Xứng đáng là những người con đất thép
(QT) - Vượt lên những thử thách của số phận, những chàng trai sinh ra nơi vùng đất thép Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã không ngừng cố gắng để xây dựng cuộc sống mới, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương… Bước đi mạnh mẽ trên đôi chân yếu mềm “Vốn không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, ngay từ bé tôi mắc chứng teo chân. Việc đi lại, sinh hoạt và học tập gặp nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ, đó không phải là lý do để tôi buông xuôi cuộc đời mình. Mọi người cố gắng một thì tôi phải cố gắng bằng hai, bằng ba để xây dựng cuộc sống riêng cho mình”. Đó lời chia sẻ chân thành của chàng trai Lê Vinh Dũng, một trong số những gương thanh niên tiêu biểu của huyện Vĩnh Linh năm 2014.
 |
Anh Lê Vinh Dũng và công việc thường nhật |
Dũng sinh năm 1982 tại làng Đức Xá, xã Vĩnh Thủy. Tốt nghiệp THPT, anh tham gia học nghề tại Trung tâm tin học Hoa Sen với mong muốn có thể tìm được một công việc phù hợp với năng lực và điều kiện của mình. Theo học tại trung tâm được một năm, năm 2009, chàng thanh niên trẻ quyết định về quê mở dịch vụ photocopy và sửa chữa máy vi tính. Ban đầu anh nhờ gia đình vay 50 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, thuê địa điểm để thực hiện dự định của mình. Bước đầu khởi nghiệp công việc không thuận lợi như Dũng nghĩ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề, nhu cầu của bà con thời điểm đó chưa cao và cũng chưa thực sự tin tưởng vào tay nghề của anh trong khi tiền lãi ngân hàng phải thanh toán hàng tháng. Cùng với đó là địa điểm kinh doanh xa nhà, bất tiện cho việc đi lại của anh. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều lần anh thấy nản lòng vô cùng, nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè và Đoàn Thanh niên, Dũng quyết tâm không bỏ cuộc giữa chừng. Những cố gắng của Dũng đã được đền đáp. Hai năm sau đó, công việc làm ăn tiến triển tốt, anh đã thu lại được số vốn ban đầu bỏ ra. Giờ đây, từ cửa hàng của mình, mỗi năm Lê Vinh Dũng thu được trên 30 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2013 anh quyết định đầu tư nuôi thỏ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Từ số tiền tích cóp được, anh đầu tư 20 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 10 cặp giống. Hiện tại, chuồng thỏ của anh có gần 50 con, đã xuất bán hai lứa thỏ con, mỗi lứa từ 10- 15 con và thu về 4-5 triệu đồng. Trong mắt người thanh niên khuyết tật ấy rực cháy niềm vui và cả những quyết tâm mãnh liệt. Anh nói: “Lúc đầu, tôi chỉ mong rằng có thể tự lập thân, lập nghiệp, không trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhưng giờ, đã đạt được những thành công nhất định, khi được tuyên dương là một trong những điển hình thanh niên tiên tiến của huyện, tôi thực sự thấy hạnh phúc và nhận ra rằng, dù đang có nhiều khó khăn phía trước nhưng tôi nhất định phải còn làm được nhiều hơn thế nữa...”. Kiên trì theo đuổi ước mơ Chúng tôi tìm đến trang trại rộng hơn 3 ha của anh Hoàng Ánh Ngọc (sinh năm 1984) ở làng Thủy Trung, xã Vĩnh Trung. Đó là một chàng trai hiền lành, nụ cười rạng rỡ, trong bộ áo quần lao động đẫm mồ hôi. Ít ai ngờ rằng, chàng trai có dáng người nhỏ bé, hiền lành ấy lại ấp ủ một khát vọng lớn khi vừa tròn 27 tuổi đã mạnh dạn vay mượn hơn 100 triệu đồng để đầu tư mở trang trại tổng hợp: trồng rừng- nuôi cá- nuôi vịt đẻ trứng- nuôi lợn- bò- gà.
 |
Anh Hoàng Ánh Ngọc chăm sóc trang trại của mình |
Vừa đưa chúng tôi đi tham quan trang trại anh vừa kể chúng tôi nghe câu chuyện lập nghiệp lắm gian nan của mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo, có 7 anh chị em, vì điều kiện gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT anh phải từ bỏ ước mơ vào đại học để đi làm, giúp đỡ gia đình. Những tháng ngày làm việc không ngơi nghỉ, anh đã tích cóp được số vốn ít ỏi đồng thời vay mượn bạn bè để thực hiện dự định của mình. Với số vốn có được, anh ký hợp đồng thuê 3 ha đất để làm trang trại. Từ một vùng đất khô cằn, hoang hóa, anh đã biến nó thành một trang trại rộng lớn với hơn 2 ha rừng tràm, 5 ao cá, đàn lợn 34 con, 170 con vịt và 3 con bò, hàng năm, sau khi trừ chi phí cho thu nhập được từ 60- 70 triệu đồng. Khoản nợ vốn ban đầu chỉ sau hai năm anh đã thanh toán xong. “Để có thể thực hiện được mô hình này, tôi đã tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ những mô hình khác, đọc thêm các sách hướng dẫn chăn nuôi để bổ sung kiến thức cho mình. Trang trại vẫn ở trong giai đoạn mới hình thành nên khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng tôi tin rằng sẽ thực hiện được những dự định của mình”, Ánh Ngọc thổ lộ. Anh tâm sự, làm gì cũng vậy, phải kiên trì, vạn sự khởi đầu nan, không nhiều thách thức, không nếm mùi thất bại thì không thấy được sự ngọt ngào của thành công. Trong những lời chia sẻ ấy, anh Ánh nói nhiều hơn về tương lai, một tương lai tốt đẹp hơn lúc này. Vượt lên số phận Chúng tôi về thôn Nam Phú, xã Vĩnh Nam để tìm gặp Trần Sơn Trà. Sinh năm 1981, chàng thanh niên sau bảy năm vật lộn với cuộc sống, với công việc kinh doanh giờ đã trở thành ông chủ sở hữu một gia tài tiền tỉ.
 |
Anh Trần Sơn Trà tìm niềm vui trong công việc |
Lớn lên trong mặc cảm của một đứa trẻ không có cha, mẹ và bà ngoại là người thân nhất của anh. Tuổi thơ không êm đềm của một đứa trẻ kém may mắn đã giúp anh có thêm nhiều hơn nghị lực, sự chín chắn và tự lập. Khi mẹ anh theo cha dượng lên Khe Sanh (Hướng Hóa), anh cũng phải khăn gói rời quê hương tới một miền đất mới. Cuộc sống nhiều khó khăn nơi đất khách quê người dạy cho anh biết cách vượt lên trên những gian nan, trắc trở và hun đúc những quyết tâm mới. Năm 2007, khi bà ngoại qua đời, anh trở về quê hương và quyết tâm lập nghiệp tại chính nơi mình sinh ra. Trà tâm sự: “Bà ngoại là người yêu thương tôi vô cùng, nhớ ngày tôi theo mẹ lên Hướng Hóa, bà đã khóc rất nhiều. Giờ bà mất rồi, tôi phải giữ lấy mảnh đất này, lấy vợ, sinh con đẻ cái rồi hương khói cho bà. Tôi phải làm chủ cuộc đời mình, sống đời làm thuê như vậy, tôi nghĩ đã đủ rồi”. Trà bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới bằng việc vay thế chấp ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư kinh doanh. Ban đầu anh mua sắm làm dịch vụ cưới hỏi và mở cửa hàng tạp hóa vì những tháng năm làm thuê, làm mướn ở Hướng Hóa, anh nhận thấy đây là một dịch vụ đang ăn nên làm ra. Nhưng khi bắt tay vào làm anh gặp rất nhiều khó khăn, vì một mình anh phải làm tất cả mọi công việc, đi phục vụ đám cưới thì cửa hàng ở nhà không ai quán xuyến, làm việc này lại mất việc kia nên thu nhập không được như ý muốn. Năm 2011, sau khi lập gia đình, gánh nặng công việc có người thân chia sẻ, việc làm ăn cũng từ đó khởi sắc. Giờ đây, trong tay anh có 10 bộ rạp đám cưới, một đại lý vật liệu xây dựng, một cơ sở đúc gạch bloc, bờ lô, tấm lợp, đại lý bia, nước giải khát, một xe tải để vận chuyển và làm dịch vụ cho người dân trong vùng. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, mô hình kinh tế tổng hợp của anh còn tạo việc làm cho 8 lao động với mức tiền công trên 3 triệu đồng/người/ tháng. Anh cho chúng tôi hay, mỗi năm, trừ tất cả các chi phí gia đình anh lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Tôi hỏi anh, nếu được nói gì đó với mọi người về thành công của mình, anh sẽ nói điều gì? Anh chia sẻ: “Cuộc đời của tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn và bất hạnh, từ nhỏ đã phải làm thuê, làm mướn để sống qua ngày, nhưng tôi tin rằng, nếu cố gắng và kiên trì thì nhất định sẽ thành công”. Bài, ảnh: MAI LINH