Chương trình nông thôn miền núi tỉnh Quảng Trị: Hiệu quả đạt được và những bài học kinh nghiệm
(QT) - Được sự quan tâm, phê duyệt của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tại tỉnh Quảng Trị các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) (Chương trình nông thôn miền núi) đã và đang triển khai góp phần quan trọng trong việc đưa KH&CN về nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Quảng Trị tham gia triển khai thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, trong đó 8 dự án đã và đang ...

Chương trình nông thôn miền núi tỉnh Quảng Trị: Hiệu quả đạt được và những bài học kinh nghiệm

(QT) - Được sự quan tâm, phê duyệt của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tại tỉnh Quảng Trị các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) (Chương trình nông thôn miền núi) đã và đang triển khai góp phần quan trọng trong việc đưa KH&CN về nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Quảng Trị tham gia triển khai thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, trong đó 8 dự án đã và đang triển khai. Các dự án thuộc Chương trình đã giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết các vấn đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân giống và đưa vào sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên diện tích hiện có; phát triển những lợi thế về trồng hoa các loại, chăn nuôi gia súc; nuôi trồng thủy sản; tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và lao động nông nhàn, phát triển nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu;...

Mô hình ứng dụng KHCN trong trồng hoa chất lượng cao - Ảnh: HVA

Với mục tiêu chung của Chương trình nông thôn miền núi đưa ra, khi triển khai vào thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, hòa nhập vào tốc độ phát triển chung của cả nước. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã thực hiện 4 dự án, (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN làm đơn vị chủ trì thực hiện). Các dự án đã giúp các địa phương tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ để chủ động sản xuất giống cây trồng sạch bệnh, phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương. Gồm các dự án “Ứng dụng KHCN phát triển kinh tế hộ gia đình cải thiện điều kiện sống, khai thác hợp lý tiềm năng của vùng sản xuất hàng hóa ở vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”; “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô và giâm hom cây lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị”;“Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu tại tỉnh Quảng Trị” và dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống hoa và hoa thương phẩm chất lượng cao tại tỉnh Quảng Trị”. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học gồm 2 dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học và ứng dụng để xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp tại tỉnh Quảng Trị” (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN làm đơn vị chủ trì thực hiện); dự án: “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn than bùn sẵn có ở địa phương ở quy mô công nghiệp phục vụ phát triển cây cao su vùng gò đồi, vùng núi tỉnh Quảng Trị” (Công ty cổ phần phân vi sinh Quảng Trị thực hiện). Các dự án thuộc lĩnh vực này đã giúp người dân tiếp nhận và làm chủ các công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học chế biến phế phẩm phụ sinh học thành phân hữu cơ; tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản để sản xuất các loại phân bón hữu cơ vi sinh, sản xuất các chế phẩm và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, phục vụ phát triển trồng trọt trên địa bàn... Trong lĩnh vực chăn nuôi, đang triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp tại tỉnh Quảng Trị”, (Công ty TNHH Hoà Nhi chủ trì thực hiện). Thông qua dự án đã xây dựng được mô hình trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc. Xây dựng 1 hệ thống thu gom xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas. Ứng dụng đồng bộ các giải pháp về công nghệ, thiết bị, lai tạo giống, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y; công nghệ chuồng kín, công nghệ phun thuốc sát trùng tự động. Đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân cho mô hình chính, mô hình vệ tinh và cán bộ khuyến nông, nông dân tiếp thu và làm chủ được các công nghệ. Tạo mô hình chăn nuôi tiên tiến có khả năng nhân rộng ra các trang trại trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực thủy sản có dự án “Xây dựng mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng vụ Thu Đông trên vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Trị”, (Công ty TNHH MTV Việt Nam Thiên thực hiện). Mục tiêu của dự án là ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến xây dựng được mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng vụ Thu Đông trên vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Trị. Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng có dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời tại các xã khó khăn vùng nông thôn có “Làng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ”, (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quảng Trị chủ trì thực hiện). Với mục tiêu là chuyển giao và tiếp nhận mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời tại các xã khó khăn vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị; hệ thống cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời cho 3 trạm y tế và 6 trường mầm non của 3 xã vùng dự án gồm: Xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), xã Triệu Phước, xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong); hệ thống cung cấp điện mặt trời cho 3 trạm y tế của 3 xã: xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), xã Triệu Phước, xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong); hệ thống cung cấp điện mặt trời cho hộ dân (40 hộ dân, mỗi hộ dân 1 hệ thống): Làng Bắc Bình (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ); làng Vĩnh Lại và làng An Cư (xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong); làng Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong); đào tạo 12 kỹ thuật viên cơ sở được đào tạo, tập huấn cho 40 người dân địa phương. Trong công nghệ thông tin, đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cung cấp thông tin KH&CN về nông thôn và miền núi tỉnh Quảng Trị”, (Trung tâm Tin học - Thông tin KH&CN Quảng Trị thực hiện). Với mục tiêu là ứng dụng tích hợp công nghệ thông tin để đưa thông tin khoa học công nghệ tới cấp xã phục vụ phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao dân trí, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng đời sống tinh thần và vật chất cho nông dân. Từ thực tiễn triển khai các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, có thể rút ra bài học sau: Đơn vị được lựa chọn để thực hiện dự án phải có quyết tâm cao; định hướng kinh doanh đúng và có đủ năng lực để chuyển giao công nghệ, huy động được kinh phí đối ứng; ngành nghề được hỗ trợ phải phù hợp với thế mạnh của tỉnh. Chọn được công nghệ chuyển giao thích hợp, lựa chọn đơn vị chuyển giao mạnh, có kinh nghiệm (nếu đơn vị thực hiện cũng là đơn vị chuyển giao là biện pháp tối ưu); trong nội dung của dự án cần coi trọng và tăng cường công tác tập huấn, đào tạo và tham quan mô hình cho cán bộ cơ sở cũng như người dân của vùng dự án. Chú trọng công tác điều tra, khảo sát, việc lựa chọn địa điểm, chọn hộ để triển khai các mô hình phải dựa vào điều kiện cụ thể của từng hộ và tăng cường sự tham gia của người dân địa phương để từ đó triển khai các nội dung cho phù hợp; sự kết hợp hài hoà, lồng ghép các chương trình trên địa bàn; sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị triển khai và đơn vị ứng dụng/hưởng thụ để dự án đạt được hiệu quả tối ưu nhất. TRẦN THỊ PHƯỢNG