Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những minh chứng pháp lý
(QT) - Cách đây hơn 3 thế kỷ, người Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, điều này được ghi rất rõ trong sử sách của Việt Nam và rất đầy đủ trong các tài liệu của quốc tế, cả trong sử sách của Trung Hoa, đó là những minh chứng pháp lý không phải bàn cãi. Trong cuốn “Đại Nam nhất thống toàn đồ” ở thế kỷ XVIII đã ghi rất rõ: “Hoàng Sa và Trường Sa là 2 quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam”. Còn trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, cũng tả rất kỹ ...

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những minh chứng pháp lý

(QT) - Cách đây hơn 3 thế kỷ, người Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, điều này được ghi rất rõ trong sử sách của Việt Nam và rất đầy đủ trong các tài liệu của quốc tế, cả trong sử sách của Trung Hoa, đó là những minh chứng pháp lý không phải bàn cãi. Trong cuốn “Đại Nam nhất thống toàn đồ” ở thế kỷ XVIII đã ghi rất rõ: “Hoàng Sa và Trường Sa là 2 quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam”. Còn trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, cũng tả rất kỹ về hai quần đảo này, rằng: “Hoàng Sa và Trường Sa vốn là một thềm lục địa thống nhất, sau quá trình hoạt động của tầng địa chất hàng chục triệu năm nên thềm lục địa cổ bị phá hủy, tạo ra đới tách giãn theo hai hướng và chia thành 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo này, chân của nó vẫn gắn liền với thềm lục địa Việt Nam ở đới chuyển tiếp trên sườn đặc biệt có nhiều đảo san hô...”. Còn trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” và “Hoàng Việt địa dư chí ”, Phan Huy Chú cũng mô tả khá chi tiết về 2 quần đảo này, là: “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Nghĩa, xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn. Ở ngoài biển có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, có phường Tư Chính, dân cư trồng đậu, ra biển 4 canh thì đến, phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa...”. Như vậy, có thể khẳng định ngay từ thế kỷ XVIII Nhà nước phong kiến Việt Nam đã thiết lập chủ quyền thực sự của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông.

Bộ đội Hải quân ở đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa chào cờ đầu tuần - Ảnh: PV

Ngoài ra còn có thể kể thêm một số tài liệu, văn bản đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là: Từ tháng 6/1884, sau khi triều Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Giáp Thân, công nhận sự thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, thì Pháp đã thực hiện chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau đó 3 năm- năm 1887, Pháp và Triều đình Mãn Thanh ký công ước hoạch định biên giới trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và đương nhiên, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bước sang thế kỷ XX, ngày 21/12/1933, Thống đốc Krautheimer ký nghị định số 4702- CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Đến ngày 15/6/1938, Toàn quyền Đông Dương I.Brévie đã ký Nghị định số 156-SC, quyết định về tổ chức hành chính quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 9/ 2/1947, Tôn Phố, Chủ tịch Viện lập pháp Trung Quốc- con trai Tôn Dật Tiên, đã tuyên bố: “Trung Quốc ủng hộ mọi yêu cầu hợp pháp của người Việt Nam đối với người Pháp về quần đảo Hoàng Sa”. Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức bàn giao 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền của Bảo Đại quản lý. Tướng Phan Văn Giáo, lúc đó là Thủ hiến Trung Phần đã đích thân đến đảo Hoàng Sa để chủ tọa lễ bàn giao. Sau đó gần một năm- tháng 9/1951, tại Hội nghị San Franxitco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm ngoại trưởng của Chính phủ Bảo Đại, Trưởng phái đoàn Việt Nam đã tuyên bố: “Cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những quần đảo luôn luôn thuộc về Việt Nam”. Tuyên bố này không gặp sự phản đối hay bảo lưu nào của đại diện 51 nước (trong đó có Trung Quốc) tham dự. Quần đảo Hoàng Sa gồm hơn 30 hòn đảo, đá, cồn san hô, bãi cát, chiếm diện tích khoảng 15 nghìn km 2 biển. Hòn đảo gần nhất cách đảo Lý Sơn (Cù lao Ré của Việt Nam) 220 km, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) gần nhất là 260 km. Quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) chia thành hai nhóm: Nhóm phía đông có tên là Vĩnh An, gồm 12 hòn đảo nhỏ, trong đó có hai đảo lớn nhất là Phú Lâm và Linh Côn, mỗi đảo rộng khoảng 1,5 km 2 . Nhóm phía tây là nhóm Lưỡi Liềm gồm các đảo Hữu Nhật, Hoàng Sa, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng... Các đảo này không lớn, rộng khoảng 0,5 km 2 . Quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) nằm ở vùng biển Nam Việt Nam. Trường Sa rộng lớn hơn quần đảo Hoàng Sa, có khoảng gần 100 đảo, bãi đá, san hô lớn, nhỏ, diện tích toàn khu vực khoảng 16 vạn km 2 . Hòn đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa, cách Vịnh Cam Ranh (Việt Nam) hơn 450 km, cách Hòn Hải (Việt Nam) 350 km. Hòn đảo gần nhất cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng trên 1.150 km và cách Đài Loan khoảng 1.760 km. Trong những thế kỷ trước, quần đảo Trường Sa được gộp chung với quần đảo Hoàng Sa, mà người Việt Nam gọi là Bãi Cát vàng, Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa... sau này mới gọi là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Theo các thư tịch cổ, ít nhất là thế kỷ XVII, Nhà nước Việt Nam đã phát hiện, chiếm hữu và làm chủ thực sự đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này được ghi rất rõ trong cuốn sách Toàn tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá, tự là Công Đạo. Các bộ sử chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam như: Đại Nam thực lục tiền biên (1844); Đại Nam thực lục chính biên (1848); Đại Nam nhất thống chí (1882)... đều khẳng định Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ của Việt Nam. Và với tư cách là người làm chủ, liên tục trong nhiều thế kỷ, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức quản lý, khai thác, điều tra, khảo sát địa hình, địa vật, dựng miếu, trồng cây, cắm mốc... trên hai quần đảo này. Những cứ liệu có tính lịch sử và pháp lý nêu trên đã khẳng định các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu thực sự và liên tục tổ chức thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này từ nhiều thế kỷ nay. Ngay cả chính quyền phong kiến Trung Quốc cũng thừa nhận điều đó. Trong suốt mấy thế kỷ, các chính quyền phong kiến Trung Quốc chẳng những không lên tiếng tranh chấp, mà còn thừa nhận sự có mặt chính đáng của Nhà nước Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy là mọi việc đã rõ như ban ngày và không cần phải bàn cãi, thế giới cũng đã hiểu và nhận ra rằng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam là người có quyền bảo vệ quyền chủ quyền của mình trên 2 quần đảo này. Nếu người Trung Quốc không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, xin mời đọc lại những tài liệu sau đây do chính người Trung Quốc viết. Trong cuốn “Hải ngoại ký sự” năm 1696, của Nhà sư Thích Đại Sán, có đoạn viết: “Chúa Nguyễn hàng năm cho thuyền ra khai thác sản vật từ các tàu thuyền bị đắm ở vùng Vạn lý Trường Sa”(tức Hoàng Sa), còn trong tập tài liệu “Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hội biên” do Hàn Chấn Hoa chủ biên ở trang 115 thiên thứ nhất, cũng ghi rằng: “Ở Hoàng Sa có ngôi miếu gọi là “Hoàng Sa tự”, được Vua Minh Mạng triều Nguyễn cho xây dựng”. Còn trong cuốn “Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ” (Bản đồ Trung Quốc đời nhà Thanh, xuất bản năm 1894), có ghi chú: “Điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, Quảng Đông, độ bắc cực 18o 09,10”. Còn trong tập bản đồ mang tên “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ 4 năm 1910 cũng ghi rõ ràng rằng: “Phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam...”. Những sự kiện lịch sử trên là cơ sở vững chắc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều luật gia quốc tế nổi tiếng thừa nhận các chứng cứ của Việt Nam là có giá trị pháp lý. Nhận xét tổng quát về các luận cứ của các bên tranh chấp chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Sác-lơ Ru-sô (Charles Rou sseau), giáo sư Trường Đại học Luật Pari và là ủy viên Viện Luật quốc tế, đã viết: “Trên thực tế, các mối quan hệ lịch sử lâu đời và vị trí địa lý gần gũi là hai danh nghĩa quan trọng mà Việt Nam có thể nêu ra và họ đã làm điều đó... Nhưng một danh nghĩa như vậy chỉ có giá trị nếu nó dựa vào việc chiếm hữu thực sự, cụ thể mà nước Việt Nam là nước duy nhất có thể thực hiện ở đây hoặc là có khả năng hơn tất cả các bên khác”. Theo hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, chính quyền Sài Gòn quản lý miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1956, lực lượng hải quân của chính quyền Sài Gòn đã tiếp quản các đảo và ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Để sắp xếp lại quần đảo Hoàng Sa, ngày 13/7/1961, chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa (trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên), vào tỉnh Quảng Nam và lập tại đây một đơn vị hành chính gọi là xã Định Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Trong những năm từ 1961- 1963, chính quyền Sài Gòn lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa là: Trường Sa; An Bang; Song Tử Tây; Song Tử Đông; Thị Tứ và Loại Ta. Một minh chứng gần đây nhất mà người Trung Quốc hiểu hơn ai hết, đó là vào năm 1956, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam theo tinh thần của Hiệp định Giơ-ne-vơ, bàn giao lại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền “Việt Nam cộng hòa”. Lợi dụng lúc quân Pháp rút khỏi Việt Nam, quân đội Sài Gòn chưa kịp ra thay thế, Trung Quốc đã cho quân chiếm đóng nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Đêm 20 rạng sáng ngày 21/2/1959, Trung Quốc cho binh lính cải trang làm ngư dân ra hoạt động khiêu khích, thăm dò nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, hòng chiếm nốt số đảo còn lại. Nhưng các đơn vị quân đội Sài Gòn đồn trú ở đây đã bắt toàn bộ 82 người và 5 tàu quân sự cải dạng tàu đánh cá, làm thất bại âm mưu xâm lấn Hoàng Sa của Trung Quốc. Mãi đến đầu năm 1974, trong lúc nhân dân Việt Nam đang tập trung cao độ vào nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, Trung Quốc đã huy động lực lượng quân sự có máy bay và tàu chiến yểm trợ đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh, xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tháng 1/1988, Trung Quốc cho hải quân ra khu vực quần đảo Trường Sa hoạt động khiêu khích, ngăn cản các tàu vận tải của Việt Nam. Họ đã xâm chiếm một số bãi đá ngầm nhằm xây dựng căn cứ đứng chân làm bàn đạp để mở rộng các hoạt động xâm lược trên đảo của Việt Nam nói riêng và khống chế biển Đông, nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ biển Đông. Hành động đó của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, làm cho tình hình trên biển Đông và khu vực trở nên căng thẳng. Trước đó, ngày 9/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định nâng đơn vị hành chính hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lên cấp huyện. Huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, (nay thuộc thành phố Đà Nẵng), huyện Trường Sa sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa). Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương trên đẩy mạnh các hoạt động khai thác, thăm dò, thực hiện chủ quyền của lãnh thổ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo này và bày tỏ thiện chí giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa bình. Năm 1991, sau khi quan hệ Việt Nam- Trung Quốc bình thường hóa, Chính phủ hai nước đã thỏa thuận sẽ tiến hành đàm phán nhằm giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ tồn tại giữa hai nước, trong đó có vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Lẽ ra mọi lời nói và việc làm phải đi theo hướng đó, nhưng rất tiếc, Trung Quốc đã nói một đằng, làm một nẻo, vẫn liên tục xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là nhiều lần dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực (điều mà Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã nghiêm cấm). Nghiêm trọng hơn từ đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép sâu vào vùng biển của Việt Nam, gây nên tình hình bất ổn ở biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đã và đang bị dư luận trong nước và quốc tế lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, với truyền thống yêu chuộng hòa bình và giữ gìn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Việt Nam luôn mong muốn rằng, thông qua đàm phán, hai bên có thể đi đến một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo ở biển Đông. Để làm được điều này, trước hết yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay và vô điều kiện giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. PHAN SÁU