(QT) - Sáng ngày 6/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng. Đại biểu HOÀNG ĐỨC THẮNG, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có bài phát biểu, nội dung như sau:
Kính thưa Quốc hội!
Năm qua, trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị thế giới có những diễn biến phức tạp đã có tác động ảnh hưởng, thách thức đến an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đạt những kết quả tiến bộ.
![]() |
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường - Ảnh: NTL |
Việt Nam là một quốc gia an toàn trong một thế giới còn nhiều biến động, phức tạp; đó là thành tựu lớn đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy vậy, cần thẳng thắn nhận diện những khó khăn, hạn chế làm cho lòng dân chưa yên đó là: Tình hình tội phạm gia tăng, nhất là tội phạm nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; đáng chú ý là các vụ án giết người thân trong gia đình với thủ đoạn tàn độc gây hoang mang, bức xúc trong xã hội.
Tình hình xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở nhiều địa phương; tình trạng hành hung đội ngũ thầy thuốc ngay trong cơ sở khám, chữa bệnh thực sự đáng báo động mà nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã phát biểu trong những ngày qua; nhiều vụ phá rừng ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” với quy mô lớn xảy ra trong thời gian dài. Có hay không hành vi “làm ngơ, tiếp tay”,“ bảo kê” cho phá rừng?! Thật ngạc nhiên khi có địa phương khởi tố 25 vụ phá rừng nhưng không khởi tố được một bị can nào!. Vậy tội phạm ở đâu? Phải chăng cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta lại yếu kém, bất lực thế sao? Vừa qua chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng, tạo được niềm tin ở nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Chính phủ về chống loại giặc “nội xâm” này.
Tuy nhiên, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện, đã vạch mặt được những “con mèo ăn vụng” của dân, của nước; hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm do cơ quan điều tra Trung ương điều tra, xử lý. Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng ở cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý; phải chăng đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này, hay khi phát hiện ra thì xử lý theo kiểu “ khép kín nội bộ”; “phê bình nghiêm khắc”, “ kiểm điểm rút kinh nghiệm” như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo, công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật, không để “hành chính hóa” các quan hệ “ hình sự”; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, không thể “giơ cao đánh khẽ; rung cây dọa khỉ” mãi được! Năm qua với sự nỗ lực, tích cực của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử mà tiêu biểu là chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án lớn, đã chú trọng phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến oan sai, các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, đó là những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy vậy, trong một số vụ án cụ thể vẫn còn để xảy ra sai sót, vi phạm tố tụng làm phát sinh khó khăn vướng mắc, kéo dài, nhất là công tác điều tra, truy tố còn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; điều tra, thu thập không đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội; điều tra, truy tố bỏ lọt tội phạm hay truy tố oan sai dẫn đến việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung kéo dài vụ án. Có thể thấy rằng phần lớn các vụ án oan sai gần đây mà nguyên nhân chính là từ việc không chấp hành, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự; cơ quan tố tụng khởi tố bị can khi chưa đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội, không thực hiện đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động tố tụng, bảo vệ quyền con người như Hiến pháp quy định. Vụ án “buôn lậu”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng được công luận cả nước, cử tri tỉnh Quảng Trị và giới luật sư đặc biệt quan tâm.
Vụ án xảy ra từ cuối năm 2011, qua 3 lần xét xử sơ thẩm, tòa án tiếp tục trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra bổ sung. Nhận thấy đây là vụ án phức tạp, khá điển hình về thời gian kéo dài đến nay đã 6 năm, gây ra biết bao hệ lụy, người dân liên tục kêu oan. Xem xét vụ án có dấu hiệu oan sai, “ hình sự hóa” quan hệ hành chính, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, nhất là việc cơ quan điều tra cho bán lô gỗ trắc hơn 500 mét khối là vật chứng của vụ án đang trong quá trình điều tra cùng nhiều khuất tất khác đã đẩy vụ án vào bế tắc.
Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị từ khóa XIII đến khóa XIV đã nhiều lần kiến nghị, chất vấn nhưng vụ việc vẫn cứ “dẫm chân tại chỗ” và gần đây chúng tôi đã báo cáo kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền ở Trung ương chỉ đạo giải quyết. Rất mừng là sau kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Nội chính Trung ương đã có thông báo: “... đây là vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao cho Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo đúng quy trình của pháp luật”. Hy vọng với sự chỉ đạo của Trung ương, sự giám sát của Quốc hội, vụ việc sớm đến hồi kết thúc.
Kính thưa Quốc hội!
Chúng tôi rất chia sẻ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đó là cuộc đấu tranh phức tạp, cam go với những hành vi phạm tội ngày càng liều lĩnh, tinh vi. Vì vậy, trong hoạt động tố tụng không thể tránh được oan sai. Nhưng khi đã thấy sai rồi thì dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để cầu thị sửa chữa, không bảo thủ, cố chấp để tình trạng “ngâm án, treo án”, kéo dài sự khổ đau cho người dân vô tội, làm tăng thêm hậu quả pháp lý và bồi thường trách nhiệm nhà nước; nhất thiết phải tuân thủ chặt chẽ, triệt để quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Khi và chỉ khi pháp luật được tôn trọng và nghiêm chỉnh thực thi từ mỗi người dân và từ mỗi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm bảo vệ pháp luật thì pháp luật mới được thượng tôn; quyền con người mới được bảo vệ ; công lý mới được thực thi; niềm tin vào Đảng và Nhà nước ở nhân dân mới được củng cố vững chắc.
Xin cảm ơn Quốc hội!
Nguyễn Thị Lý (ghi)