(NDĐT) - “Điều thần kỳ”, “không tưởng”, “hy hữu”… là những cụm từ được dùng để diễn tả về thành công của các thầy thuốc ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh trong vụ cứu bé bị dao đâm xuyên não hay vụ bé sơ sinh văng khỏi bụng mẹ sau tai nạn giao thông... Nhưng góp sức không nhỏ để có kỳ tích đó phải nhắc đến quy trình “báo động đỏ” do các thầy thuốc ở đây đang triển khai.
Quy trình “báo động đỏ” được áp dụng trong xử trí cấp cứu tối khẩn cấp, nhất là những trường hợp cấp cứu cần can thiệp ngoại khoa mới hy vọng cứu sống được người bệnh. Theo đó, khi phát lệnh quy trình này cho phép bác sĩ bỏ qua các giai đoạn như hội chẩn, xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh... như bình thường mà chuyển thẳng người bệnh từ phòng cấp cứu lên ngay phòng mổ. Chỉ từ năm đến mười phút (thay cho nhanh nhất là khoảng 30 phút như quy trình cũ bình thường), những lực lượng được huy động đã sẵn sàng ở phòng mổ. Nhờ đó mà sinh mạng của người bệnh có thể được cứu sống. Được Bệnh viện Nhi Đồng 1 triển khai từ năm 2010, “báo động đỏ” đảm đương cấp cứu vào thời điểm ngoài giờ làm việc của ca chiều, tập trung đồng thời các ê-kíp gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu... Đến nay, đã có hơn mười bệnh nhi được cứu nhờ quy trình này.
Đáng chú ý, để áp dụng thành công quy trình này đòi hỏi một số nguyên tắc quan trọng về khả năng chẩn đoán lâm sàng nhanh của các bác sĩ trực cấp cứu và xử trí hồi sức; huy động sự tham gia vừa khẩn trương vừa đồng bộ của các khoa phòng trong bệnh viện... và điểm quan trọng là phân quyền cho bác sĩ khoa cấp cứu về phát lệnh “báo động đỏ”... Người được quyền “phát tín hiệu đỏ” là bác sĩ cấp cứu và bác sĩ trực ngoại khoa mà không cần phải chờ xin ý kiến trưởng khoa hay trực lãnh đạo bệnh viện. Khi lệnh phát ra, tất cả các bộ phận liên quan đều phải thực hiện ưu tiên số một cho ca mổ này… TS Tăng Chí Thượng, người đưa “báo động đỏ” về Việt Nam cho biết: Quy trình này không phải là đòi hỏi sử dụng những kỹ thuật cao, mà là đòi hỏi sự phối hợp một cách khẩn trương và nhịp nhàng của các khoa phòng trong bệnh viện. Do đó quy trình này hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả các bệnh viện có khả năng cấp cứu ngoại khoa. Khi đó cơ hội cứu sống người bệnh sẽ tăng thêm rất nhiều.
“Báo động đỏ” thường được đưa ra để làm giới hạn về nguy cơ ảnh hưởng của một vấn đề nào đó, mà thường là không tốt (sự cố, ô nhiễm, cháy rừng, lũ lụt…). Nhưng trong cuộc chiến giành giật với “thần chết” để giữ lại mạng sống cho người bệnh thì quy trình “báo động đỏ” không chỉ giới hạn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, mà cần được nhân rộng ra nhiều bệnh viện hơn nữa.
Minh Hoàng