghiệp, chuột hại luôn là đối tượng dịch hại nguy hiểm, không chỉ phá hại cây trồng ngoài đồng ruộng mà còn là đối tượng hại cả trong kho tàng bảo quản nông sản. Mỗi con chuột bình quân mỗi năm ăn hết 9 kg thức ăn và lượng cắn phá không ăn (để mài răng) gấp cả 100 lần. Chuột cũng là loài sinh sản nhanh, mỗi con chuột cái một năm có thể sinh sản ra 2.000 con, bởi vậy công tác diệt chuột phải hết sức coi trọng và phải thường xuyên, liên tục bằng mọi biện pháp. Ở Quảng Trị mỗi năm có diện tích lúa bị chuột phá hoại từ 1.500-3.000 ha với tỷ lệ hại từ 5-30% gây thiệt hại rất lớn. Mấy năm gần đây, diện tích và cấp độ bị chuột hại không ngừng gia tăng, đã gây khó khăn cho việc bảo vệ cây trồng ở nhiều vùng, đặc biệt là vùng ven đô, vùng có nhiều đê, đập, công trình giao thông, thuỷ lợi...

Đặt bẫy diệt chuột

Nguyên nhân chuột tăng là do thiên địch trong tự nhiên của chuột như: mèo, trăn rắn, chim cú, chim heo...ngày càng bị suy giảm. Công tác phát động, tổ chức diệt chuột chưa trở thành hoạt động thường xuyên, đồng bộ trong cộng đồng. Các hình thức diệt chuột chưa đa dạng phong phú, kỹ thuật chưa đúng nên hiệu quả còn thấp. Để hạn chế tình trạng chuột phá hoại trong sản xuất, nhiều địa phương đã thực hiện đồng bộ các biện pháp hiệu quả, trong đó coi trọng công tác quản lý sản xuất như tăng cường công tác chỉ đạo ở các cấp, từng địa phương: Thôn, HTX sản xuất cần có ban điều hành để chỉ huy các hoạt động tổ chức diệt chuột đồng bộ thống nhất trong từng vùng và duy trì phong trào theo yêu cầu mùa vụ; Xây dựng kinh phí diệt chuột bằng các nguồn như hỗ trợ từ ngân sách, chương trình, dự án, chủ động nhất là thu phí trên đầu diện tích lúa, hoa màu từng cơ sở để chi cho công tác diệt chuột. Có các phương án, biện pháp diệt chuột phù hợp từng giai đoạn mùa vụ, sinh trưởng cây trồng và tập quán hoạt động của chuột, việc diệt chuột ngoài đồng phải đi đôi với diệt chuột trong từng gia đình, khu dân cư. Các biện pháp diệt chuột phù hợp như biện pháp nuôi và bảo vệ thiên địch của chuột, sử dụng các loại bẫy thủ công (như bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy hom để đặt thường xuyên), sử dụng bẫy cây trồng (gieo trước 1-2 sào/ khu đồng bằng lúa thơm trước 1 tháng so với lúa đại trà để nhữ chuột đến và đặt hom để bắt), sử dụng thuốc diệt chuột sinh học (vi trùng salmonela interitidis Isachenko) bã thóc nấu chín để diệt chuột (đây là loại thuốc vừa trực tiếp tiêu diệt vừa lây nhiễm lan truyền bệnh qua bầy đàn cao và rất an toàn với người, vật nuôi, môi trường, được ưu tiên khuyến cáo dùng mỗi vụ 2 lần: trước khi vào vụ 10-20 ngày và giai đoạn cuối đẻ nhánh trên đồng ruộng và đặc biệt là dùng trong khu dân cư. Chuột ăn bã sẽ chết sau 1-5 ngày và chết lai rai suốt vụ. Do thuốc dễ bị mẫn cảm với ánh sáng nên bỏ thuốc vào lúc chiều mát, bảo quản thuốc nơi râm mát, hạn sử dụng chỉ dưới 1 tháng, sử dụng thuốc hoá học Phốt pho kẽm để trộn với các loại bã chuột thích ăn (do thuốc dễ bay hơi (khí độc phốt phin -PH3) khi tiếp xúc với ẩm cao, nước, dịch vị dạ dày cho nên việc chọn loại mồi bã này phải gói kín và đặt ra sao cho đúng kỹ thuật mới đem lại hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người và động vật nuôi), tạo sự chú ý ở vị trí đặt bã thuốc bằng bẫy dấu chân (bùn loãng, đất mới) để tạo sự chú ý của chuột để đặt mồi, ở những vùng có điều kiện sinh thái thuận lợi, lợi dụng lũ lụt, xong vụ tổ chức đánh bắt lúc chuột ra khỏi hang lên vùng cao, một số nơi có thể phát động đào bắt thủ công, hun khói, đổ nước. Cần lưu ý bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê đập, đường giao thông... Tuyệt đối không được sử dụng điện sinh hoạt để chăng dây bẫy chuột. Hiểu biết về chuột, lợi dụng các đặc điểm sinh vật học, tập quán, các yếu điểm của chuột để từ đó lựa chọn giải pháp tối ưu phục vụ cho trừ diệt là kiến thức cần thiết mọi người cần biết để các địa phương, đơn vị quản lý sản xuất, hộ gia đình cùng chung tay hành động, hạn chế đến mức thấp nhất do hiểm hoạ từ chuột gây ra. Bài, ảnh: Trần Anh Minh